Bùi Tín
Theo VOA-08.12.2016
Fidel Castro đã chết, kết thúc một cuộc đời sóng gió sôi nổi, để lại một quá khứ có nhiều tranh cãi dai dẳng. Phải chăng ông là một lãnh tụ vĩ đại, một nhà cách mạng kiệt xuất đã có công khai sáng một chế độ tươi đẹp cho nhân dân Cuba, biến đất nước này từ một thuộc địa nghèo nàn thành một quốc gia độc lập mẫu mực cho cả châu Mỹ La tinh, châu Phi và toàn thế giới?
Cuba treo cờ rủ để tang Fidel Castro hàng tuần lễ. Một số nhà nước Cộng sản cũng làm quốc tang cho ông, coi ông là một lãnh tụ cộng sản kiên cường, trung thành đến cùng với ý thức hệ Mác - Lênin, với chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, cũng có hàng ngàn thuyền nhân Cuba ở thành phố cảng Miami của Mỹ đốt pháo ăn mừng cái chết của người mà họ xem như một kẻ độc tài tàn ác bậc nhất thế giới, từng ra lệnh xử tử 15.000 sĩ quan và binh sĩ chế độ cũ bị nghi là "phản động", "có âm mưu phản loạn", bắt giam 20.000 tù chính trị, trong đó có nhiều chiến sĩ dân chủ và nhà báo đòi tự do, nhiều công dân đòi nhân quyền. Họ cũng xem ông là kẻ đã kìm hãm xã hội Cuba hơn nửa thế kỷ trong một chế độ cộng sản độc đảng, độc quyền, toàn trị, phản dân chủ và phi pháp. Theo họ, ông là kẻ tội phạm lớn nhất trong lịch sử Cuba, làm cho Cuba bị cô lập và trừng phạt một cách bi thảm, bị lạc hậu kéo dài trong thân phận nô lệ còn tệ hại hơn dưới thời Batista.
Đó là hai mặt khác hẳn nhau, đối lập nhau, xung đột nhau dai dẳng, làm cho nhiều người không biết đâu là sự thật. Tuổi trẻ ở Việt Nam băn khoăn khi Nhà nước bắt dân để quốc tang một ngày và đình hoãn mọi cuộc vui chơi giải trí để tưởng nhớ "lãnh tụ vĩ đại Fidel", "người bạn lớn thân thiết" cách xa Việt Nam nửa vòng quả đất.
Tôi vốn là kẻ sùng bái Fidel Castro từ khi còn ở trong nước do bị tuyên truyền bởi bộ máy tuyên huấn đồ sộ chuyên ép buộc cá nhân phải nhận thức và tư duy rập theo tư duy và nhận thức của đảng, không ai được có quan điểm tư duy độc lập. Mà có tư duy và nhận thức đối lập thì chỉ có vào tù.
Cho nên từ khi ra được nước ngoài, vốn thường xuyên tò mò, tôi khám phá ra không biết bao nhiêu là sự thật từ kho tư liệu của Thư viện Quốc gia Liên Xô, kho tư liệu của Đảng Cộng sản Liên Xô, rồi tài liệu phong phú của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, các kho tư liệu ở Pháp, ở Anh, ở Đức, ở Canada..., ở sách báo đọc hàng ngày không xuể, rồi cơ man nào là phim ảnh thời sự rất đa dạng, phong phú, chân thực.
Về Fidel Castro, tôi biết thêm được những gì? Khá nhiều điều. Tôi từng gặp Fidel Castro khi ông sang thăm Việt Nam năm 1973, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa vào thăm một đoạn đường mòn Hồ Chí Minh. Tháng 4/1977 tôi lại có dịp gặp lại ông ở Berlin khi tôi là trợ lý báo chí cho Tướng Giáp trong Đoàn quân sự cấp cao đi cám ơn các nước XHCN sau khi thống nhất đất nước. Một sự trùng hợp: Fidel Castro cũng vừa đi một vòng các nước châu Phi để thanh tra số quân tình nguyện Cuba ở Angola, Congo, Namibia, Ethiopia, Mozambique... Đây là một cuộc đi thị sát bí mật tuyệt đối. Một điều rất thú vị là trong cuộc trò chuyện giữa 3 đại tướng cộng sản thuộc 3 châu (Đại tướng Heinz Hoffmann của Cộng hòa Dân chủ Đức, thuộc châu Âu; Đại tướng Fidel Castro thuộc châu Mỹ; và Đại tướng Giáp thuộc châu Á), Fidel Castro kể rằng ông đã bí mật gửi hơn 32.000 quân Cuba sang các nước châu Phi nói trên nhằm làm nòng cốt cho các đạo quân nổi dậy của các nước đó, cũng như ở một số nước Mỹ La tinh trước đây. Cách thâm nhập là dùng một loạt tàu chở dầu của Liên Xô sau khi cập bến Cuba trở về thì chở quân Cuba ghé qua các cảng châu Phi để tiếp tế nước ngọt đồng thời cho lính Cuba đổ bộ vào lúc ban đêm, với các loại vũ khí nhẹ như tiểu liên AK, đại liên, súng cối, bom mìn... Fidel Castro tự coi là "người hùng" đóng vai trung tâm trong sự nghiệp giải phóng toàn bộ châu Mỹ La tinh và châu Phi. Tôi ngẫm nghĩ mãi về con "người hùng" ấy sau khi gặp, ngắm nhìn ông cùng vẻ mặt và cung cách xử sự của ông và nhận ra một con người tự mãn, kiêu căng, đầy tham vọng chinh phục nước khác, tự hào là có nhiều sáng kiến và luôn chiến thắng.
Sống ở Pháp, tôi quen thân với cựu Đại tá Dariel Alarcon Ramirez, một sĩ quan Cuba đã từ bỏ hàng ngũ của Fidel Castro trốn sang Tây Ban Nha rồi sang Pháp năm 1994. Hai năm sau, dùng bút danh "Benigno", Ramirez cho xuất bản một tập hồi ký gần 300 trang có nhan đề Vie et Mort de la Révolution Cubaine (Sống và Chết của Cách Mạng Cuba), tố cáo Fidel Castro "phản bội" cách mạng Cuba cũng như cách mạng xã hội chủ nghĩa tại châu Phi và các nước châu Mỹ La tinh khác.
Dariel Alarcon Ramirez tham gia đội quân của Fidel Castro từ năm 1957, khi mới 17 tuổi, trong số 80 chiến sĩ tiến công trại Moncada, rồi sau này năm 1959 tiến vào giải phóng thủ đô Havana. Từ mù chữ, anh tự học, được phong cấp đại tá khi mới 25 tuổi, tham gia đội cận vệ bảo vệ Fidel Castro, về sau làm ở cơ quan tình báo theo dõi tình hình các nước Mỹ La tinh như Bolivia, Peru, Colombia… và một số nước châu Phi như Angola, Namibia, Nam Phi… Anh cũng từng là giám đốc hệ thống các nhà tù để giam tù chính trị, các sĩ quan chế độ cũ và những công dân đòi tự do dân chủ, tự do ngôn luận, báo chí và tự do tôn giáo… Anh không đồng tình với Fidel Castro về một loạt chính sách mà anh cho là quá khích, bất nhân, như bắt giam, bắt lao động khổ sai các sĩ quan chế độ cũ, xử tử quá nhiều người bị nghi là chống đối, có âm mưu lật đổ (anh ước tính số bị tử hình không xét xử hồi đó là 15.000 người). Anh chống lại việc bỏ tù các nhà báo, nhà văn đòi tự do ngôn luận, tự do sáng tác. Anh cho biết hiện có đến 20.000 tù nhân chính trị, một nửa là số thuyền nhân bị bắt khi tìm đường trốn sang Hoa Kỳ và Mexico.
Trong hồi ký của mình, Alarcon Ramirez cho biết ông đồng ý phải giúp phong trào cách mạng tại các nước châu Mỹ La tinh và châu Phi, nhưng không thể làm theo kiểu riêng của Fidel Castro là can thiệp quá sâu vào nội bộ các đảng anh em, cài người Cuba vào các cơ quan lãnh đạo và cơ quan tình báo các đảng bạn, gây bè phái chia rẽ, làm cho phong trào thất bại. Anh khẳng định rằng Fidel Castro đã kèn cựa với Che Guevara, cố tình đẩy Che về Bolivia và làm cho Che bị giết tại đó. Ở Angola, Fidel Castro đã can thiệp quá sâu vào nội bộ đảng và Nhà nước, cài cắm người Cuba vào bộ máy cầm quyền và bộ máy an ninh. Theo "Benigno", chính vì vậy Fidel Castro bị một tướng lãnh nổi tiếng của Cuba là Arnaldo Ochoa, tư lệnh quân tình nguyện Cuba ở châu Phi, phản đối. Cũng theo "Benigno", Tướng Arnaldo Ochoa sống chan hòa, giản dị, khác hẳn lối sống cá nhân, xa hoa hưởng lạc của Fidel Castro. Ochoa cho là cách giúp đỡ đúng đắn nhất cho các phong trào cách mạng ở châu Phi và các nước châu Mỹ La tinh khác là yểm trợ và hướng dẫn họ, chứ không phải là làm thay, giẫm chân lên họ. Hồi ký của "Benigno" thuật lại rằng, vì bị chạm tự ái, Fidel Castro liền gọi Ochoa về và dựng lên vụ án vu cáo ông buôn lậu ma túy, kim cương, dầu hỏa. Kết quả là Tướng Ochoa, một ủy viên Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Cuba, mà theo nhiều người, có uy tín hơn cả Fidel và Raúl Castro, bị tuyên án tử hình và bị hành quyết năm 1989.
"Benigno" khẳng định rằng chính tính tự kiêu tự đại của Fidel Castro đã làm cho các cuộc cách mạng ở Bolivia, Peru, Nicaragua cũng như ở Angola và Ethiopia bị thất bại. Riêng cách mạng Nam Phi toàn thắng là nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt, kiên cường của Nelson Mandela, một người sống giản dị khổ hạnh, gương mẫu hy sinh, không buông thả, hưởng lạc cá nhân như Fidel Castro.
Gần đây, sau cái chết của Fidel Castro, Bộ Chính trị Đảng CSVN quyết định cả nước phải làm quốc tang, việc nhận ra hai bộ mặt của Fidel - bộ mặt tích cực và bộ mặt tiêu cực, bộ mặt giả tạo và bộ mặt thực sự - là rất cần thiết, nhất là đối với tuổi trẻ Việt Nam đang bối rối giữa những nhận định khác nhau, đối lập nhau. Cuốn sách và những chính kiến bộc trực của Alarcon Ramirez, một cựu đại tá từng sống và làm việc trực tiếp với Fidel trong hơn 20 năm, một nhà báo, nhà văn lưu vong sống trên đất Pháp 20 năm nay [1], có thể cho ta một số cách nhìn chuẩn xác đáng tin cậy.
[1] Alarcon Ramirez đã qua đời tại ngoại ô Paris hồi tháng 3 năm 2016.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment