Trần Thảo (Danlambao) - ...Ôi hai chữ Nhân Dân của nước tôi sao mà thảm hại như thế! Từ cái thời tám hoánh nào, lúc đảng còn ngủ bụi ngủ bờ, sống nhờ vào cơm gạo của dân, đảng đã đánh lận con đen, mập mờ chữ nghĩa. Đảng hứa hẹn tùm lum. Dân là số một, không có dân là đảng không sống nổi, blah blah v.v... Cái bánh vẽ to tổ bố, đã dụ dẫn biết bao người. Cái bánh ấy to quá, ăn bao đời rồi vẫn không hết, vẫn còn bao nhiêu người tiếp tục gật đầu khen ngon...
*
Gần bảy mươi năm trước, sau khi đất nước bị cắt đôi ở Sông Bến Hải, miền bắc Việt Nam tiến hành xây dựng cuộc sống mới XHCN. Tôi nhớ lỏm bỏm một ông thi sĩ, hình như Chế Lan Viên thì phải, đã viết một bài thơ rất có giá trị bưng bô. Cái gì mà Khi Hưng Đạo Vương đánh cho quân Nguyên Mông té đái vãi phân trên sóng nước Bạch Đằng, khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc, Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn... Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng? Đại khái như thế.
Ý nhà thơ là muốn so sánh những thời điểm vinh quang của lịch sử đã qua với thời điểm mà miền bắc VN đang xây dựng XHCN, và ông nghĩ là những thời điểm vinh quang đó không thể nào so sánh với thời điểm xây dựng XHCN ở miền bắc dưới sự lãnh đạo tài tình và đầy trí tuệ của đảng CSVN.
Tôi thật tiếc, giờ phút này thì nhà thơ bưng bô dzĩ đại đã chuyển sang từ trần mất rồi, chứ nếu ông Chế mà còn sống, chà chà, với những thành quả sáng ngời của tổ quốc hôm nay, ông viết dâng lên đảng vài bài thơ thật chiến nữa, thì không chừng ông có tiền xây nhà mấy tấm chứ chả chơi. Ủa mà quên. Sau khi ông Chế qua đời, người ta móc ra từ hộc tủ của ông mấy bài thơ di cảo, ông ghi lại những cảm nghĩ chân thật của con người mình, không qua ánh sáng của chủ nghĩa Mác Lenin, không qua tư tưởng HCM gì ráo trọi. Tôi cũng đã có tuổi, đầu óc lãng đãng không nhớ nguyên vẹn bài thơ, chỉ nhớ cái ý của ông. Ông Chế nói rằng ngồi trong bàn tiệc với những cái bánh vẽ, ai cũng gật gù khen ngon, thì ông không thể làm khác hơn được. Với cái di cảo phản động cỡ đó, dù ông Chế còn sống và tiếp tục muốn cống hiến tài hoa của mình cho sự nghiệp bưng bô, thì e rằng cũng hơi khó, không còn thuận mắt nữa rồi. Thật là tội nghiệp cho ông Chế Lan Viên và còn bao nhiêu người nữa nhỉ, những tài hoa văn học nghệ thuật, chỉ vì sống trong cái lồng, day trở thật khó khăn, đành nín thở qua sông, bán bậy mấy bản nhạc, mấy bài thơ cho đảng ̣để lấy nhu yếu phẩm sống qua ngày.
Ông Chế Lan Viên và những văn nhân đau khổ đó chết quá sớm, không có dịp tận mắt nhìn thấy một đất nước độc lập tự do hạnh phúc duy nhất ở trời đông Á. Một đất nước mà người dân được tôn vinh lên tận đỉnh luôn. Này nhé, chính quyền củanhân dân, quân đội nhân dân, công an nhân dân, báo chí nhân dân, quốc hội nhân dân v.v... Cái gì cũng được gắn cái mác nhân dân to tổ bố. Nhưng thật là kỳ. Làm ông bà chủ thì phải sướng mới phải chứ? Sao gần một thế kỷ trong chức vị ngon ơ đó mà người dân tôi càng ngày càng thảm như thế, thân thể gầy gò, gương mặt xanh xao, trong khi mấy ông đầy tớ ra tắm biển, ông nào ông nấy tròn vo, cái mặt nào cũng bành bành thấy là muốn nựng quá.
Cách đây không lâu, khi ông Trương Tấn Sang, lúc đó là Chủ tịch Nước, tới dự kỷ niệm ngày thành lập lực lượng công an nhân dân, ông Sang phát biểu: "Hạnh phúc của nhân dân là lẽ sống của người chiến sĩ CAND." Thế nhưng người ta tìm đỏ con mắt cũng chả thấy biểu hiện xã hội nào giống như lời ông Sang nói. Chỉ thấy mấy ông CSGT, mập ú, hai tay lẹ như ảo thuật, nhét tiền mãi lộ vào túi quần, có khi còn giơ dùi cui phang thẳng vào mặt của những ông chủ nhân dân đang lái xe chầm chậm để dừng lại. Còn CSCĐ thì toàn thấy cầm khiên, dùi cui, roi điện, cứ nhắm đầu nhắm cổ của ông chủ nhân dân, gầy gò ốm yếu, đang cố cất lên tiếng nói, kêu đòi công lý, kêu đòi tên đầy tớ trung ương giải quyết đất ruộng, đất vườn của mình đang bị những tên đầy tớ khác ở địa phương cưỡng chiếm trắng trợn. Ông chủ nào xui, bị đầy tớ cảnh sát lôi về trại tạm giam thì có khi đi ra bằng cáng khiêng, có khi đi thẳng ra nghĩa địa luôn.
Đó là Công an nhân dân. Còn Quân đội nhân dân thì sao? Thời chiến tranh VN, cả quân đội chỉ có chưa đầy một trăm ông tướng, bây giờ đất nước hòa bình, hàng tướng lãnh lên trên năm trăm vị. Tướng lãnh làm gì mà nhiều thế? Bắt ông chủ gầy gò ốm yếu kia nộp thuế ná thở để nuôi mấy ông lính. Mấy ông lính thì lo làm kinh tế, làm giàu nộp lên trên cho đàn anh, đàn anh lại quả cho chức tướng. Khi ngư dân bị Tàu cộng ăn hiếp te tua, chả thấy Quân đội nhân dân đâu cả. Quốc hội nhân dân thì cứ vô họp là ngáy, thế mà bà chủ tịch xinh đẹp mỹ miều kia còn đòi cho quốc hội họp đêm nữa mới thú vị chứ. Đúng là ngủ ngày không đủ tranh thủ ngủ đêm. Còn báo chí nhân dân? Khi dân Kỳ Anh Hà Tĩnh xuống đường đòi tống cổ Formosa ra khỏi đất nước, hàng chục ngàn người đã tạo nên một khí thế hừng hực, nhưng chả có một tên nhà báo nào dám đăng một tin tức khích lệ nào. Tất cả là một sự im lặng. Nhưng báo chí lại nghe theo tên đầy tớ trung ương, sáng tác đủ loại xuyên tạc, cố làm cho phong trào quần chúng xẹp xuống.
Ôi hai chữ Nhân Dân của nước tôi sao mà thảm hại như thế! Từ cái thời tám hoánh nào, lúc đảng còn ngủ bụi ngủ bờ, sống nhờ vào cơm gạo của dân, đảng đã đánh lận con đen, mập mờ chữ nghĩa. Đảng hứa hẹn tùm lum. Dân là số một, không có dân là đảng không sống nổi, blah blah v.v... Cái bánh vẽ to tổ bố, đã dụ dẫn biết bao người. Cái bánh ấy to quá, ăn bao đời rồi vẫn không hết, vẫn còn bao nhiêu người tiếp tục gật đầu khen ngon.
Ôi đất nước tôi, một đất nước sống bằng giả trá. Kẻ nói thì hăm hở nói như đang phát biểu một chân lý vĩ đại, nhưng trong bụng nó biết cái tên ngồi nghe kia cũng đâu có tin. Đứa ngồi nghe thì hăm hở gật gù như đang đón nhận một ân sủng, nhưng trong bụng thì nghĩ cái tên đang nói kia, chính nó còn không tin điều nó nói, thì mình tin sao được. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã viết cái sự thật đáng tởm của xã hội VN bây giờ nó là như thế.
Biết nói gì đây?
08.12.2016
No comments:
Post a Comment