CẦN THƠ (NV) - Sông Hậu Giang trong xanh như nước biển do lượng phù sa từ thượng nguồn Mekong về miền Tây ngày càng ít. Việc này là hiểm họa có thể làm tan rã miền Tây. Tin Thanh Niên.
Theo giới khoa học, nước càng trong chứng tỏ phù sa càng ít. (Hình: Thanh Niên)
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái sông Mekong cho rằng, bản chất của miền Tây Việt Nam là được hình thành bằng phù sa lấn ra biển từ 6,000 năm trước.
“Phù sa mất dần, lượng phù sa bồi đắp không đủ sức ‘lấn’ ra biển thì tất yếu sẽ có một quá trình ngược lại là tan rã. Và quá trình này sẽ chỉ tính bằng thế kỷ,” ông Thiện nói.
Theo mô tả của phóng viên Thanh Niên, từ cầu Cần Thơ nhìn xuống mặt nước phía gần cồn Phù Sa, thành phố Cần Thơ có thể thấy, vài vệt phù sa trôi dập dềnh giữa dòng nước trong xanh bao phủ toàn bề mặt sông Hậu Giang.
Ông Tư Hài (72 tuổi), một ngư dân cố cựu sinh sống ở xóm Đáy, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long cho biết, nước sông Hậu Giang năm nay trong hơn mọi năm rất nhiều. Nước sông không có phù sa, rong tảo, trứng nước... cá tôm cũng ngày một cạn kiệt. Cuộc sống mưu sinh của các ngư dân trên sông Hậu ngày một khó khăn.
Nói với phóng viên Thanh Niên ngày 17 tháng 5, ông Dương Văn Ni, giảng viên trường đại học Cần Thơ cho rằng, hạn mặn khốc liệt đã thu hút toàn bộ sự chú ý vào nguồn nước. Trung Quốc xả đập thủy điện hồi tháng 3 và tháng 4 cũng dễ dàng “đánh lừa” mọi chú ý vào nước như một hành động “cứu trợ nước kịp thời.” Tuy nhiên thực tế không có tác dụng gì, bởi nguồn nước họ xả ra vẫn thấp hơn mọi năm, không thấm thía vào đâu.
Theo ông Ni, có một thực tế là nếu thiếu nước ngọt vẫn còn có thể chờ mưa, trữ nước, hoặc chở nước từ thượng nguồn về. Còn phù sa bị thủy điện ngăn lại sẽ mất đi vĩnh viễn không gì bù đắp được. Khi đó, sụt lún (bao gồm cả sụt lún tự nhiên, sụt lún do khai thác nước ngầm), sạt lở, nước biển dâng sẽ đáng sợ hơn rất nhiều.
Ông Marc Goichot, chuyên gia Quỹ Quốc Tế Bảo Vệ Thiên Nhiên chia sẻ, năm 1992 lượng phù sa trên sông Mekong khoảng 160 triệu tấn/năm, nhưng đến năm 2014 chỉ còn khoảng 75 triệu tấn/năm, tức đã giảm trên 50% so với hơn 20 năm trước. Nguyên nhân chính gây ra sự di chuyển phù sa bồi đấp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long chính là các đập thủy điện. (Tr.N)
18-05-2016 2:31:17 PM
No comments:
Post a Comment