Hùng Tâm/Người Việt
05-04-2016 5:13:57 PM
Những phương cách đối phó với Trung Cộng
Tại Việt Nam, ngày 30 Tháng Tư mới qua thì ngày 1 Tháng Năm lại bùng lên làn sóng biểu tình không để chào mừng Lễ Lao Động Quốc Tế mà để phản đối thái độ tác trách của chính quyền Cộng Sản Hà Nội trong vụ khủng hoảng Vũng Áng đang lan rộng có thể tới Phú Quốc.
Dĩ nhiên, ngoài các cấp chính quyền Hà Nội, tập đoàn Formosa của Đài Loan có trách nhiệm về vụ khủng hoảng môi trường xuất phát từ Khu Công Nghiệp Vũng Áng của tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng trong khu vực, doanh nghiệp Đài Loan không là cơ sở duy nhất, qua chu trình cung cấp và đầu tư rất mờ ám, người ta còn thấy bàn tay Trung Cộng được bọc nhung Đài Loan.
Đấy là hậu quả bất ngờ từ chánh sách hữu hảo với Bắc Kinh của Chính quyền Mã Anh Cửu thuộc Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Chánh sách gọi là “Đồng thuận Đài Loan” đã phá sản vì chỉ là sự quỵ lụy Bắc Kinh nên bị dân Đài Loan phản đối từ Tháng Ba năm ngoái qua vụ biểu tình gọi là “Cách mạng hoa hướng dương.” Đến cuối năm thì Trung Hoa Quốc Dân Đảng thất cử thê thảm, mất cả Hành pháp lẫn Lập pháp. Ngày 20 tháng này, Đài Loan sẽ có lãnh đạo mới là Tổng Thống Thái Anh Văn với Quốc Hội do đảng Dân Tiến của bà chiếm đa số áp đảo.
Khi nhìn lại Tháng Tư Đen nhồi trong Thủy Triều Đỏ tại Miền Trung, lẫn bao tai họa trên vùng châu thổ Cửu Long, chúng ta đều thấy bàn tay Trung Cộng. Nhưng nếu nhìn xa hơn, và đấy là nội dung của Hồ Sơ Người-Việt kỳ này, ta nên hiểu ra một khía cạnh còn nguy hiểm gấp bội.
Đại Hoa Nam Cộng Vinh Khuyên
Khái niệm “Trung Quốc Mộng” mà Tập Cận Bình cổ súy từ năm 2014 bao trùm lên khu vực Đông Hải của Việt Nam, và nên được gọi là “Đại Hoa Nam Cộng Vinh Khuyên” - vành khuyên thịnh vượng chung trên vùng biển họ gọi là Hoa Nam, South China Sea. Nằm giữa vành khuyên là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ đã cưỡng đoạt của các nước Đông Nam Á và đang khống chế bằng các phương tiện quân sự hiện đại trên các đảo nhân tạo.
Cách nay 76 năm, Đế Quốc Nhật theo chế độ quân phiệt đã từng ôm giấc mơ gọi là Đại Đông Á Cộng Vinh Khuyên. Greater East Asia Co-Prosperity Sphere nhằm làm chủ khu vực Đông Á với phương tiện quân sự hiện đại. Kết quả là đại chiến và nước Nhật thảm bại năm 1945 nên từ đó họ tìm sự thịnh vượng qua hợp tác kinh tế, chính trị dân chủ và ngoại giao hòa hiếu. Nhờ đó, Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế với người dân có mức sống rất cao. Ngày nay, Trung Cộng lại muốn theo con đường phát xít và quân phiệt của Đức và của Nhật nên cũng sẽ gây ra nguy cơ chiến tranh.
Chúng ta có thể tự hỏi là vì đâu nên nỗi. Câu trả lời phải là vì sự phá sản của chiến lược Nixon-Kissinger và 45 năm hữu hảo của Hoa Kỳ với Trung Cộng.
Bảy đời tổng thống giao trứng cho ác
Người ta cứ tưởng Richard Nixon và Henry Kissinger đã bắt tay với Trung Cộng thời Mao Trạch Đông nhằm cô lập Liên bang Xô viết trong thời Chiến Tranh Lạnh.
Sự thật được phanh phui về sau mới cho thấy rằng chính Mao đã khai thác nhu cầu tái tranh cử của Tổng Thống Nixon vào năm 1972 mà bắn tiếng mời Nixon mở cuộc tiếp xúc ngay từ năm 1969 khi xung đột quân sự đã bùng nổ tại biên giới Nga Hoa. Sáng kiến của Mao được Nixon nhận là của mình và giao cho một người mà chính ông gọi là gian xảo thực hiện. Đấy là thành tích của Kissinger, với hậu quả nhỏ (xin lỗi quý độc giả) là miền Nam tự do bị hy sinh và hậu quả lớn là Trung Cộng phục hưng kinh tế rồi tiến ra Đông Hải của họ và Đông Hải của ta.
Ở ngay tuyến đầu thì mãi mãi dân ta cũng hiểu ra bước tiến của Trung Cộng. Đầu tiên là trận hải chiến Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa vào đầu năm 1974 trong giai đoạn bị bức tử. Sau đó là trận chiến Hoa-Việt năm 1979, rồi trận Gạc Ma năm 1988 cho tới khi Hà Nội bị hoàn toàn khuất phục từ năm 1991. Hai chục năm liền, từ 1971 đến 1991, Hà Nội trôi vào quỹ đạo Trung Cộng và lãnh đạo ngày nay chẳng thấy ra mối họa từ Đại Thắng Mùa Xuân 1975. Họ lấy đó làm vinh và cúi đầu chui vào cõi “cộng vinh” của Trung Cộng.
Tại Hoa Kỳ, sau Nixon thì bảy đời tổng thống (Ford, Carter, Reagan, Bush 41, Clinton, Bush 43, và Obama) đã theo đuổi chiến lược Nixon dựa trên ảo tưởng là Trung Cộng sẽ tự do hóa chế độ chính trị sau khi ngả theo kinh tế thị trường để thành cường quốc thịnh vượng, biết điều, rồi sẽ cùng nước Mỹ và các định chế quốc tế gánh vác thiên hạ sự. Ngày nay, 45 năm sau, người ta mới thấy sự thất bại của chiến lược lạc quan ấy.
Trung Cộng khai thác các định chế quốc tế, lòng tham của doanh nghiệp và nhất là sai lầm của lãnh đạo Hoa Kỳ để thành cường quốc bá quyền tại Đông Á và còn cho biết Hoa Kỳ sẽ phải trả giá rất đắt nếu muốn chặn đà bành trướng của họ. Chính quyền Barack Obama đang cân nhắc về cái giá ấy so với những ưu tiên khác của ông nên chỉ nói chứ không làm. Vả lại, ông còn cầm quyền có bảy tháng nữa thôi và lo trau chuốt di sản của mình cho lịch sử.
Tổng thống thứ 45 cùng Quốc Hội khóa 115 sẽ phải cải sửa những sai lầm chồng chất xuất phát từ vị tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ. Cải sửa như thế nào?
Bát quái trận đồ
Căn cứ trên kinh nghiệm của các lãnh tụ tiền nhiệm từ cả trăm năm trước, khi Trung Quốc còn cúi đầu lầm than, và nhìn trên cục diện chung tại Đông Á lẫm tâm tư của dân Mỹ, lãnh đạo mới của Hoa Kỳ có tám bước cải sửa sau đây.
Thứ nhất, nhìn lại thực tế và giải trình mạch lạc cho toàn dân cùng hiểu sự thật về Trung Cộng, y hệt sự thật về Đức Quốc Xã hay Liên Xô. Phải nêu đích danh bản chất lưu manh gian ác của cường quốc bá quyền mới. Muốn vậy, hành pháp phải yêu cầu Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, Hội Đồng Cố Vấn Kinh Tế, hai Bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng cùng đại sứ Thương Mại có tiếng nói thống nhất về Trung Cộng với chi tiết xác thực về các hồ sơ như chủ quyền biển đảo, môi sinh, kinh doanh, quân sự, an ninh, v.v... Quốc Hội khóa 115 sẽ tuyên thệ nhậm chức ngày 3 Tháng Giêng năm 2017 phải rà soát lại hệ thống luật lệ và thẩm định để nâng cao khả năng ứng phó khi kết luận của hành pháp là Hoa Kỳ sẽ phải ứng phó.
Thứ hai là công khai tuyên bố khu vực Đông Á thuộc về quyền lợi cốt lõi của Hoa Kỳ. Không thể để Trung Cộng khẳng định vùng biển Đông Á là “hạch tâm nghĩa lợi” của họ như hai vùng đất mà họ chiếm đóng từ xưa là Tân Cương và Tây Tạng, rồi chỉ vu vơ bày tỏ “mối quan ngại” của nước Mỹ theo lối ngoại giao cố hữu. Sau khi tuyên bố thì tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực một cách thiết thực, thường trực và đáng tin tại vùng biển Hoa Đông và Hoa Nam của Trung Cộng. Từ năm 2011, chính quyền Obama đã nói đến việc “chuyển trục” và tới năm 2020 sẽ đưa 60% lực lượng hải quân vào Châu Á Thái Bình Dương mà chẳng làm gì nên Bắc Kinh không tin và không sợ. Hoa Kỳ sẽ phải cải sửa ấn tượng ấy.
Thứ ba, chấm dứt việc tuyên bố vu vơ về “quyền tự do vận chuyển ngoài biển” (FONOP) và nhất cử nhất động đều báo trước cho Bắc Kinh. Hoa Kỳ phải thể hiện quyền tự do bằng hành động, và hành động đầu tiên là hủy bỏ sai lầm của Obama khi mời Trung Cộng tham dự cuộc thao dượt quân sự RIMPAC. Được Hoa Kỳ đề nghị từ năm 1971, cuộc thao dượt hai năm một lần quy tụ các quốc gia trên vành cung Á Châu Thái Dương mà không có Trung Cộng. Đã tuyên bố chuyển trục, năm 2014 Obama lại mời Bắc Kinh tham dự và hôm 18 tháng trước bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ còn nhắc lại lời mời khi Biển Đông đã nổi sóng. Vì cuộc thao dượt tới là vào Tháng Sáu năm nay, Quốc Hội và các ứng cử viên phải quyết liệt yêu cầu chính quyền Obama hủy bỏ lời mời. Trung Cộng bá quyền phải trả giá cho hành động xâm lược của họ.
Với tinh thần đó, điểm thứ tư là hãy gột bỏ thói quen giao kết chỉ vì mục tiêu giao kết, trong đó có cả việc tiếp xúc, hợp tác và kết ước với quân đội của Bắc Kinh. Làm như vậy thì chỉ khuyến khích sự gian ác chứ không tác động được vào giới tướng lãnh Trung Cộng.
Thứ năm, cần tăng cường hợp tác với Nhật Bản và Đài Loan là hai đồng minh có khả năng đóng chốt trên vùng biển Hoa Đông của Trung Cộng. Nhật đã đi bước đầu là suy diễn lại Hiến pháp để cho phép ra quân bảo vệ đồng minh, Đài Loan đang có chính quyền mới, có lập trường dứt khoát hơn về quan hệ với Bắc Kinh. Hoa Kỳ đã có hiệp ước với cả hai quốc gia ấy nên cần áp dụng và hội nhập khả năng quân sự giữa ba nước. Hàng năm, Nhật vẫn trả Hoa Kỳ hai tỷ đô la cho việc đồn trú các căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ Nhật, chứ không phải là ỷ lại vào Mỹ như tỷ phú Donald Trump nói sai. Sau Nhật Bản và Đài Loan, hãy tác động vào Hiệp hội ASEAN của 10 quốc gia Đông Nam Á và mở vòng hợp tác với Ấn Độ và Úc. Các quốc gia bán đảo hay quần đảo vây quanh Trung Quốc đã biết sợ nhưng chưa dám tin vào Hoa Kỳ.
Thứ sáu, thiết thực áp dụng mọi biện pháp trừng phạt kinh tế mỗi khi Trung Cộng vi phạm. Xưa nay, nhiều vi phạm về ngoại thương, đầu tư, thậm chí cho tin tặc ăn cắp bí mật kinh doanh hay quân sự vẫn được Mỹ phàn nàn rồi bỏ qua chỉ vì tinh thần giao kết.
Thứ bảy, luật lệ Hoa Kỳ đã có, luật lệ quốc tế cũng thế, lãnh đạo Mỹ phải vận dụng hệ thống luật lệ ấy để công khai thách thức Trung Cộng. Chẳng hạn, ngoài hồ sơ cưỡng đoạt chủ quyền trên biển của xứ khác, Bắc Kinh còn gieo họa về môi sinh cho các lân bang, từ nguồn nước cho đến đánh bắt ngư hải sản trong vùng Đặc quyền kinh tế EZZ của thiên hạ. Hoa Kỳ phải làm gương mà dùng luật để Trung Cộng hết còn khả năng tự tung tự tác.
Sau cùng, phải ráo riết mở chiến dịch tố giác nạn tham nhũng của các đảng viên cán bộ cùng tay chân thân tộc của chế độ. Bắc Kinh có thể kiểm soát thông tin để bịt kín sự thật nhưng thế giới bên ngoài vẫn có thể biết được khi các đại gia, từ gia đình Tập Cận Bình trở xuống, đều tẩu tán tài sản ra ngoài. Họ sẽ mất chính nghĩa với người dân và mất tự do khi xuất ngoại vì nơi đâu cũng có thể bị dân chửi và thế giới coi thường. Chiến dịch ấy còn gây khó cho chính Tập Cận Bình và đào sâu những mâu thuẫn bên trong mạng lưới tham nhũng của Trung Cộng.
Kết luận ở đây là gì?
Hoa Kỳ không thể thoái thác trách nhiệm mà thành đồng lõa với tội ác vì không dám can ngăn tội ác. Đấy mới là quyền lợi đích thực và lâu dài của nước Mỹ.
Kết luận ở đây là gì?
Hoa Kỳ không thể thoái thác trách nhiệm mà thành đồng lõa với tội ác vì không dám can ngăn tội ác. Đấy mới là quyền lợi đích thực và lâu dài của nước Mỹ.
Việc cải sửa những sai lầm lưu cữu từ 45 năm qua sẽ đòi hỏi thời gian và ý chí, nhưng cần khởi sự càng sớm càng hay. Nếu không, nước Mỹ và dân Mỹ sẽ phải trả giá đắt hơn sau khi đã quên bài học về Đức Quốc Xã và Phát Xít Nhật.
No comments:
Post a Comment