Ảnh: Tuổi Trẻ
Trong bối cảnh ngân sách cạn kiệt, một nguy cơ đang lớn dần và có thể biến thành thảm họa là Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính có thể “nhìm trộm” vào Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) và Quỹ bảo hiểm y tế, như đã lăm le 500 tấn vàng cất giấu trong dân.
Không giống như con số 500 tấn vàng quá khó để cắp về, hai thứ quỹ Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế lại luôn chực chờ dưới bàn tay sẵn sàng tung hứng trò ảo thuật của nhà nước.
Dù tỉ lệ đóng BHXH tại Việt Nam thuộc diện cao nhất thế giới: 32.5% mức tiền lương tháng, nhưng tuyệt đại đa số người đóng BHXH đến nay không được biết gì về việc quản lý và vận hành của nguồn quỹ BHXH. Việc sử dụng quỹ BHXH để đầu tư cụ thể ra sao không ai biết được, lãi hay lỗ, hiệu quả hay không chỉ duy mình cơ quan BHXH biết. Những tờ báo viết về công nhân như Người Lao Động phải kêu lên rằng điều này thật vô lý, đây là tiền của người dân đóng, họ có quyền được biết nó đang được sử dụng như thế nào, có an toàn hay không bởi nếu xảy ra rủi ro thì chính người dân nhận hậu quả chứ không phải những người đang quản lý nó.
Nỗi lo của người đóng BHXH đã trở thành sự thật, khi cơ quan BHXH dùng tiền này đầu tư vào Công ty Cho thuê tài chính II, và đã mất trắng hơn 1,000 tỉ đồng! Càng bức xúc hơn là đến nay, câu hỏi ai chịu trách nhiệm đối với vụ việc trên vẫn rơi vào im lặng.
Với những gì đang diễn ra, nỗi lo của người đóng BHXH không chỉ là chuyện vỡ quỹ như cơ quan BHXH luôn dọa dẫm mà chính là việc quản lý, vận hành nguồn quỹ này như thế nào, minh bạch ra sao và quyền lợi của họ được bảo đảm đến đâu?
Tình trạng hoạt động và bưng bít thông tin của Quỹ Bảo hiểm xã hội ở Việt Nam lại khá tương đồng với Trung cộng. Ở Trung cộng, Quỹ Bảo hiểm xã hội nước này đã dùng tiền BHXH của người lao động để “chơi” chứng khoán. Trong đợt lao dốc thê thảm của thị trường chứng khoán Trung cộng vào năm 2015, mà đã khiến không biết bao nhiêu người dân phải tự tử, Quỹ Bảo hiểm xã hội đã bị thiệt hại rất lớn.
Còn ở Việt Nam, vào năm 2015 Quỹ Bảo hiểm xã hội đã chi tổng cộng 435,129 tỷ đồng để đầu tư. Trong đó, cho ngân sách nhà nước vay 324,000 tỷ đồng, mua trái phiếu chính phủ 45,500 tỷ đồng, tổng cộng phần dính dáng đến ngân sách nhà nước lên đến 370,000 tỷ đồng. Nhưng ai sẽ bảo đảm là con số này sẽ trở về tay những người đóng bảo hiểm xã hội nếu ngân sách nhà nước bị phá sản?
Bởi nếu hậu quả xấu xảy ra, sẽ rất nhiều người đóng bảo hiểm xã hội không nhận được đồng nào sau khi về hưu. Thậm chí cả nhiều cán bộ cách mạng lão thành một đời theo đảng cũng sẽ vô vọng khi bước chân vào văn phòng phát lương hưu trí…
Nếu có một cuộc thanh tra hoặc điều tra Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chắc chắn rất nhiều lẩn khuất trong bóng tối và tệ tham nhũng sẽ bị lôi ra. Chắc chắn nhiều quan chức từ thấp lên cao của quỹ này sẽ phải ra tòa và đi tù.
Đòi hỏi minh bạch Quỹ Bảo hiểm xã hội là tất yếu.
Lê Dung/ SBTN
No comments:
Post a Comment