Anh Vũ, thông tín viên RFA 2016-08-28
Do biển bị nhiễm độc, ngư dân phủ bạt ghe thuyền, nằm bờ không ra khơi. Hình chụp hôm 21/08/2016 tại thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. RFA photo
Tình trạng biển nhiễm độc ở 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra, đã khiến cho những người sống bám biển ở khu vực trên lâm vào cảnh lao đao vì không có việc làm. Rất nhiều người đã phải tìm đường sang Lào để kiếm kế mưu sinh.
Cuộc sống hiện tại của họ ra sao, gặp những khó khăn nào và họ có mong ước gì?
Nguyên nhân
Hậu quả của việc Formosa Hà Tĩnh xả chất độc gây ô nhiễm vùng biển thuộc 4 tỉnh miền Trung đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của những người dân vốn sống bám vào biển. Do tàu thuyền đánh cá phải nằm trên bờ trong nhiều tháng qua, đã khiến hầu hết những người dân ở khu vực này đã lâm vào cảnh không nghề và phải đi làm thuê để kiếm sống.
Theo báo chí trong nước cho biết, hiện tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa thiên - Huế, có đến 60-70% ngư dân làm nghề đánh bắt gần bờ. Do ảnh hưởng của biển bị nhiễm độc, nên hầu hết ngư dân phải ngừng đánh bắt và phải đi làm thuê đủ nghề để kiếm sống.
Giờ người ở quê đi hết vì quê hương không có việc gì làm hết. Tiền không có, ở quê không có việc làm, biển thì chết, cá bán không có ai mua. Như tôi thì đi Lào tìm việc làm.
- Anh Thành
Anh Thành, một người từng làm nghề đi biển ở Huế cho biết, biển độc và cá chết là một thảm họa đã ập xuống đầu các gia đình đang sống bám vào biển như gia đình anh. Theo anh, hiện tại người dân ở 4 tỉnh miền Trung hầu hết đã phải bỏ quê quán để đi làm thuê ở mọi nơi. Từ thủ đô Viêng Chăn, nước Lào anh nói với chúng tôi:
“Từ ngày biển chết đến giờ, có nhiều người phải qua đây, có nhiều người vào Sài Gòn, qua Mã Lai… Giờ người ở quê đi hết vì quê hương không có việc gì làm hết. Tiền không có, ở quê không có việc làm, biển thì chết, cá bán không có ai mua. Như tôi thì đi Lào tìm việc làm.”
Ông Sang, một người dân sống bằng nghề đi biển ở Hà Tĩnh cho biết, gia đình ông chỉ biết dựa vào nghề đi biển để kiếm sống. Từ khi biển chết ông và các con không dám đi biển nữa, vì đánh cá về cũng không có ai mua, bởi người dân bây giờ không dám ăn cá biển nữa. Do vậy, mấy đứa con của ông cũng phải đi xa làm thuê để kiếm sống. Ông tiếp lời:
“Bây giờ biển chết thì cũng phải kiếm chỗ làm thuê làm mướn gì đấy để người ta kiếm sống qua ngày, chứ bây giờ biết chờ làm sao? Sang Lào cũng để kiếm kế sinh nhai thôi mà.”
Theo anh Thành, những người dân ở quê anh ngoài nghề đi biển và làm muối thì không còn nghề nghiệp gì khác, vì kế sinh nhai nên đã phải sang đất Lào để kiếm ăn. Ở đây anh và bạn bè phải làm bất kể nghề gì, kể cả lao động nặng nhọc để có tiền nuôi sống bản thân và gửi về giúp đỡ gia đình. Anh bày tỏ:
“Qua đây thì phải làm tất cả các kiểu, người thì làm phu hồ, thợ mộc, thợ xây, làm phụ… miễn là có tiền để ăn. Bình quân thợ phụ thì 80.000 kip/ngày, còn thợ thì 100.000 kip/ngày.”
Khó khăn
Anh Thành cho biết, cuộc sống trên đất khách quê người của những người dân miền biển mới đến Lào cũng hết sức khó khăn, do hoàn cảnh mới lạ, tiếng Lào chưa biết, người quen biết thì không. Nhưng sợ hơn cả là nỗi lo bị cảnh sát bắt, vì không có thẻ lao động nước ngoài. Anh nói:
“Sang Lào có cái khó là tiền đâu để làm thẻ lao động, mới qua chân ướt chân ráo thì phải lo kiếm tiền đã. Cũng có đôi số bị bắt, làm ăn không yên ả lắm đâu. Những người có người quen biết thì dễ dàng, còn một số người khác thì đành phải quay về vì không có chỗ cho họ nương tựa.”
Chị Phương, một người buôn bán ở khu chợ Sáng, thủ đô Viêng Chăn cho biết, chính sách quản lý lao động Việt Nam đang được chính quyền Lào siết chặt, với mục đích buộc lao động người Việt Nam phải quay về nước. Theo chị Phương, đây là những khó khăn nhất đối với những lao động từ 4 tỉnh miền Trung mới sang. Chị giải thích:
“Bên Lào bây giờ mới có một quy định mới ra là người lao động Việt sang đây phải làm thẻ lao động, một tháng 300.000 kip. Những người mới sang sẽ gặp khó khăn hơn vì công an thắt chặt hơn, họ kiểm tra, bắt nộp phạt. Còn chuyện lục soát thì không có đâu, vì họ muốn đưa người Việt mình về nước, nếu như không có thẻ lao động ấy họ trục xuất về nước. Khó khăn bên Lào hiện giờ là như vậy đấy.”
Chị Phương cũng cho biết thêm về nguyên nhân chính sách nói trên của chính quyền Lào, theo chị hiện nay người VN và người Trung Quốc đến Lào làm ăn buôn bán quá đông, khiến cuộc sống của người dân Lào bị đảo lộn. Chị Phương giải thích:
“Phương châm của Chính phủ Lào bây giờ là đẩy bớt người Việt mình về, vì thế tình hình nói chung ngày càng khó hơn, vì môi trường bên này bây giờ người Tàu họ cũng đã vào rất nhiều.”
Chúng tôi đã liên lạc tới Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, để tìm hiểu về việc quan tâm và giúp đỡ của nhà nước VN, đối với các đối tượng là người dân thuộc 4 tỉnh miền Trung, sang lao động tại đây. Bà Nguyễn Thị Hà, Tham tán Công sứ, Trưởng phòng Chính trị cho biết:
Bây giờ chỉ có một mong muốn duy nhất, là làm sao cho biển sạch trở lại để được làm ăn như trước. Biển hết độc để người dân có thể nuôi tôm, nuôi cá.
- Anh Thành
“Thực ra mà nói, không chỉ ở thời điểm biển bị nhiễm độc này, bình thường thì bà con VN thường có nhu cầu làm ăn ở các nước láng giềng. Giữa VN và Lào đã có quy định về công dân VN tại Lào, bay giờ cứ tuân thủ theo pháp luật, có đủ giấy tờ, hộ chiếu, giấy phép lao động. Nếu ở lại lao động thì phải tham gia vào công ty sở tại và tuân thủ luật pháp nước sở tại.”
Khi được hỏi về mong muốn của mình, anh Thành cho biết, gia đình anh nhiều thế hệ đã sống bám biển từ lâu đời nay, vì thế nguyện vọng duy nhất của anh là chính quyền bằng mọi cách phải nhanh chóng trả lại biển sạch cho người dân. Anh bày tỏ:
“Bây giờ chỉ có một mong muốn duy nhất, là làm sao cho biển sạch trở lại để được làm ăn như trước. Biển hết độc để người dân có thể nuôi tôm, nuôi cá.”
Tình trạng sang Lào kiếm sống sau mùa biển chết, không chỉ dành riêng cho người lớn. Theo báo Người Việt online cho biết, sau vụ cá chết ở 4 tỉnh miền Trung và do thiếu thốn, nghèo đói, nhiều trẻ em ở Thừa Thiên - Huế đã bỏ học, theo người lớn sang Lào để làm thuê. Nguyên nhân để dẫn đến tình trạng các em bé bỏ học theo người thân sang Lào làm ăn, đều là do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn, mùa màng thất bát và nhiều em trong số này có cha mẹ làm nghề đánh cá gần bờ trên biển Thuận An, phá Tam Giang.
No comments:
Post a Comment