Bất chấp phản đối và khuyến cáo của nhiều quốc gia, Trung Quốc tiếp tục điều động phi cơ thử hạ và cất cánh tại phi trường trên bãi đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa.
Một trong hai phi cơ dân sự của Trung Quốc thử hạ và cất cánh tại phi trường trên bãi đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa. (Hình: Tân Hoa Xã)
Ngày 6 Tháng Giêng, Trung Quốc đã điều động hai phi cơ dân sự lần lượt thử hạ và cất cánh tại phi trường trên bãi đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa.
Theo Tân Hoa Xã thì hai phi cơ này cất cánh từ phi trường Hải Khẩu trên đảo Hải Nam, bay khoảng 1,000 cây số đến phi trường trên bãi đá Chữ Thập, hạ cánh tại đó rồi cất cánh quay về. Thời gian cho mỗi lượt bay là hai tiếng.
Trước đó bốn ngày, hôm 2 Tháng Giêng, Trung Quốc đã từng cho một phi cơ dân sự thử hạ và cất cánh tại phi trường trên bãi đá Chữ Thập và ngay sau đó đã có nhiều quốc gia chỉ trích kịch liệt hành động này. Công hàm cho rằng, hành động của Trung Quốc trái với các thỏa thuận giữa hai bên, vi phạm Tuyên Bố Về Ứng Xử Của Các Bên Ở Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN. Việt Nam yêu cầu chấm dứt ngay và không tái diễn những hành động tương tự.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Philippines thì tuyên bố, hành động của Trung Quốc đã khiến tình hình Biển Đông căng thẳng hơn. Còn ngoại trưởng Nhật nhấn mạnh, Nhật “không thể chấp nhận” việc Trung Quốc hành động như thế, đặc biệt là khi cộng đồng quốc tế đã khuyến cáo Bắc Kinh không nên đơn phương thay đổi hiện trạng Biển Đông, đặt cộng đồng quốc tế trước những chuyện đã rồi như bồi đắp các bãi đá ở quần đảo Trường Sa thành những đảo nhân tạo và biến chuỗi đảo nhân tạo này thành căn cứ quân sự.
Kế đó, ông John Kirby, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, lặp lại đề nghị mà Hoa Kỳ từng nhiều lần nêu ra với Trung Quốc, đó là Trung Quốc nên ngưng các hoạt động nhằm quân sự hóa vùng biển mà Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan. Theo ông Kirby, việc Trung Quốc cho phi cơ thử hạ và cất cánh trên phi đạo vừa mới hoàn tất ở bãi đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, đã khiến cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương bất ổn hơn. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho rằng, các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông nên thảo luận để đạt đến một thỏa thuận về những hành động mà các bên “cùng có thể chấp nhận” tại khu vực đang có tranh chấp.
Sau khi đáp lại công hàm phản đối của Việt Nam rằng, việc cho phi cơ thử hạ và cất cánh tại phi trường trên bãi đá Chữ Thập là tất nhiên và chính đáng bởi Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi tại quần đảo Trường Sa và các vùng biển quanh đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên tiếng khuyên Hoa Kỳ nên tỏ ra có trách nhiệm, khách quan bằng những phát biểu thật sự có lợi cho hòa bình và sự ổn định của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc còn thách thức Thượng Nghị Sĩ John McCain, chủ tịch Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện Hoa Kỳ, người vừa mới công khai bày tỏ sự thất vọng khi chính phủ Hoa Kỳ không tiếp tục thực hiện những cuộc tuần tra quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc vừa bồi đắp tại quần đảo Trường Sa, rằng ông và những người lo ngại cho tự do lưu thông ở Biển Đông hãy đưa ra những bằng chứng chứng minh tự do lưu thông đang bị đe dọa. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhấn mạnh, tình hình ở Biển Đông vẫn ổn định. Tự do lưu thông cả trên biển lẫn trên không theo luật pháp quốc tế không hề bị đe dọa. Cần nói thêm rằng, một số viên chức quốc phòng của Hoa Kỳ khẳng định, Hoa Kỳ không hề ngưng mà chỉ chưa xác định lúc nào sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra ở Biển Đông.
Tại quần đảo Trường Sa, ngoài phi đạo dài 3,000 mét trên bãi đá Chữ Thập, Trung Quốc còn hai phi đạo trên hai đảo nhân tạo khác. Các phi đạo đó đủ cho chiến đấu cơ, oanh tạc cơ, vận tải cơ quân sự cất và hạ cánh. Điều này sẽ giúp quân đội Trung Quốc dễ dàng duy trì sự hiện diện cả trên biển lẫn trên không.
Đây cũng là lý do khiến nhiều chuyên gia an ninh và quốc phòng tin rằng, Trung Quốc có thể sớm tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Theo những chuyên gia này, hành động mới nhất của Trung Quốc, qua việc cho phi cơ thử hạ và cất cánh tại phi trường trên bãi đá Chữ Thập, chứng tỏ Trung Quốc vẫn tuần tự tiến hành kế hoạch kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Chắc chắn Trung Quốc sẽ đưa các phi cơ quân sự đến những đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp và xây dựng xong. Các căn cứ quân sự mà Trung Quốc thiết lập tại Biển Đông sẽ là nơi trú đóng cho các phương tiện quân sự, hậu thuẫn cho tuyên bố thiết lập ADIZ và cuối cùng là hỗ trợ cho yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông. (G.Đ.)
01-06- 2016 3:09:00 PM
No comments:
Post a Comment