HÀ NỘI (NV) – Đại Tướng Ngô Xuân Lịch, bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam, hôm Chủ Nhật, 28 Tháng Tám, chính thức rời Hà Nội đi thăm Trung Quốc, trong chuyến công du kéo dài ba ngày, báo mạng VietNamNet của Việt Nam đưa tin.
Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Lịch trong cương vị bộ trưởng Quốc Phòng.
Ngoài chức vụ trên, ông Lịch còn là ủy viên Bộ Chính Trị và là phó bí thư quân ủy trung ương.
Theo VietNamNet, chuyến thăm của đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam “nhằm tiếp tục triển khai thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nhà nước, trong đó có việc tăng cường tiếp xúc cấp cao, thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, ổn định và thực chất.”
Theo chương trình ở Bắc Kinh, ông Lịch sẽ hội đàm với Tướng Thường Vạn Toàn, bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, chào lãnh đạo đảng, nhà nước và quân ủy trung ương Trung Quốc, và thăm đơn vị quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, theo VietNamNet.
Hồi Tháng Ba, ông Thường có thăm Việt Nam và gặp ông Lịch, lúc đó là chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.
Hôm 25 Tháng Tám, báo Quân Đội Nhân Dân của Việt Nam có đăng bài phỏng vấn ông Hồng Tiểu Dũng, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, về chuyến viếng thăm của ông Lịch.
Ông Dũng được trích lời nói rằng: “Thời gian qua, quân đội hai nước Việt Nam – Trung Quốc đã tích cực triển khai nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu hữu nghị, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển. Bên cạnh đó, vai trò, vị trí, quan hệ giữa hai quân đội trong tổng thể quan hệ hai nước đang được tăng cường, cơ hội và tiềm năng hợp tác vẫn còn rất lớn.”
“Việt Nam và Trung Quốc có nhận thức chung rằng, trong giai đoạn lịch sử mới, cần cùng nhau nỗ lực thúc đẩy quan hệ giữa hai quân đội không ngừng phát triển, trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước. Việt Nam và Trung Quốc đang không ngừng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đi vào chiều sâu, theo phương châm ‘láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai’ và tinh thần ‘láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt’…,” đại sứ Trung Quốc nói tiếp.
Trên thực tế, quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội vẫn có những căng thẳng, đặc biệt liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Hồi Tháng Bảy, Tòa Trọng Tài Quốc Tế ở The Hague, Hòa Lan, bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc dựa trên “đường lưỡi bò chín đoạn,” sau khi bị Philippines kiện.
Việt Nam lúc đó nói hoan nghênh phán quyết của tòa và khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm hồi năm 1974, và một số đảo ở Trường Sa bị Trung Quốc chiếm năm 1988.
Trong khi đó, ngư dân Việt Nam đánh cá ở vùng ngư trường truyền thống ở Biển Đông thường bị tàu Trung Quốc bắt giam, phá tàu, hoặc bắt đóng tiền chuộc, thậm chí còn cấm họ đánh cá hàng năm.
Mới đây, hãng thông tấn Reuters dẫn nguồn tin ở Hà Nội nói rằng Việt Nam triển khai giàn hỏa tiễn ở quần đảo Trường Sa.
Trong thời gian qua, Trung Quốc cũng bồi đắp và xây dựng phi đạo trên một số đảo chiếm của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa. (Đ.D.)
No comments:
Post a Comment