Cuộc đình công của hàng trăm ngàn công nhân PouYuen ở Sài Gòn năm 2015. Ảnh: Site Ảnh Mới Cập Nhật
Ngay sau khi chính phủ Mỹ tuyên bố tạm thời chấm dứt nỗ lực vận động cho hiệp định TPP, số phận của mô hình Công đoàn độc lập còn đang trong trứng nước ở Việt Nam cũng đắng nghẹn.
Nếu không có TPP, cam kết của giới lãnh đạo VN về thực hiện Công đoàn độc lập cũng chỉ là gió thoảng mây bay – hầu như ai cũng biết điều đó. Chính quyền và giới công an trị đương nhiên không muốn tự lấy đá ghé vào chân mình, bằng cách chấp nhận một định chế công đoàn tự do, mà họ luôn gắn nó với lịch sử “lật đổ” của Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan vào những năm 80 của thế kỷ trước.
Tuy nhiên, hoàn cảnh khách quan của xã hội hiện thời đang khác xa với não trạng bảo thủ của giới quan lại VN cách đây 4 năm. Bốn năm trước, chưa có hy vọng gì về TPP, nhưng đã xuất hiện nhiều cuộc đình công của công nhân ở nhiều doanh nghiệp từ Nam chí Bắc. Tăng lương, cải thiện giờ làm việc, bảo hiểm xã hội, phản ứng đốc công đánh đập, kể cả đòi quyền được đi vệ sinh trong giờ làm việc… là những nhu cầu tối thiểu mà lớp công nhân đầu tắt mặt tối ở Việt Nam muốn, hoàn toàn không liên quan gì đến “ý đồ kích động lật đổ” như một bộ phận trong giới công an trị và giới dư luận viên tuyên giáo thường vu vạ.
Năm 2015 là năm của sự kiện hàng trăm ngàn công nhân PouYuen ở Sài Gòn đổ xuống đường biểu tình. Họ phản đối điều luật 60 của Luật Bảo hiểm xã hội không cho người lao động được nhận trợ cấp bảo hiểm một lần. Rõ ràng đây là nhu cầu xã hội cực lớn mà chính quyền không thể bỏ qua, cũng không còn có thể xem thường các cuộc đình công của công nhân nữa.
Về mặt pháp lý, bất kỳ cuộc đình công nào cũng phải có sự chấp thuận của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (VGCL). Nhưng thực tế đã minh chứng một sự thật quá lộn ngược, là VGCL chưa bao giờ lãnh đạo, tổ chức hoặc hỗ trợ bất kỳ vụ đình công nào. Tất cả các cuộc đình công ở Việt Nam đều mang tính tự phát, và đều bị xem là bất hợp pháp.
Nhiều nguồn tin còn khẳng định rằng nhiều lãnh đạo công đoàn nhà nước đã được trả lương cao để phục vụ cho giới chủ đầu tư, và bảo vệ lợi ích của đảng cầm quyền, thay vì bảo vệ người lao động. Ngay cả một số nhà nghiên cứu thuộc chính quyền cũng không che giấu rằng, không phải là điều bất thường khi các nhà quản lý trở thành lãnh đạo công đoàn, và sử dụng công cụ này để thao túng các cuộc bầu cử công đoàn.
Chỉ đến gần đây, một phần do yêu cầu của TPP, một phần do bị công nhân và dư luận xã hội phản ứng quá nhiều, chính quyền mới tìm cách “đổi mới vai trò của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam”, thậm chí còn muốn tổ chức này “đạo diễn” đình công cho công nhân.
Kinh tế suy thoái trầm kha cùng quá nhiều hậu quả sẽ khiến đình công tiếp tục trở thành một xu hướng không thể cưỡng lại. Đây cũng chính là lý do mà cho dù không có TPP, chính quyền VN sẽ không thể bỏ qua nhu cầu xã hội về đình công của công nhân. Họ sẽ phải từng bước “thí điểm hình thành công đoàn cơ sở” như cách gọi của họ, mà về thực chất là dần tiến tới mô hình công đoàn tự do ngoài nhà nước, buộc phải để cho công nhân từng phần tự làm chủ quyền biểu đạt của mình.
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment