Thursday, January 7, 2016

Do mâu thuẫn gia đình, cộng đồng: 1.000 vụ giết người/năm

Văn Kiên-06:29 ngày 07 tháng 01 năm 2016 
TP - Theo Báo cáo của Bộ Công an, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 1.000 vụ giết người do mâu thuẫn nội bộ gia đình, cộng đồng dân cư, trong đó xảy ra nhiều vụ người thân trong gia đình giết hại nhau với tính chất hết sức dã man.
Vi Văn Hai thảm sát 4 người tại Nghệ An. Ảnh: Hoàng Hải.Vi Văn Hai thảm sát 4 người tại Nghệ An. Ảnh: Hoàng Hải.
Chiều 6/1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TƯ của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới và tổng kết năm 2015 của Ban chỉ đạo 138/CP. Theo báo cáo do Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày, trong 5 năm qua, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đã được kiềm chế, nhưng vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Tỷ lệ tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội gia tăng, có nhiều vụ giết người dã man, tàn bạo, giết nhiều người trong gia đình, chặt xác, phi tang, truy sát nạn nhânđến cùng gây bức xúc trong dư luận. 
Ngoài ra, tình trạng tội phạm có tổ chức cũng diễn biến phức tạp, không chỉ hoạt động phạm tội trong các lĩnh vực hình sự đơn thuần mà chúng câu kết, đan xen với kinh tế, ma túy, buôn lậu và sử dụng vũ khí nóng. Nhiều băng nhóm tội phạm hình sự còn “đội lốt” doanh nghiệp để hoạt động. Đáng chú ý, báo cáo phân tích, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 1.000 vụ giết người do mâu thuẫn nội bộ gia đình, cộng đồng dân cư, đặc biệt trong đó có khoảng 14 đến 15% là các vụ người thân trong gia đình giết hại nhau.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tội phạm giết người, Bộ Công an cho rằng do một số chuẩn mực đạo đức xã hội đã bị đảo lộn, đặc biệt là tình trạng lớp trẻ hiện nay đang bị “đầu độc” bởi quá nhiều sản phẩm văn hóa nghe nhìn, giải trí có nội dung kích động bạo lực trên internet, game online…  Do đó, cần đề cao vai trò của nhân dân trong phòng, chống tội phạm, nhất là trong phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư; coi trọng vai trò của gia đình, nhà trường, các đoàn thể quần chúng.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2016, cần tăng cường công tác đấu tranh triệt phá các băng nhóm sử dụng vũ khí nóng, chặt đứt các đường dây buôn lậu chất cấm trong chăn nuôi, cũng như tội phạm môi trường… 
Cũng theo Bộ Công an, trong năm 2015 đã xuất hiện các hacker tấn công trang web, cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước và mạo danh blog, Facebook cá nhân mang tên các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để lan truyền thông tin sai sự thật gây chia rẽ nội bộ, tâm lý hoài nghi trong nhân dân, tác động xấu trước Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Đánh giá về tình hình tội phạm, ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, còn nhiều diễn biến phức tạp, trong đó xuất hiện nhiều loại tội phạm mới phi truyền thống cả ở thành thị lẫn nông thôn, gây lo lắng bất an trong nhân dân. Theo ông Lê Hồng Anh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là ở một số nơi chưa làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm. Một số nơi còn nhiều sơ hở trong quản lý để tội phạm lợi dụng hoạt động.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, nếu kinh tế, xã hội phát triển nhưng tội phạm lộng hành thì người dân sẽ không an tâm. Vì thế, thời gian tới phải thực hiện đồng bộ các biện pháp kiềm chế tội phạm.

No comments:

Post a Comment