Câu hỏi trên có thể trở nên một ẩn số thú vị khi thủ tướng đương nhiệm vẫn bị một số dư luận cho là “không ăn rơ” với thủ tướng đã về vườn.
Có thể ông Dũng lẫn ông Phúc đều không biết tác giả của mô hình “nhà nước kiến tạo phát triển” là ai.
Vào đầu tháng 5/2016, trong một phiên họp nội các chính phủ, ông Nguyễn Xân Phúc đã khiến nhiều người bất ngờ khi nhắc lại khái niệm “nhà nước kiến tạo”, mà có thể hiểu như một chủ trương còn đang thai nghén về ý tưởng.
Cách đây hơn hai năm, khái niệm trên đã bật ra từ “thông điệp đầu năm 2014” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Những nội dung then chốt như “xóa độc quyền”, “nhà nước kiến tạo phát triển” và cả “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” trong bản thông điệp chưa có tiền lệ này đã khiến một số tờ báo nhà nước và trí thức theo đường lối “phản biện trung thành” lâm vào cơn “lên đồng”. Quá nhiều mỹ từ được tung ra để ca ngợi Thủ tướng Dũng và coi ông như nhân vật cải cách số một của Việt Nam.
Tuy nhiên hai năm sau cho tới khi ông Nguyễn Tấn Dũng bất ngờ bị loại khỏi Bộ chính trị, đã không có bất cứ nội dung nào trong bản thông điệp đầu năm 2014 được thành hình. Thậm chí tất cả tan từ trứng nước và nhiều người ủng hộ ông Dũng đã phải bày tỏ nỗi thất vọng tràn trề.
Không chỉ một trí thức đã phải nói thẳng rằng rất nhiều khả năng ông Nguyễn Tấn Dũng không hiểu khái niệm “nhà nước kiến tạo phát triển” được lồng ghép trong bản thông điệp đầu năm 2014 là gì. Ông Dũng chắc chắn cũng không biết tác giả của mô hình “nhà nước kiến tạo phát triển” - học giả có tên Chalmers Ashby Johnson, một giáo sư người Mỹ, giảng dạy tại Đại học California - là ai…
Khi người thay thế Nguyễn Tấn Dũng “chỉ đạo” về “nhà nước kiến tạo”, Đài BBC đã chú ý đến phát ngôn này. Đài này bình luận rằng tân Thủ tướng Việt Nam trong thời gian đầu mới nhậm chức đang có nhu cầu hành động, muốn tỏ ra “năng nổ”, muốn “có cái mới”. Tuy nhiên, một kinh tế gia người Việt từ Cộng hòa Liên bang Đức là ông Tôn Thất Thông lại cho rằng: “Ông này nói nhà nước kiến tạo, thì thực ra tôi cũng không hiểu ông này ông muốn cái gì trong chỗ này, thật ra trong nhà nước, trong Hiến pháp đã nói rõ Việt Nam là một nhà nước pháp quyền, thì cứ nên dừng ngang chỗ nhà nước pháp quyền đó mà bàn”.
Trong mấy năm qua, khái niệm “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” trở nên rất thịnh hành ở Việt Nam, được nhắc đến rất nhiều trên mặt báo chí nhà nước và phát ngôn của giới lãnh đạo. Tuy thế, cho tới nay vẫn không có bất kỳ nội dung cơ bản nào được cụ thể hóa cho khái niệm này. Chỉ tới trước đại hội 12 và lồng trong cuộc xung đột quyền lực ghê gớm giữa các nhóm chính trị, vài lý thuyết gia chế độ mới đề cập một cách ẩn ý về “cơ chế kiểm soát quyền lực”, mà cách nào đó có thể hiểu là “tam quyền phân lập”.
Vậy tâm trạng và não trạng của Thủ tướng Phúc hiện thời ra sao?
Có thể hình dung ông Phúc đang quá khó khăn trước một mớ hậu quả hỗn độn khủng khiếp do thời Nguyễn Tấn Dũng để lại. Một vài động tác trấn an giới doanh nghiệp của ông Phúc đã nhanh chóng bị chìm lắng trước “thiên thời” không ủng hộ ông là vụ “cá chết Formosa”.
Hơn nữa, Nguyễn Xuân Phúc còn phải trải qua vòng “bầu lại” nơi Quốc hội Việt Nam, mà nếu không cẩn thận thì xác suất thất bại vẫn có thể đến với ông.
Nếu “nhà nước kiến tạo” được hiểu theo nghĩa giảm bớt sự quản lý của nhà nước bằng “dân chủ từ dưới lên” với ý kiến phản biện của người dân, chế dộ Việt Nam vẫn đang hoàn toàn giậm chân tại chỗ. “Quy chế dân chủ cơ sở” đã được ban hành nhiều năm trước, nhưng cho tới nay vẫn không có bất kỳ một tiến bộ nào. Thực tế toàn bộ giới tự ứng cử độc lập quốc hội bị chính quyền thẳng tay gạt bỏ là một bằng chứng quá hùng hồn về tinh thần “kiến tạo” ấy.
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment