Thursday, January 7, 2016

Việt Nam chưa cam kết… không tra tấn

Theo VNTB -08-01-2016
Thảo Vy (VNTB) Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, khi gặp những trường hợp tử vong tại đồn công an, đều “gạch đá” cho rằng Việt Nam đã vi phạm nhân quyền, vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Một trong những nạn nhân của bức cung, nhục hình (tra tấn) tại Việt Nam. 

Thực tế, những trường hợp này, nếu có tra tấn diễn ra đều khắp ở các đồn công an, ở các nhà tù, nơi tạm giữ… thì những thành viên đã ký kết ở Công ước này cũng không cách gì “lôi” Nhà nước Việt Nam ra hầu tòa.

Việt Nam không có tra tấn mà chỉ là “trừng phạt hợp pháp?

“Thuật ngữ “tra tấn” có nghĩa là bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người, vì những mục đích như lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba, hoặc để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện, hoặc để đe doạ hay ép buộc người đó hay người thứ ba, hoặc vì bất kỳ một lý do nào khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, khi nỗi đau đớn và đau khổ đó do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức. Khái niệm tra tấn không bao gồm những đau đớn hoặc đau khổ xuất phát từ, gắn liền với hoặc có liên quan đến các biện pháp trừng phạt hợp pháp”. (Trích Điều 1.1, Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người).

Cho đến nay, Bộ luật hình sự của Việt Nam không có thuật ngữ “tra tấn”, mà chỉ có “nhục hình”, được hiểu trong giới hạn của sự tác động trực tiếp lên thể xác hơn là tinh thần.

Việt Nam đã từ chối gì?

Đặt bút ký “Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người”, nhưng Việt Nam thông báo khước từ không thực hiện các nội dung liên quan thuật ngữ “tra tấn”, từ chối dẫn độ đối với người có nguy cơ bị tra tấn, không bồi thường tổn thất cho nạn nhân bị tra tấn...

“Bảo lưu quy định tại Điều 20 và khoản 1 Điều 30 của Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Không coi quy định tại khoản 2 Điều 8 của Công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp để dẫn độ. Việc dẫn độ sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam trên cơ sở các hiệp định về dẫn độ mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập hoặc nguyên tắc có đi có lại”. (Điều 2, Nghị quyết số: 83/2014/QH13, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký ngày 28 tháng 11 năm 2014)

Điều 30 của Công ước nói gì?

Điều 30.1: “Mọi tranh chấp giữa hai hay nhiều quốc gia thành viên liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước này mà không thể giải quyết bằng thương lượng sẽ được đưa ra trọng tài theo yêu cầu của một trong số các quốc gia thành viên đó. Nếu trong vòng 6 tháng kể từ ngày yêu cầu đưa ra trọng tài mà các bên vẫn không thể thoả thuận được về tổ chức trọng tài, thì bất kỳ bên nào cũng có thể đề nghị đưa tranh chấp ra Toà án Công lý quốc tế, phù hợp với quy chế của Toà”.

Như vậy, hoàn toàn dễ hiểu khi Việt Nam khước từ điều khoản này, vì chỉ cần bị mời về đồn công an, chưa cần đến các thủ tục hành chính của việc tạm giữ hình sự, là những công dân đã bị đánh bầm dập, không ít trường hợp đã tử vong. Hoàng Bình, Đỗ Minh Hạnh, Trần Bang hồi giáng sinh 2015 tại đồn công an phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, Sài Gòn là một đơn cử.

Phải có luật Phòng, chống tra tấn như nhiều luật khác

Khi ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều điều luật trong TPP có ảnh hưởng thay đổi chế độ pháp lý của các quốc gia. Ví dụ như điều luật khuyến khích các thành viên của TPP mở một cơ quan chính phủ, có cơ chế và cách thức hoạt động giống tại Mỹ, thực hiện phân tích ưu-nhược điểm trước khi ban hành các điều luật mới trong nước. Như vậy, không lý gì khi Việt Nam tiếp tục khước từ chuyện “tra tấn” trong Công ước về vấn đề này.

GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội cho rằng khi tội danh tra tấn được quy định thì tội dùng nhục hình không còn cần thiết, vì các hành vi thỏa mãn dấu hiệu của tội dùng nhục hình đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tra tấn. Và để có thể chống hành vi tra tấn có hiệu quả, đòi hỏi không chỉ hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự, mà phải hoàn thiện đồng bộ cả pháp luật tố tụng hình sự, cũng như pháp luật về phòng ngừa hành vi tra tấn nói chung. Đồng thời, cần phải rà soát và hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự phục vụ hoạt động chống tội tra tấn, cũng như phải xây dựng bổ sung các văn bản pháp luật phục vụ việc phòng ngừa tội phạm này.


Với tính chất có tính tổng thể như vậy, vấn đề nội luật hoá Công ước nên được thực hiện trước hết qua Luật Phòng, chống tra tấn, tương tự như các luật phòng, chống khác đã được ban hành như: Luật phòng, chống mua bán người (2011); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007); Luật Phòng, chống tham nhũng (2005)...

No comments:

Post a Comment