HUẾ (NV) – Hậu quả từ chuyện biển bị chất thải của công ty gang thép Formosa đầu độc, Việt Nam đang tính một số giải pháp trong đó có cả “cấm đánh bắt” hải sản ở “tầng đáy” của vùng biển bốn tỉnh miền Trung.
Ngày 22 Tháng Tám, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường tổ chức họp với các tỉnh thị bị ảnh hưởng vì vụ xả chất thải của Formosa, báo chí trong nước nói rằng dựa theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy nước biển miền Trung đã “đạt chuẩn” cho hoạt động bơi lội, nuôi trồng thủy sản.
Để minh chứng cho sự “đạt chuẩn” này, ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, cùng một số quan chức cấp cao đã xuống biển ở khu vực Đông Hà, Quảng Trị, tắm biển và ăn cá biển ngay trên bãi biển.
Trong cuộc họp này, đại diện của Bộ Y Tế không nói cá và các loại hải sản ở khu vực biển của bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế đã ăn được chưa, mà chỉ đưa ra một ít chi tiết nói hóa chất cực độc cyanua, phenol vẫn còn trong một số mẫu cá được xét nghiệm.
Đến ngày Thứ Bảy, 27 Tháng Tám, tại UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, tới phiên Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn “mời” ngư dân bốn tỉnh miền Trung tham gia hội nghị “Báo cáo tiến độ kê khai, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường và bàn giải pháp chỉ đạo sản xuất thủy sản sau công bố của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường.”
Trong hội nghị này, về việc khai thác thủy sản, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn đưa ra “bốn phương án” để cho các quan chức các tỉnh cũng như các người tham dự thảo luận.
Theo tường thuật của tờ Người Lao Động, “Thứ nhất là cấm ngư dân khai thác hải sản tại vùng biển từ 10 hải lý trở vào bờ kéo dài từ Vũng Áng đến hết hòn Sơn Chà và tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ.”
“Thứ hai là cho phép ngư dân khai thác bình thường nhưng cấm ba vùng biển như Bộ Tài Nguyên và Môi Trường khuyến cáo cách bờ 1.5 km thuộc Sơn Dương (Hà Tĩnh ) với diện tích 300 km2, Nhật Lệ (Quảng Bình) với diện tích 330 km2, hòn Sơn Chà (Thừa Thiên-Huế) với diện tích 160 km2 và tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ.”
“Thứ ba là cho phép ngư dân khai thác bình thường, tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ, cấm nghề khai thác cá tầng đáy từ 20 hải lý trở vào tại bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên-Huế đối với các nghề: lưới, kéo, rê đáy, lăn, lồng bẫy.”
“Thứ tư là cho phép ngư dân tham gia hoạt động khai thác hải sản bình thường trên các vùng biển và tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về.”
Nhiều câu hỏi được đặt ra tại hội nghị này không thấy được trả lời kể cả chuyện “thống nhất ý kiến” về phương án nào được thi hành.
Không thấy nói lý do tại sao lại cấm đánh bắt thủy sản ở “tầng đáy” mà mọi người đều biết các loại kim loại nặng và chất độ cyanua do Formosa đổ ra biển từ nhà máy gang thép ở Vũng Áng sẽ vẫn tồn tại dưới đáy biển.
Giới khoa học quốc tế nói những chất độc này sẽ còn tồn tại suốt nhiều thập kỷ chứ không tự biến mất. Chỉ có thể đối phó hữu hiệu bằng các hành động tẩy rửa như Nhật từng làm với vùng biển của nước họ nhưng vô cùng tốn kém. Trọn số tiền $500 triệu mà Formosa bồi thường cũng không đủ cho nhu cầu này.
Nhà máy Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, đã xây dựng một lò luyện cốc, sẽ còn xây dựng thêm một lò luyện cốc (than cốc) nữa cho nhu cầu luyện gang thép. Khi bắt đầu hoạt động, mỗi ngày Formosa sản xuất khoảng 2,000 tấn cốc, mỗi tấn cốc sẽ phát ra 0.6 tấn nước thải, tương ứng với việc mỗi ngày Formosa xả khoảng 1,000 – 1,200 m3 nước thải ô nhiễm. Nếu số nước thải trên không được xử lý thì một ngày sẽ có 1 tấn phenol xả ra biển.
Để bảo vệ môi trường, theo bản tin VnExpress ngày 24 Tháng Tám, công ty Formosa mới chỉ “hoàn thành 32/58 hạng mục. Những hạng mục chưa hoàn thành chủ yếu là phần việc phải cải thiện lâu dài, gồm hệ thống xả nước thải và xả khí thải; hiện công ty đã sắp xếp thời gian cải thiện, có thể hoàn thành trong ba năm.”
Dự tính khánh thành giai đoạn 1 của nhá máy gang thép Formosa Hà Tĩnh vào Tháng Sáu năm nay đã bị khựng lại vì xả thải độc hại ra biển. Khi nào sẽ chính thức hay đợi ba năm nữa khi hoàn tất các hạng mục bảo vệ môi trường, không ai biết. Nhưng trên thực tế, nhà máy luyện thép này đã bắt đầu sản xuất vào ngày 25 Tháng Mười Hai, 2015 và sau hai tháng thử nghiệm, đã cán nóng được 4,700 tấn thép, theo VnExpress. (TN)
No comments:
Post a Comment