Thursday, May 5, 2016

'Khó kết luận nước màu đỏ ở Quảng Bình'

Theo BBC-6 giờ trước

Image captionCá chết ở Quảng Bình ngày 4/5
Một nhà khoa học nói với BBC khó có thể khẳng định ngay nước màu đỏ ở Quảng Bình là thủy triều đỏ và nguyên nhân cá chết.
Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt tuần này cùng các khách mời sẽ thảo luận về việc truy tìm nguyên nhân của vụ cá chết hàng loạt.
Chương trình phát trực tiếp lúc 1930 giờ Việt Nam hôm 05/05 tại:http://bit.ly/1VL005P
Nói với BBC Tiếng Việt, Giáo sư - Tiến sỹ khoa học Lê Huy Bá nói: "Chúng tôi không nhất trí thời gian đầu khi cá chết là có thủy triều đỏ. Bởi vì chúng tôi theo dõi hình ảnh vệ tinh theo phương pháp NGDP, thì xác định ngày 4-23/4 trên hình ảnh vệ tinh không có thủy triều đỏ."
"Phương pháp này dùng ảnh viễn thám tìm lớp phủ để có công thức tính. Nếu có xuất hiện trên ảnh thì màu nước thay đổi, qua màu nước đó ta biết được nó thay đổi thế nào, có loại thực vật gì. Những ánh sáng màu sắc khác nhau thì sẽ biết có các loại thực vật nào."
Một người dân Quảng Bình gửi cho BBC hình ảnh cá chết tại Đồng Hới, Quảng Bình đêm 4/5. Độc giả giấu tên này nói: "Chồng mình đi biển nên sáng nào mình cũng ra bến cá ở Đồng Hới từ 2:30 sáng, cá mú vào họ mua chỉ 5.000-6.000đ/kg thôi. Buồn lắm."
"Mấy xuồng nhỏ họ vớt được ở trong gần bờ biển "
Báo Vnexpress tại Việt Nam tường thuật tại Huế, hàng trăm kg cá biển và hai tấn cá nuôi chết trong vài ngày qua. Số lượng cá lồng chết ở phía bắc cửa biển Thuận An, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà (Huế).

'Chưa nói lên cái gì'

Image captionHình ảnh bạn đọc cung cấp tại cảng cá Đồng Hới
Hôm 5/5, đoàn kiểm tra của Bộ tài Nguyên - Môi trường bắt đầu đi thực tế kiểm tra tại nhà máy công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa.
Trong ngày 4/5, những hình ảnh bờ biển tại xã Nhơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình xuất hiện một dải nước màu đỏ nhạt.
Hiện tượng cá chết đã xuất hiện tại huyện này vài tuần trước.
Đài truyền hình Việt Nam VTV đưa tin các nhà khoa học đã lấy mẫu nước này để phân tích. Trên bản tin sáng 5/5, VTV nói: “Giáo sư khoa học Dương Đức Tiến, nguyên giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đưa nhận định chung khẳng định đây là hiện tượng thủy triều đỏ.”
Image copyrightOther
Image captionHiện tượng cá chết hàng loạt tại miền Trung đã làm dấy lên các cuộc xuống đường về môi trường tại Việt Nam
Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang nói với BBC rằng ông liên tục được cập nhật thông tin từ các đồng nghiệp về vụ này và đã “gửi các thông tin khoa học chúng tôi có cho các cơ quan.”
"Màu đỏ đấy và qua chụp hình chưa nói lên cái gì" và "phải chờ để phân tích. Về mặt khoa học, ông An nói "khoan khẳng định nguyên nhân cá chết," ông nói.
Khi được hỏi cá chết có thể liên quan thủy triều đỏ không khi ở Quảng Bình xuất hiện nước màu đỏ ngày 4/5, Tiến sĩ An nói "nếu dính dáng chỉ là sau này thôi". Ông giải thích:"Khi cá chết phân hủy, tạo môi trường dinh dưỡng trong nước, thì một số loài tảo cũng có thể phát triển" nhưng "Cá chết hàng loạt như vậy không phải là nguyên nhân bệnh lý cũng không phải tự nhiên mà là chịu tác động của chất thải".
Xem thảo luận trực tiếp về vụ cá chết hàng loạt, phát trực tiếp lúc 1930 giờ Việt Nam hôm 05/05 tại: http://bit.ly/1VL005P

Chất thải 'từ bờ ra'

Ông An nhận định: "Vậy ở miền Trung đấy, chất thải ở đâu ra. Có thể ngoài biển vào hoặc trong bờ ra. Trong trường hợp ở Vũng Áng thì ngoài biển vào chẳng có gì để thải cả.”
“Còn trong bờ ra thì ở Vũng Áng cá chết nhiều nhất có ba xí nghiệp nguồn thải ra biển: Một là xí nghiệp gang thép Hưng Nghiệp, còn gọi là Formosa, ngoài ra còn có Điện lực Vũng Áng, và thứ ba là Trung tâm Dịch vụ Hạ tầng Cơ sở Vũng Áng. Cả ba cơ sở này đều có nguồn thải ra biển thì hiện nay các cơ quan đang kiểm tra xác minh."
"Công nghiệp gang thép được đặt lên bàn để xem xét nhất, vì Formosa là công nghiệp lò cao. Nó sản xuất ra một tấn thép thì cũng kèm theo rất nhiều lượng phế thải. Do đó các cơ quan kiểm tra tập trung vào đấy" – Ông An cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Tác An nói thêm: "Chúng tôi và các nhà khoa học Việt Nam sử dụng một loạt ảnh viễn thám trong thời gian qua, để nghiên cứu tình trạng môi trường của nước, đặc biệt là nghiên cứu tình trạng sắc tố của nước, điều này có thể khẳng định tảo có nở hoa hay không thì có phát hiện được có hiện tượng nở hoa nhưng ở Vịnh Bắc Bộ."
Image copyrighttuoitre.vn
Image captionCó ba nhà máy ở khu vực Vũng Áng có xả thải ra biển - Tiến sĩ Nguyễn Tác An cho biết
"Nhiệt độ ở Vịnh Bắc Bộ cũng thay đổi, cho thấy hiện tượng nước dưới sâu trồi lên mang dinh dưỡng, cũng có khả năng tạo ra thủy triều đỏ.”
“Nhưng nguyên nhân để xác định là thủy triều đỏ là chưa chắc chắn."
BBC hỏi liệu còn có khả năng xác nhận được nguyên nhân thực sự, sau khi sự việc đã xảy ra bốn tuần, Tiến sĩ An cho biết: "Tất nhiên hàm lượng độc tố có thay đổi. Nhưng cần nhớ chất thải hoạt động liên tục, có thể lúc cao trào sản xuất hay súc ống thì có thể thải nhiều hơn.”
“Nhưng khi ra biển thì nó có khả năng trầm lắng dưới biển và ngày cá chết hàng loạt thì đã có các cơ quan lấy mẫu phân tích hóa học nhất là các độc tố trong nước, trầm tích. Chất độc có thể trầm lắng dưới trầm tích, người ta vẫn có thể tìm thấy."
Sau khi hiện tượng nước màu đỏ xuất hiện ở biển Quảng Bình, Sở Tài nguyên - Môi trường tại đây đã ra công văn khuyến cáo "người dân trong khu vực không được tắm biển hoặc sử dụng nước biển cho các hoạt động khác cho đến khi xác định được nguyên nhân và có thông báo kết quả chính thức từ cơ quan có thẩm quyền".
BBC đã gọi điện cho ông Lê Minh Ngân - Giám đốc Sở tài Nguyên- Môi Trường Quảng Bình để hỏi về quá trình kiểm nghiệm nước nhưng ông này nói "bận họp" và lập tức dập máy.

No comments:

Post a Comment