Thụy My
Theo RFI-05-05-2016 17:57
Đòi hỏi chủ quyền của các quốc gia ven Biển Đông. Nguồn : US defense department
Từ khi Bắc Kinh tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông cuối năm 2013, nhiều người tự hỏi liệu Trung Quốc sẽ dấn lên tương tự tại Biển Đông hay không. Đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang huy động nhiều chiến hạm hiện đại tập trận rầm rộ ở Biển Đông, bên cạnh đó còn huấn luyện ngư dân thành « dân quân » trên biển.
Nhà nghiên cứu Felix K.Chang của Foreign Policy Research Institut nhận định trên Eurasia Review, từ đầu năm nay, Hoa Kỳ đã công khai cảnh cáo Trung Quốc, sẽ không chấp nhận, nếu Bắc Kinh tự tiện lập ADIZ trên Biển Đông. Lời cảnh báo của Washington có vẻ như nhằm lường trước phản ứng của Bắc Kinh, vào thời điểm phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye trong vụ Philippines kiện có thể được tuyên trong tháng Năm.
Tuyên bố của Bắc Kinh lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông trước đây đã gây ra nhiều bất ngờ. Theo ông Felix Chang, có lẽ để tránh tái diễn sự việc này, phía Mỹ đã chọn cách cảnh báo trước. Đương nhiên bộ Quốc Phòng Trung Quốc đáp trả, là có quyền lập ADIZ trên Biển Đông - nơi Bắc Kinh vẫn coi là « ao nhà » của mình với đường lưỡi bò tự vạch. Tuy vậy phát ngôn viên của bộ này nhanh nhẩu nói thêm là Trung Quốc không có ý định đó.
Nhà nghiên cứu trên cho rằng, ngoài mục đích xoa dịu Mỹ, còn có các lý do khác khiến Trung Quốc không muốn lập ADIZ tại Biển Đông. Đó là vì việc này còn liên quan đến hai thành viên có ảnh hưởng lớn trong khối ASEAN : Malaysia và Indonesia.
Nếu ADIZ Trung Quốc tại Biển Hoa Đông chỉ nhắm vào Nhật Bản, thì một ADIZ Trung Quốc khác trên Biển Đông sẽ tác động không chỉ vào hai đối thủ Việt Nam và Philippines, mà còn ảnh hưởng đến các nước khác trong khu vực, trong đó có Malaysia và Indonesia.
Từ nhiều thập kỷ qua, Malaysia đã gượng nhẹ trong tranh chấp quần đảo Trường Sa với Trung Quốc. Thay vì đối đầu với Bắc Kinh như Philippines và Việt Nam, nước này cố gắng âm thầm dùng biện pháp ngoại giao để thuyết phục về lợi ích của một giải pháp đa phương cho tranh chấp trong khu vực.
Chiến lược này đạt đến đỉnh điểm vào năm 2002, khi Trung Quốc chịu ký Tuyên bố ứng xử tại Biển Đông với ASEAN, không mang tính ràng buộc. Mặc dù sau đó Bắc Kinh đã vi phạm, Malaysia vẫn trung thành với chủ trương trên. Thậm chí hai lần Trung Quốc tập trận hải lục quân gần bãi cạn James mà Malaysia đòi hỏi chủ quyền (James Shoal, Trung Quốc gọi là Tăng Mẫu) chỉ cách bờ biển Malaysia có 80 km, Kuala Lumpur vẫn chọn lựa không gây căng thẳng.
Tương tự, Indonesia cũng giảm thiểu các tranh cãi với Trung Quốc. Các nhà ngoại giao nước này luôn nhắc đi nhắc lại rằng Jakarta không tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh. Dù đúng là không tranh chấp chủ quyền, nhưng tranh chấp trên biển thì có. Đường lưỡi bò do Trung Quốc vẽ ra bao trùm lên cả một số mỏ dầu khí lớn nhất ngoài khơi Indonesia. Hơn nữa, Bắc Kinh còn gia tăng sự hiện diện trong khu vực. Chỉ mới tháng trước, hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã dùng vũ lực xông vào giải thoát cho một tàu cá xâm nhập vùng biển Indonesia khỏi bị cơ quan chức năng bắt giữ. Sự cố này khiến giới quân sự Indonesia phải cảnh giác, nhưng Jakarta vẫn do dự chưa muốn tăng cường phương tiện cho quân đội để bảo vệ khu vực quần đảo Natuna.
Một vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc bao trùm lên toàn bộ Biển Đông chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cả Malaysia lẫn Indonesia. Sẽ rất khó cho Bắc Kinh để biện minh, và điều này cũng đi ngược lại chiến lược dài hơi của Trung Quốc về Biển Đông.
Từ nhiều năm qua, Trung Quốc luôn tìm cách chia rẽ các đối thủ Đông Nam Á, khuyến dụ từng nước nên giải quyết tranh chấp riêng rẽ với Bắc Kinh. Một ADIZ được tuyên bố trên toàn Biển Đông sẽ khó giúp đạt được mục đích này, thậm chí còn ngược lại !
Quyết định này có thể đẩy Malaysia và Indonesia vào tình thế « cùng hội cùng thuyền » với Việt Nam và Philippines, khiến các nước liên quan phải đoàn kết lại. Hơn nữa, vùng nhận dạng phòng không trên toàn Biển Đông sẽ làm những ai tin rằng thái độ dịu nhẹ sẽ làm Trung Quốc bớt hung hăng với mình, phải suy nghĩ lại.
Mặt khác, nếu Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên nửa phía bắc Biển Đông mà thôi – có nghĩa là phía trên các khu vực tranh chấp với Philippines và Việt Nam – Bắc Kinh có thể lý sự là chỉ nhằm bảo vệ khỏi bị phi cơ hai nước này xâm nhập mà thôi. Cả Việt Nam và Philippines đều đang tăng cường Không quân để đối phó với Trung Quốc, và Malaysia, Indonesia có thể theo chân. Hơn nữa, một ADIZ bán phần của Trung Quốc có thể khiến các nước khác chạnh lòng, nghĩ đến việc vùng nhận dạng phòng không này có thể bị mở rộng ra trong tương lai.
Tác giả Felix K.Chang kết luận, như vậy trước khả năng ADIZ, dù toàn phần hay bán phần, có thể khiến cho các nước chủ chốt của ASEAN liên kết với nhau để chống lại mình, Trung Quốc có lý do để tỏ ra thận trọng.
Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông có thể tạo ra nhiều vấn đề cho Bắc Kinh hơn là giải quyết. ADIZ có thể đẩy Malaysia ra khỏi giới hạn tự đặt lâu nay, và khiến Indonesia chính thức lao vào cuộc tranh chấp. Các nước xung quanh như Úc và Nhật Bản cũng ngờ vực hơn, và làm thế nào có thể tin vào thiện chí của sáng kiến « Một vành đai, một con đường(tức Con đường tơ lụa trên biển) » do Bắc Kinh đưa ra ?
Nhìn rộng hơn, một ADIZ bao trùm lên Biển Đông có thể đánh dấu một bước ngoặt thực sự, trong chủ trương của Trung Quốc không chỉ về tranh chấp chủ quyền trên biển, mà cả đối với khu vực Đông Á. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh đã trở nên quá tự tin để hành động, bất chấp các hậu quả trên trường quốc tế.
Trong trường hợp này, dù Trung Quốc vẫn đối phó được, nhưng theo Felix Chang, Bắc Kinh cần phải học được một điều là vùng lên thì có nguy cơ bị những làn gió ngược mãnh liệt quật lại.
No comments:
Post a Comment