Vào ngày Thứ Sáu 18/11/2016, vào lúc 7:30 AM, 1:30 PM, 9:00 PM (giờ Cali), Đài Truyền Hình SBTN sẽ trình chiếu bộ phim tài liệu có tựa đề “Nỗi Đau Mất Đất”. Đây có thể xem là bộ phim tài liệu đầu tiên đầy đủ nhất, trung thực nhất về số phận của những người dân oan tại Việt Nam ngày hôm nay.
Phim Nỗi Đau Mất Đất là tập đầu tiên trong bộ phim tài liệu 5 tập, có chủ đề “Vượt Qua Nỗi Sợ Hãi”. Tác giả của bộ phim này là Helena Lee, nữ nghệ sĩ Kim Chi, và rất nhiều cộng tác viên trong và ngoài nước khác. Nỗi Đau Mất Đất chính là nỗi đau của những người dân oan Việt Nam. Họ hầu hết là những người nông dân, đã bị chính quyền cướp đi những mảnh ruộng vườn, là di sản của tổ tiên để lại, và cũng là phương tiện sống duy nhất của họ.
Nỗi Đau Mất Đất là bộ phim trung thực. Bởi vì chính những người dân oan là nhân vật chính của phim. Họ là Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng Hải Phòng. Ông đã từng là chiến sĩ cầm súng chống giặc ngoại xâm Trung Cộng trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979. Vào năm 2012, ông đã phải dùng vũ khí tự tạo để chống lại đội quân của chính quyền xông vào đập phá nhà, cưỡng chế đất của ông. Vụ cưỡng chế bất thành, sau đó những kẻ ra lệnh cưỡng chế đã phải ra tòa. Họ là những nông dân của vùng đất Dương Nội, ngoại ô Hà Nội. Trong số họ, một gương mặt nay đã trở thành biểu tượng đấu tranh của dân oan: chị Cấn Thị Thêu, người vừa vinh dự nhận Giải Nhân Quyền Việt Nam 2016 do Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trao tặng. Không được như ông Đoàn Văn Vươn, chị Cấn Thị Thêu nay vẫn bị giam cầm sau khi bị bắt lần thứ hai, và sắp phải ra tòa xử phúc thẩm vào ngày 30 tháng 11 này.
Nỗi Đau Mất Đất là bộ phim đầy đủ. Bởi vì lần đầu tiên, nguyên nhân sâu xa, cách giải quyết bất công và quay lưng lại với người dân của chính quyền, hậu quả thảm thương mà người nông dân phải gánh chịu từ những vụ cưỡng chế đất mới được nhìn nhận, phân tích theo góc nhìn của người dân một cách cặn kẽ. Từ trước đến nay, đại đa số các phương tiện truyền thông “lề đảng” trong nước Việt Nam chỉ đưa tin về các vụ này như những người nông dân bị bắt, bị đưa ra toà vì tội “cản trở người thi hành công vụ”, hay “gây rối trật tự công cộng”.
Đâu là nguyên nhân? Lợi nhuận khổng lồ từ các vụ cưỡng chế đất! Dưới cái tên đẹp đẽ “đô thị hóa nông thôn”, từng thửa ruộng mảnh vườn của người nông dân đã được nhà nước “thu hồi, đền bù” theo đúng chính sách “quyền sử dụng đất” của chính quyền CSVN để làm đất dự án, đất thổ cư. Nếu lấy giá trị bán ra của những khu đất cưỡng chế này, đem trừ đi tiền đền bù rẻ mạt trả cho người nông dân, tiền san lấp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng… ai cũng thấy được đó là những món tiền lãi khổng lồ, hàng tỉ tỉ!
Đâu là cách chính quyền CSVN giải quyết vấn đề? Tiền đền bù mà họ chi trả cho người nông dân là rẻ mạt, vì theo mức giá đất ruộng, trồng trọt. Số tiền này không đủ để người dân làm lại cuộc sống mới. Nhà nước cũng không hề có kế hoạch hiệu quả để tạo ra công ăn việc làm mới cho những người nông dân mất đất. Khi người nông dân nhận ra sự bất công, không chịu giao đất, chính quyền đã huy động cả một lực lượng khổng lồ từ cán bộ, công an, dân phòng và cả đến côn đồ đến để “giải tỏa, cưỡng chế”.
Hậu quả mà người nông dân Dương Nội phải gánh chịu ra sao? Họ ở trong những khu vực nghèo khó, bẩn thỉu, không có điều kiện làm ăn sinh sống. Họ trở thành những kẻ vô nghề nghiệp, bởi vì khi người nông dân bị cướp đất mà vẫn chưa biết làm gì để sinh nhai. Đứng trước nỗi oan khiên như vậy, người dân Dương Nội tìm cách khiếu kiện lên đủ mọi tầng lớp chính quyền, nhưng vô vọng. Họ trở thành những kẻ phạm pháp, phải ra tòa nhiều lần, như trường hợp của chị Cấn Thị Thêu…
Trong đoạn cuối của phim, tác giả đã nhắn nhủ với người xem rằng, đã đến lúc người dân Việt Nam phải thoát ra khỏi sự vô cảm, để chia sẻ nỗi đau với người dân Dương Nội, và hàng ngàn người dân oan khắp ba miền. Nỗi đau của họ hôm nay có thể là nỗi đau của chính bạn ngày mai. Mong những người trong chính quyền còn chút lương tâm hãy đứng về phía người dân. Mong tất cả người dân Việt hãy vượt qua nỗi sợ hãi, để đòi lại công lý, quyền làm người cho chính mình.
Nỗi Đau Mất Đất, một bộ phim về dân oan không thể bỏ qua!
Đoàn Hưng / SBTN
No comments:
Post a Comment