Nam Nguyên, phóng viên RFA 2016-05-05
Một người phụ nữ thu gom nghêu chết trên một bãi biển ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh hôm 27/4/2016.
Nhà nước Việt Nam ngày càng chịu nhiều áp lực xã hội hơn đòi thực thi công lý đối với thảm họa môi trường biển Việt Nam. Hàng loạt kiến nghị, thư ngỏ hoặc tuyên bố của các nhóm, các tổ chức xã hội dân sự đã được gởi tới các cấp lãnh đạo Chính phủ.
Đòi sự công khai, minh bạch
Danh sách các bản kiến nghị được cập nhật với sự kiện 32 luật sư tham gia Liên danh Phục vụ Công lý hôm 4/5/2016 đã gởi kiến nghị số 2 cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Bộ ngành hữu quan. Họ đề nghị chính quyền công khai, minh bạch trong việc giải quyết thảm họa ô nhiễm và tạo điều kiện cho các đại diện của họ tình nguyện tham gia việc giám sát.
Điểm chung của hầu hết các thư ngỏ, kiến nghị liên quan đến thảm họa môi trường ven biển miền Trung đều có tiền đề là đòi chính quyền phải công khai minh bạch, thực hiện quyền tiếp cận thông tin của nhân dân và không dối trá, trấn áp để che đậy sự thật.
TS Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban Chính sách phát triển Liên Hiệp Quốc, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, từ Hà Nội nhận định:
Nguyên nhân cá chết từ đâu, thì ngay từ đầu bên Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đưa ngay ra là nhiễm kim loại nặng. Đấy là cơ sở khoa học ban đầu rất chuẩn xác, rất đáng tin cậy.
- LS Lê Văn Luân
“Theo tôi, hơn bao giờ hết trong tình hình có hiện tượng mất niềm tin và có sự thiệt hại đối với đồng bào miền Trung như thế, thì trước nhất là phải có sự công khai minh bạch, sự trung thực, phải có sự trả lời có căn cứ khoa học và phải vận dụng pháp luật, qui định trách nhiệm và trừng phạt một cách nghiêm minh tất cả những ai đã gây ra những tác hại này và đề bù cho đồng bào những người bị thiệt hại. Theo tôi đấy là yêu cầu xứng đáng và sự mong đợi của người dân Việt Nam, không những ở miền Trung mà ở toàn thể đất nước Việt Nam hiện nay.”
LS Lê Văn Luân ở Hà Nội, một trong số 32 luật sư ký tên vào cả hai bản kiến nghị của Liên danh Phục vụ Công lý cho biết, ngay từ đầu các luật sư đã theo dõi sát tình hình này, ngay trong bản kiến nghị lần 1 đã đề nghị Bộ Công an là khởi tố vụ án trước, chưa cần biết có bị can bị cáo nào hay không.
Khởi tối vụ án vì nó cực kỳ nguy hiểm mang tính đầu độc, những độc tố mạnh gây nguy hại trên diện rộng cho người dân, không chỉ về tài sản mà còn về môi trường, lẫn tính mạng và sức khỏe của người dân nữa. LS Luân cho biết một vài luật sư đã tiếp cận ngư dân ở Quảng Bình và Hà Tĩnh để tìm hiểu sự việc và sẵn sàng tư vấn hỗ trợ pháp lý cho ngư dân.
Có những ý kiến cho rằng, chính quyền đã che dấu thông tin, hoặc xử lý thông tin theo ý muốn về nguyên nhân sơ khởi gây ra thảm họa môi trường, làm cá chết hàng loạt. LS Lê Văn Luân nhận định:
“Nguyên nhân cá chết từ đâu, thì ngay từ đầu bên Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đưa ngay ra là nhiễm kim loại nặng. Đấy là cơ sở khoa học ban đầu rất chuẩn xác, rất đáng tin cậy vì là khẳng định lúc mới xảy ra thảm họa. Thế thì đấy chính là một vấn đề rồi, sau này họ lấy thông tin nào, căn cứ nào để phủ nhận, công bố ra sao thì lại là một điều khác.
Nhưng thông tin ngay từ đầu là nhiễm kim loại nặng, chất crom cao gấp 9 lần mức cho phép…Và một số người thợ lặn của bên Công ty Nibelc cũng bị nhiễm kim loại nặng là đồng…Thế thì đấy là dấu hiệu triệu chứng mà nó thể hiện ra thảm họa vào trong nước và nó đã được kiểm nghiệm. Cho nên chuyện công bố ngược lại thì tôi nghĩ có nhiều lý do, tôi không là người trong cuộc nên không dám khẳng định điều gì, nhưng đây là sự mâu thuẫn của các cơ quan nhà nước…đã mâu thuẫn rồi thì người dân biết tin vào đâu.”
Phép thử cho chính quyền
Bản Kiến nghị có đề nghị chính quyền cho phép LS Trần Vũ Hải và TS vật lý Nguyễn Văn Khải được tham gia giám sát các vùng biển miền Trung có hiện tượng cá chết hàng loạt. Phát biểu với Đài Á châu Tự do, TS Nguyễn Văn Khải nói:
“Chuyện đơn giản có gì phải nói nhiều, vấn đề là có làm đúng hay không, có làm thật hay không? Người ta chiếu trên truyền hình VTV1 về các nhà khoa học nước ngoài và các nhà khoa học Việt Nam đang nghiên cứu nguyên nhân cá chết. Điều đơn giản nhất người ta nói là có thứ nước màu vàng có thứ nước màu đỏ, nhưng sao không quay những đoạn đó đưa lên cho mọi người nhìn. Làm sao tôi tin được là ông lấy thứ nước ấy, ông lấy nước từ đâu tôi không biết…”
Mở đầu loạt bạch thư, kiến nghị liên quan đến thảm họa cá chết hàng loạt, phải nói đến Tuyên bố về tội ác đầu độc biển miền Trung Việt Nam đưa ra hôm 28/4. Bản tuyên bố này được gần 600 người ký tên sau mấy ngày đưa lên mạng. Những người ký tên gồm đủ mọi giới từ trí thức học giả cho tới những người dân bình thường.
Đã đến lúc phải lên tiếng, phải cảnh báo và phải bằng áp lực xã hội để buộc những người có quyền quyết định phải lắng nghe ý kiến của người dân và phải cân nhắc những vấn đề môi trường.
- TS Nguyễn Quang A
Bản tuyên bố yêu cầu nhà cầm quyền 6 điểm, trước hết là hỗ trợ ngư dân khôi phục sự sống cả trước mắt và lâu dài. Điểm đáng chú ý khác là đòi nhà cầm quyền sẵn sàng xóa bỏ dự án Formosa, nếu những nguy hiểm tiềm tàng mà dự án gây ra không thể triệt tiêu được. Bản Tuyên bố cũng đòi nhà nước kỷ luật các quan chức trung ương và địa phương vô trách nhiệm và có thể có tham nhũng, tiêu cực trong việc xử lý vụ đầu độc biển miền Trung…
Kế tiếp là nhiều kiến nghị, thư ngỏ gởi Thủ tướng và các Bộ trưởng trong chính phủ. Trong số này đáng lưu ý có kiến nghị cựu đại sứ Nguyễn Trung, thư ngỏ của chuyên gia môi trường TS Tô Văn Trường và kiến nghị của 7 vị linh mục đại diện 18.000 giáo dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Tất cả đều mong muốn chính quyền sửa sai, công khai minh bạch xử lý khủng hoảng môi trường các tỉnh ven biển miền Trung, không lập lại những chính sách sai lầm có thể ảnh hưởng tới giống nòi mai sau.
TS Nguyễn Quang A, nhà phản biện độc lập ở Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, người ký tên đầu tiên vào Tuyên bố về tội ác đầu độc biển miền Trung Việt Nam từng phát biểu với đài Á châu Tự do:
“Đã đến lúc phải lên tiếng, phải cảnh báo và phải bằng áp lực xã hội để buộc những người có quyền quyết định phải lắng nghe ý kiến của người dân và phải cân nhắc những vấn đề môi trường, không thể có chuyện đánh đổi tăng trưởng lấy môi trường, hủy hoại môi trường…”
Áp lực xã hội như mô tả của nhà hoạt động TS Nguyễn Quang A, chưa bao giờ được thể hiện mạnh mẽ như hiện nay. Áp lực đó tới từ sự phẫn nộ không chỉ của người dân các tỉnh ven biển miền Trung, nơi thảm họa môi trường xảy ra. Nó đã được sự đồng cảm của người dân cả nước và đã hiện thực hóa thành những cuộc biểu tình ở cả ba miền Nam-Trung-Bắc.
Sau một tháng đầy lúng túng mà ngay chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải nhìn nhận. Báo chí quốc tế bình luận rằng, thảm họa môi trường ven biển miền Trung đang là một phép thử về khả năng xử lý khủng hoảng của tân chính phủ.
No comments:
Post a Comment