Thursday, May 5, 2016

Trung Quốc tập trận, 3 nước ASEAN hợp tác tuần tra

BẮC KINH (NV) - Ðúng vào lúc Trung Quốc khởi động cuộc tập trận tại Biển Ðông, Indonesia, Malaysia và Philippines tuyên bố hợp tác tuần tra tại vùng biển này để chống “hải tặc.”

Theo Tân Hoa Xã thì các chiến hạm của hạm đội Nam Hải đã nhổ neo, rời khỏi cảng Tam Á để “bắt đầu cuộc tập trận thường niên tại Biển Ðông và các vùng biển lân cận.” Ngoài những khu trục hạm có trang bị hỏa tiễn định hướng, tham gia cuộc tập trận năm nay còn có các vận tải hạm và điểm đáng chú ý là lẩn này, các chiến hạm của hạm đội Nam Hải sẽ phối hợp với lực lượng đang đồn trú tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa để luyện tập, nâng cao khả năng chiến đấu.


Chiến hạm của Philippines tuần tra tại Sulu - vùng biển nằm giữa Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei. (Hình: Tân Hoa Xã)

Song song với việc “luyện tập” tại Biển Ðông, hạm đội Nam hải của Trung Quốc còn “luyện tập” ở phía Tây Thái Bình Dương và phía Ðông Ấn Ðộ Dương. Cũng theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc tập trận khác tại Biển Ðông. Ngoài các khu trục hạm, sẽ có cả sự tham gia của tàu ngầm.

Ðúng vào ngày Trung Quốc loan báo về cuộc tập trận thường niên tại Biển Ðông, bà Retno Marsudi, ngoại trưởng Indonesia, loan báo, Indonesia, Malaysia và Philippines sẽ phối hợp để thực hiện các cuộc tuần tra để ngăn ngừa “hải tặc” ở Biển Ðông. Ba quốc gia hiện là thành viên của ASEAN đã thỏa thuận sẽ “thành lập Trung Tâm ƯÔng Phó Khủng Hoảng” nhằm “chia sẻ thông tin và xử lý những trường hợp khẩn cấp ở Biển Ðông.”

Indonesia, Malaysia và Philippines nằm trong nhóm các quốc gia thành viên của ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Ðông. Trước đây, chỉ có Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền ở biển Ðông. Gần đây có thêm Indonesia phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Ðông vì phát giác yêu sách này xâm phạm chủ quyền của Indonesia tại quần đảo Natuna.

Không thấy đại diện của Việt Nam và Brunei tham dự hội nghị vừa diễn ra ở Indonesia. Chưa rõ trong tương lai, Việt Nam có phối hợp với Indonesia, Malaysia và Philippines tuần tra biển Ðông và tham gia vào hoạt động của “Trung Tâm ƯÔng Phó Khủng Hoảng” tại Biển Ðông hay không.

Năm 2006 Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan đã từng soạn thảo bộ “Quy tắc về tuần tra tại eo biển Malacca.” Bà Marsudi cho biết, hoạt động phối hợp tuần tra và vận hành “Trung Tâm ƯÔng Phó Khủng Hoảng” tại Biển Ðông sẽ dựa trên bộ quy tắc này.

Cũng cần nhắc lại là hồi giữa năm ngoái, đại diện Singapore, Indonesia và Malaysia từng thảo luận về việc hợp tác tuần tra chung tại biển Ðông nhằm “ngăn chặn và tiễu trừ hải tặc.”

Vào thời điểm đó, tư lệnh Hạm Ðội 7 của Hải Quân Hoa Kỳ đã từng dẫn trường hợp hải quân nhiều quốc gia từng hợp tác tuần tra tại vịnh Aden nhằm chống hải tặc như một dẫn chứng minh họa cho tính hiệu quả của việc thành lập lực lượng tuần tra chung tại Biển Ðông.

Tư lệnh Hạm Ðội 7 lúc đó từng nhấn mạnh, các quốc gia trong một khu vực có thể hợp tác với nhau để bảo đảm an ninh hàng hải mà không xâm hại chủ quyền của quốc gia khác.

Tuy việc thành lập lực lượng tuần tra chung tại Biển Ðông không đơn giản nhưng ông khẳng định, nếu ASEAN muốn thực hiện việc tuần tra chung ở Biển Ðông, Hạm Ðội 7 của Hải Quân Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ. Tuy nhiên những cuộc thảo luận về việc hợp tác tuần tra chung tại biển Ðông giữa Singapore, Indonesia và Malaysia chẳng đi đến đâu. (G.Ð)

05-05-2016 4:46:34 PM 

No comments:

Post a Comment