Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA 2016-05-19
Nhà thờ Giáo xứ Cồn Sẻ Courtesy giaoxugiaohovietnam.com
Nhiều ngư dân tại khu vực ven biển các tỉnh miền Trung hiện đang chịu cảnh thất nghiệp vì không thể tiếp tục kế sinh nhai truyền thống khi nguồn lợi không còn bởi biển bị ô nhiễm nặng.
Cơ quan chức năng có đưa ra chính sách hỗ trợ cho họ; thế nhưng khoản trợ giúp được nói cũng không thể giúp họ bao nhiêu. Trước tình thế ngặt nghèo của số ngư dân mà cũng là giáo dân, một linh mục nảy sinh ý định quyên góp giúp đỡ.
Cứu đói ngư dân mất nguồn sống
Thảm họa môi trường khiến cá chết hằng loạt tấp vào bờ từ ngày 6 tháng tư đến nay đã hơn một tháng. Thông tin cho thấy cá chết tấp vào bờ lên đến khoảng 100 tấn dọc theo bờ biển của các tỉnh từ Hà Tĩnh, xuống Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế cho đến Đà Nẵng.
Một số thợ lặn còn cho hay dưới đáy biển số cá và hải sinh vật chết cũng sắp lớp.
Hỗ trợ thì trong tương lai chưa biết như thế nào nhưng cho đến giờ đã hơn một tháng thì hỗ trợ ở đây mỗi đầu người được 10 ký gạo.
-LM Hoàng Anh Ngợi
Các loại cá, mực, hải sinh vật biển chính là nguồn lợi nuôi sống người dân ven biển suốt bao đời qua, khi chết hằng loạt như thế thì ngư dân không còn nguồn để đánh bắt nữa đành phải phơi thuyền trên bãi. Nguồn sống bị cắt đứt khiến họ đối diện với cảnh nguy khốn.
Nhà nước ban hành lệnh cứu đói cho những vùng bị tác động, và trong hơn tháng qua, khoản được cứu trợ cho ngư dân tại Cồn Sẻ, Quảng Bình, theo người phụ trách một họ đạo ở đó - linh mục Hoàng Anh Ngợi, như sau:
“Hỗ trợ thì trong tương lai chưa biết như thế nào nhưng cho đến giờ đã hơn một tháng thì hỗ trợ ở đây mỗi đầu người được 10 ký gạo.”
Thực trạng
Vị linh mục này thuật lại cuộc sống của những giáo dân mà nghề từ bao đời nay của họ là đi biển kiếm sống; nhưng nay thực tế xảy ra như sau:
“Đã hơn một tháng nay đoàn tàu 63 con thuyền đánh bắt xa bờ và đoàn thuyền nhỏ chài lưới cá tôm mỗi ngày trên sông của giáo xứ Cồn Sẻ là phải ‘an nghỉ’, nằm chờ, nằm nhớ sóng khơi xa, đợi chờ phép lạ từ Trời cao thương ban ơn phục sinh cho biển chết thì may ra đoàn thuyền mới trở lại biển khơi và may ra có phần hy vọng của sự sống tiếp theo.”
Ông Nguyễn Duy Huy chủ tịch xã Hải Trạch, thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cũng cho biết ngư dân ở xã ông nay cố gắng đi câu mực ống; nhưng số lượng câu được không nhiều và khi mang đi bán thì cũng khó khăn:
“Theo thông tư thì bây giờ hạn chế đánh bắt dưới 20 hải lý; nhưng đời sống của họ phụ thuộc vào đó nên họ cũng có đi đánh bắt. Ở vùng tôi là khai thác mực ống. Trong tình hình này đối với mực ống cũng ít người ăn nên giá cũng thất thu nhiều lắm.”
Sự ủng hộ
Trước cuộc sống thất nghiệp của giáo dân trong xứ đạo mà ông phụ trách, linh mục Hoàng Anh Ngợi, ngỏ ý cùng một vị linh mục quen biết ở Sài Gòn về việc kêu gọi các ân nhân cứu trợ cho ngư dân tại xứ ông trong cơn ngặt nghèo đó.
Người nhận được thư điện tử ngỏ ý của linh mục Hoàng Anh Ngợi là linh mục Nguyễn Quang Uy thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn. Vị linh mục này đã hăng hái hưởng ứng và vào ngày 13 tháng 5 ông cho biết kết quả sau hai ngày kêu gọi:
Khi nhận được yêu cầu thì tôi đưa lên trang web Ephata của tôi và trang web trong nhà dòng nữa. Sau hai ngày tôi quyên được 100 triệu và tôi chuyển cho cha Ngợi để mua gạo ngay cho họ.
-LM Nguyễn Quang Uy
“Ngài báo cho biết vùng của ngài gần như 100% người dân sống về nghề biển. Ngài kêu gọi giáo dân không đem cá nhiễm độc về bán nữa, vì làm như thế là có tội và gây nhiễm nữa. Mà không đi đánh bắt cá thì làm gì để giúp cho họ sống trong tình hình khó khăn đó.
Khi nhận được yêu cầu thì tôi đưa lên trang web Ephata của tôi và trang web trong nhà dòng nữa. Sau hai ngày tôi quyên được 100 triệu và tôi chuyển cho cha Ngợi để mua gạo ngay cho họ.
Ngoài giáo dân còn có những lương dân ở khu Cồn Sẻ nữa. Trong những ngày tới tôi cũng tiếp tục quyên góp.”
Tuy nhiên, theo linh mục Hoàng Anh Ngợi thì có một số người khi được biết ý định kêu gọi hỗ trợ cho ngư dân đã ngăn lại:
“Vấn đề vô cùng khó khăn vì tôi cũng có một số ân nhân nhưng khi ngỏ lời với họ thì họ nói rằng việc này để cho đảng và nhà nước xử lý. Họ có trách nhiệm vì đây không phải là một hoàn cảnh do thiên tai đem đến.”
Ý kiến của những người nói với linh mục Hoàng Anh Ngợi tương tự suy tư của vị chủ chăn giáo phận Vinh là giám mục Phao lô Nguyễn Thái Hợp. Ông này cho rằng khi xảy ra thiên tai, cơ quan bác ái của giáo phận luôn cứu trợ cho nạn nhân; tuy nhiên lần này không phải là thiên tai như thường gặp mà là thảm họa môi trường do con người gây ra và qui mô của thảm họa quá lớn mà trách nhiệm chính là của Nhà Nước.
Ông chủ tịch xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cũng nói với chúng tôi dân trong xã của ông rất hoang mang, họ mong nhà nước xác định và công bố nguyên nhân khiến hải sinh vật chết hằng loạt làm mất đi nguồn sinh kế của họ từ bao đời qua.
“Thiệt hại về mặt tâm lý là dân chúng hoang mang. Các cấp chính quyền phải tiến hành tuyên truyền vận động khi mà chưa rõ nguyên nhân cá chết bất thường như vậy.
Thiệt hại vật chất thì nhà nước có chính sách hỗ trợ: gạo và ‘bơ (thuyền) mỗi cái được 1 triệu đồng. Rồi các tổ chức tự nguyện, rồi bia Carlberg, Huda. Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân tỉnh cũng có về cứu trợ.”
Một số quan chức Nhà nước có về tỉnh tuyên bố kế hoạch chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân, nói với họ hãy bình tĩnh chờ đợi; tuy nhiên với khoản hỗ trợ chỉ hơn chục kilogram gạo cho mỗi tháng như qui định vừa qua thì chắc chắn những gia đình ngư dân bị tác động khó có thể qua khỏi đói kém trong những ngày tới.
Sự cứu trợ của các nơi như ý nguyện của linh mục Hoàng Anh Ngợi cũng chỉ là một giải pháp tạm thời, cứu đói qua ngày cho ngư dân xứ ông mà thôi.
No comments:
Post a Comment