Thursday, May 5, 2016

Bản lĩnh tri thức

Hàng trăm người dân Hà Nội biểu tình phản đối chất thải độc hại khiến cá chết

GNsP – Trong những ngày qua, tràn ngập trên các trang mạng xã hội là những thông tin, hình ảnh về các cuộc biểu tình tuần hành của những người dân Việt phản đối công ty của tập đoàn Formosa Đài Loan gây tình trạng cá chết hàng hoại ở vùng biển miền Trung.
 
Thế nhưng nhận định của Reuters, AFP đưa tin về vụ biểu tình cá chết ở Việt Nam vào thứ Hai ngày 02-05-2016 có đoạn viết: “Báo chí do nhà nước kiểm soát không đưa tin về các cuộc biểu tình trên”. ( 1 ) Bi hài ở chỗ trong khi đó trang báo điện tử Dân Trí lại đưa tin “Nhiều cuộc biểu tình nổ ra trong Ngày Quốc tế Lao động” nhưng đó chỉ là “Các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc lế Lao động (1/5) đã diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. Đây sự kiện có ý nghĩa lớn nhằm bảo vệ và tôn vinh các lợi ích chính đáng của người lao động” ( 2 ) và tuyệt nhiên không đá động gì đến các cuộc biểu tình đã diễn ra tại Việt Nam cũng trong ngày Quốc Tế Lao Động 01-05 và lý do cuộc biểu tình cũng liên quan đến việc “bảo vệ và tôn vinh các lợi ích chính đáng của người lao động”.
 
Trải qua hơn 4000 năm văn hiến, đạo học luôn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Do vậy, với quan niệm “nhất sĩ, nhì nông” , người trí thức luôn được đặt đứng đầu trong bậc thang phận vị của xã hội. Nối tiếp tư duy truyền thống đó, “Trong thời đại ngày nay, tri thức càng giữ vai trò với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc” (Hội nghị Trung Ương lần thứ VII). Trong bàn tay của tầng lớp trí thức trong xã hôị ,với dáng vẻ đơn sơ, nhỏ bé những cây nghiên, cây bút ngày xưa hay trong thời hiện đại đó là những bàn phím xinh xinh, gọn gàng đều được dùng như một công cụ hay một loại vũ khí, có chức năng và sức mạnh tác động đến sự tồn vong của một triều đại hay một chế độ xã hội. Nhà thơ Sóng Hồng đã nói về vai trò của nó một cách rất tự hào: “Mỗi cán bút làm đòn xoay chế độ. Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”.
 
Khi được hỏi rằng: “ Ông nghĩ gì về vai trò của nhà văn Việt Nam hiện nay?” Ông Viên Linh, một nhà văn Việt Nam nổi tiếng ở Hoa Kỳ trả lời : “Nhà văn thời nào cũng vậy, ở đâu cũng vậy, nên sống độc lập với nhà nước. Ăn lương nhà nước để viết văn là nhà văn trở thành công-nhân-văn, thành cán bộ, công chức, kẻ thừa hành và phục tùng. Nhà văn là kẻ sĩ, hiểu theo nghĩa là người phải có thái độ trung thực trước các vấn đề xã hội, chống sự phi nhân và bất công đến cùng. Nhà văn không thể đóng vai trò gì khi cả nước không có nhà văn nào có thực quyền quyết định trong một tờ báo, hay làm chủ một nhà xuất bản. Vai trò của nhà văn Việt Nam hiện nay đối với người Việt chúng ta như anh nói, theo tôi là hãy làm chủ ngòi bút mình trước đã.”
 
Trong các loài chim dù là loài có tiếng hót véo von như Sơn Ca , Oanh, Yến hay thô vụng như Cú, Quạ thì chúng vẫn cảm thấy hạnh phúc vì đã hót lên bằng chính giọng hót của mình. Duy chỉ có loài Sáo dù luôn tự hào vì đã nói được tiếng người, nhưng cái giá của nó phải trả thật đắt, đó là bị cắt cụt mất đầu lưỡi và chỉ nói theo những gì chủ nhân của nó dạy. Dưới chế độ Cộng Sản, giới truyền thông chẳng khác nào những con Sáo bị cụt đầu lưỡi, họ không có quyền nêu quan điểm, chính kiến của mình mà chỉ được phổ biến những gì đã được giới cầm quyền chỉ đạo, định hướng. Sự im lặng đồng loạt của giới truyền thông “lề phải” trước sự kiện người dân biểu tình tuần hành vào ngày 01-05 vừa qua là một trong những bằng chứng tự tố cáo về thân phận và vai trò của những bồi bút dưới chế độ độc tài Đảng trị ở Việt Nam hiện nay.
 
Nguyễn Trãi tiên sinh đã để lại cho hậu thế một cách thế ứng xử cần phải có của người tri thức đó là : “Ung dung ta nói điều ta nghĩ. Cúi ngửa theo người quyết chẳng theo.” Bậc tri thức tiền nhân ngày xưa đã thế thì ngày nay với sự hỗ trợ của một nền công nghệ thông tin văn minh, hiện đại thì ngòi bút của hậu duệ càng phải được phát huy tối đa ảnh hưởng và sức mạnh của nó. Dĩ nhiên, cái giá cho việc “ nói điều ta nghĩ ” , viết lên những gì thực sự là lời mách bảo của trái tim là điều không dễ dàng, họ phải trả giá bằng sự gian nan, hoạn nạn trước sự trù dập của cường quyền. Thế nhưng chỉ khi chấp nhận hy sinh , thiệt thòi khi xung đột với các thế lực cầm quyền, họ mới có thể chu toàn nhiệm vụ loan truyền cái Chân, cái Thiện vào xã hội con người và khi những tư tưởng đó được thẩm thấu tốt trong tinh thần của người dân thì chúng sẽ trở thành sức mạnh để tiêu diệt cái Ác, cái Xấu.
 
Nghe những clip của những người dân hát về miền Trung “như khóc, như than” , khiến người trong cuộc “cũng tan nát lòng” (Kiều ) … Nhìn bờ biển miền Trung chít một dãi khăn tang khổng lồ bằng xác những chú cá chết trắng nằm phơi mình… Sóng biển không còn vô tư nô đùa …dường như sóng cũng lặng câm …Là người dân Việt còn chút lương tâm, còn tha thiết với vận mệnh của đất nước, đặc biệt là những người đang làm công tác truyền thông, văn hóa – những người vốn được Tạo Hóa ban cho một trái tim nhạy cảm hơn người , tôi tin rằng trái tim các bạn không thể không thổn thức trước cảnh khốn cùng của đồng bào miền Trung, khúc ruột thân yêu của chúng ta. Vậy thì đừng im lặng nữa …Hãy nói đi, hãy dùng ngòi bút để đốt lên nhiệt huyết của mình cho dù phải tự tiêu hủy vì rằng:
 
“Nếu tôi không cháy lên
Nếu anh không cháy lên
Thì làm sao?
Bóng tối
Có thể trở thành
Ánh sáng?” (Nadim Hikmet)

04.05.2016 - 6:11am 
Điền Phương Thảo
 
(1) http://thuymyrfi.blogspot.com/2016/05/reuters-afp-ua-tin-ve-bieu-tinh-vu-ca.html?m=1
(2) http://dantri.com.vn/the-gioi/nhieu-cuoc-bieu-tinh-no-ra-trong-ngay-quoc-te-lao-dong-20160502053536983.htm

No comments:

Post a Comment