BẮC KINH (NV) – Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 13 Tháng Chín, 2016, kêu gọi phía Việt Nam giải quyết các vấn đề trên Biển Đông xuyên qua đàm phán song phương.
Tân Hoa Xã loan tin như vậy về cuộc họp giữa Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình họp với Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Trong cuộc họp này, ông Tập nói rằng “Lợi ích chung của hai nước quan trọng hơn các khác biệt.”
Bản tin về cuộc họp giữa phái đoàn ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc với phái đoàn của ông Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) không nói như thế mà chỉ viết rằng: “Tổng bí thư, Chủ Tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh đảng, chính phủ và nhân dân Trung Quốc luôn coi trọng việc phát triển quan hệ với Việt Nam,… kiểm soát tốt bất đồng, xử lý thỏa đáng tranh chấp, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt phát triển ổn định, bền vững và không ngừng đi vào chiều sâu.”
TTXVN thuật lại rằng ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc “đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng trên biển, tuân thủ những thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, thúc đẩy các cơ chế đàm phán sớm có tiến triển thực chất, thực hiện tốt tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cố gắng sớm ký Bộ Quy Tắc của các bên ở Biển Đông (COC), tích cực đóng góp cho việc ổn định tình hình, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.”
Cuộc họp có vẻ như “ông nói gà, bà nói vịt” về tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông. Tất cả những lời kêu gọi gác bỏ dị biệt đều được lập đi lập lại mỗi khi các chức sắc cấp cao hai bên gặp nhau nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Bắc Kinh ngang nhiên bồi đắp các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, mở rộng và xây dựng thêm các cơ sở, phòng thủ các đảo ở Hoàng Sa trong khi Hà Nội chỉ lên tiếng phản đối suông nên không hề có tác dụng.
Lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình với ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn chỉ là lập lại lập trường của Bắc Kinh chỉ muốn đàm phán tay đôi với Việt Nam cho dễ ức hiếp như từng tuyên bố nhiều lần. Bắc Kinh không chấp nhận quốc tế hóa cuộc tranh chấp, nhất là có sự tham dự của Hoa Kỳ và một số cường quốc trong khu vực Thái Bình Dương.
Trung Quốc luôn luôn bác bỏ đề nghị của phía Việt Nam đàm phán về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bắc Kinh luôn luôn tuyên bố các quần đảo này của họ từ ngàn xưa, đó là lý do các đàm phán về bên ngoài vịnh Bắc Bộ bế tắc dù đã kéo dài từ khi hai nước ký các hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ cuối năm 2000 đến nay.
Trong hai vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển giữa Việt Nam với Trung Quốc, vấn đề tranh chấp quần đảo Trường Sa và các vùng biển lân cận có sự tranh chấp của nhiều nước khu vực. Riêng quần đảo Hoàng Sa thì chỉ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc cướp năm 1974 sau một trận hải chiến với Hải Quân VNCH.
Có vẻ những lời ông Tập Cận Bình dỗ dành phía Việt Nam đừng làm ồn chuyện Trung Quốc ngày càng củng cố kế hoạch xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa và củng cố các đảo tại quần đảo Hoàng Sa trong mưu tính khống chế toàn bộ Biển Đông.
Lời khuyến dụ “lợi ích chung quan trọng hơn các khác biệt” như một thứ mồi nhử kinh tế để Hà Nội ngày càng chìm sâu vào sự lệ thuộc Bắc Kinh.
Hai ngày trước gặp Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người ta thấy ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã gặp Thủ Tướng Lý Khắc Cường. Trong cuộc gặp này, Tân Hoa Xã nói rằng hai bên cam kết “quản lý chặt chẽ các bất đồng trên biển, đồng thời làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai nước.”
Lý Khắc Cường được Tân Hoa Xã dẫn lời nói với ông Nguyễn Xuân Phúc là “Việt Nam và Trung Quốc nên phối hợp với nhau thực hiện các sự đồng thuận giữa lãnh tụ hai nước, bảo vệ sự ổn định ở Biển Đông…”
Chỉ ba ngày trước đó, ngày 9 Tháng Chín, 2016, khi dự Hội Nghị ASEAN và các đối tác tại thủ đô Lào, ông Lý Khắc Cường đã lập lại quan điểm bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế hồi Tháng Bảy phủ nhận tuyên bố “đường Lưỡi Bò” của Trung Quốc.
Nói cách khác, Bắc Kinh vẫn coi hơn 80% khu vực Biển Đông gồm trong đó các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc. (TN)
No comments:
Post a Comment