Thursday, May 5, 2016

Hạn hán trầm trọng ở Tây nguyên

Anh Vũ, thông tín viên RFA 2016-05-05   
000_Hkg8377545.jpg
Một cánh đồng lúa khô hạn ở Gia Lai , một tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam hôm 12/3/2013.  AFP photo
Tình hình hạn hán khu vực Tây nguyên đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, có tác động xấu đến sản xuất cũng như đời sống của người dân địa phương.
Nguồn nước cạn kiệt
Truyền thông nhà nước cho biết, những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2016, khu vực Tây nguyên đang ở tình trạng khô hạn trầm trọng, đã gây ra các thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến ngày 27/4, riêng tỉnh Đắk Lắk, có hơn 80.000 hecta cây trồng các loại bị hạn, trong đó gần 15.000 hecta mất trắng, thiệt hại khoảng 2.100 tỷ đồng, đã có 26.247 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Tại Kon Tum hiện có 32.500 người thiếu ăn, 2.800 hộ dân với 11.520 nhân khẩu bị thiếu nước sinh hoạt. Tình hình ở các tỉnh Đắc Nông, Gia Lai cũng tương tự.
Ông Y Doan ở Dak Rô, tỉnh Đắc Nông cho chúng tôi biết:
“Bây giờ hạn hán, nước ít không biết lấy nước ở đâu ra để tưới nữa, lúa và cá phê chết hết rồi vì thiếu nước. Không biết lấy nước ở đâu, vì không có nguồn nước. Không có nước thì đành phải bỏ thôi chứ biết làm sao? Bây giờ chỉ biết chờ nước mưa thôi.”
Anh Thạch, một người trồng cà phê ở Đắc lắc chia sẻ:
Bây giờ hạn hán, nước ít không biết lấy nước ở đâu ra để tưới nữa, lúa và cá phê chết hết rồi vì thiếu nước. Không biết lấy nước ở đâu, vì không có nguồn nước.
- Ông Y Doan, tỉnh Đắc Nông 
“So với các năm thì năm nay ở Tây nguyên nắng hạn nhiều nhất. Do nắng hạn gay gắt nên nước cũng chỉ đủ dùng cho sinh hoạt, còn việc nước tưới cho cây cà phê thì không đủ, vì thế nguy cơ mất mùa cà phê năm nay là rất lớn.”
Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hàng trăm hồ chứa ở các tỉnh Tây Nguyên chỉ còn khoảng 30-40% so với dung tích thiết kế. Tại Đăk Lăk đã có 255 hồ cạn nước, Đắc Nông 40 hồ cạn đáy và các hồ chứa ở Gia Lai chỉ còn từ 10-40% lượng nước dự trữ.
Trả lời câu hỏi về nguyên nhân của vấn đề hạn hán nghiêm trọng ở Tây nguyên hiện nay, qua thư điện tử ông Phạm Phan Long, Chủ tịch Viet Ecology Foundation, người chủ trương Hội Sinh Thái Việt tại Hoa kỳ cho chúng tôi biết:
“Nguyên nhân lớn nhất là khí hậu biến đổi ngày càng khắc nghiệt và có ỉt mưa hơn. Rừng che phủ đã bị phá quá nhiều không còn thảm chứa nước. Nhu cầu nước tăng lên do gia tăng canh tác và gia tăng dân số. Ngoài ra, việc còn phải cung cấp nước cho các sân cù, hay sân gôn. Trong khi đó, các hồ thủy điện vẫn tiếp tục tranh lấy nước ngay cả vào mùa khô. Ngòai ra ở Tây Nguyên có một đàn trâu tên Chinalco (Bauxite Tây nguyên) cũng đang âm thầm lấy nước và họ có khả năng được ưu tiên cung cấp nước cao hơn hết, nhưng điều này không hề thấy ai nhắc đến.”
Theo VnExpress, nhận định về tình hình khô hạn tại Tây Nguyên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Hoàng Văn Thắng cho rằng, đây là đợt El Nino kéo dài nhất trong lịch sử. Điều này đã khiến nhiệt độ tăng cao, lượng mưa ít gây thiếu nước nghiêm trọng, đe dọa đến sản xuất và đời sống của người dân ở đây.
Việc thiếu nước không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân ở khu vực. Theo Công ty Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk, do mực nước xuống thấp nên Công ty đã thực hiện lịch điều phối, cúp nước luân phiên trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Theo báo Người Lao động ngày 27/4/2016 cho biết, khoảng 1 tuần nay, một số trường học đã yêu cầu phụ huynh mang nước uống đến trường. Với lý do, các đơn vị sản xuất nước lọc không cung cấp vì hết nước. Tình trạng này cũng diễn ra ở một số địa phương khác.
Hỗ trợ dân cách nào?
Ông Y Doan cho biết, để khắc phục tình trạng khô hạn người dân ở đây phải tìm đủ mọi cách tìm nước để cứu mùa màng. Tuy nhiên, nhiều nơi người dân đã phải bất lực nhìn cây lúa, cây cà phê… chết khô. Ông nói:
“Nhiều nơi người ta phải khoan nước ngầm, song khoan nhiều chỗ cũng không có nước, bởi vì các anh cũng biết, Tây nguyên là vùng núi cao nên cũng khó lấy nước lắm. Suối thì cũng còn một ít nước, nhưng những chỗ cách đồng xa suối thì không lấy được nước.”
Nói về giải pháp lâu dài trong việc chống hạn ở Tây Nguyên, một cán bộ của Viện Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên không muốn nêu danh tính cho biết, lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên là không nhỏ nhưng do không giữ được nước, không chủ động được nguồn nước tưới tiêu cho cây trồng. Theo ông để giải quyết vấn đề này Nhà nước cần có kế hoạch phối hợp và khuyến khích người dân trong việc trữ nước. Ông tiếp lời:
“Gần đây mùa khô ở Tây nguyên kéo dài hơn bình thường, điều đó có tác hại ngày càng nhiều lên. Mặt khác, việc bùng nổ của cây công nghiệp ở Tây nguyên đã quá tải nên đã dẫn đến nguồn nước bị mất cân bằng. Do vậy cần có các giải pháp khác phục như thế nào đây, chứ nếu không cứ như hiện nay thì tôi nghĩ rằng sẽ là một nguy cơ. Vì vậy nếu chúng ta không có kế hoạch hay chương trình nạo vét các lòng hồ và trữ nước, thì việc dự trữ nước sẽ bị thu hẹp lại.”
Trong bối cảnh việc chống hạn nóng bỏng, cấp thiết ở Tây Nguyên hiện nay, về mặt quản lý nhà nước Bộ NN&PTNN đã yêu cầu các đơn vị liên quan và các địa phương khuyến khich nông dân thay đổ cơ cấu cây trồng, trồng loại cây ít sử dụng nước, hướng dẫn nông dân gieo cấy sớm hơn thường lệ. Đồng thời có kế hoạch nạo vét lòng hồ chứa nước, hệ thống kênh mương, khơi thông dòng chảy và chủ động lấy nước...
Chính quyền thấy người dân nghèo đói như thế này thì phải giúp người ta thôi, như về tiền nong trợ giúp cho các thiệt hại về lúa và cà phê chết khô.
- Ông Y Doan, tỉnh Đắc Nông
Trả lời câu hỏi sự giúp đỡ của chính quyền đối với người dân vùng khô hạn hiện nay như thế nào? Ông Y Doan cho biết:
“Cũng nghe họ nói có, nhưng từ trước đến giờ có thấy họ giúp cho đâu? Thấy bảo có vùng có, có vùng không. Nghe nói họ chỉ giúp những hộ nghèo, còn các hộ khác thì không trợ giúp?”
Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc đến một số chính quyền cấp Xã, cấp Huyện thuộc tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông để tìm hiểu về chủ trương của chính quyền trong việc giúp đỡ người dân ở khu vực nói trên. Nhưng không nhận được sự trả lời.
Trước các khó khăn mà người dân Tây Nguyên đang phải đối mặt với tình trạng khô hạn hiện nay, ông Y Doan có đề xuất kiến nghị với các cấp chính quyền. Ông bày tỏ:
“Chính quyền thấy người dân nghèo đói như thế này thì phải giúp người ta thôi, như về tiền nong trợ giúp cho các thiệt hại về lúa và cà phê chết khô. Mong nhà nước giúp cho những cái đó để người ta thoát đói, thế thôi.”
Theo Báo Đắk Lắk cho biết, chiều ngày 3/5/2016, tại khu vực TP. Buôn Ma Thuột xuất hiện cơn mưa ‘vàng’ kéo dài trong hơn 1 giờ, đã khiến một số tuyến phố của TP. Buôn Ma Thuột bị ngập nước. Theo ông Nguyễn Đại Ngưỡng – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh cho biết, lượng mưa đo được khoảng 50 mm, lớn nhất từ đầu mùa tới nay. Điều đó đã phần nào giải quyết được cơn khát cháy bỏng của Tây Nguyên trong lúc này.

No comments:

Post a Comment