Ông Trần Văn Huỳnh, thân phụ Trần Huỳnh Duy Thức
Nhật Bình/Người Việt
SÀI GÒN (NV) - Mấy ngày qua, giới hoạt động dân chủ trong cũng như ngoài nước quan tâm đến tình hình sức khỏe của tù nhân lương tâm nổi tiếng - Kỹ Sư Trần Huỳnh Duy Thức (THDT). Có tin tức cho biết, CSVN ép ông sang Mỹ nhưng ông từ chối và quyết định “tuyệt thực đến chết” vào ngày 24 Tháng Năm. Trước tin tức này, chúng tôi gặp ông Trần Văn Huỳnh, thân phụ ông Trần Huỳnh Duy Thức, vào ngày 18 Tháng Năm, để biết thông tin chính xác.
Ông Trần Văn Huỳnh tại tư gia lúc trả lời phỏng vấn của Người Việt. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)
***
Nhật Bình (Người Việt): Thưa ông, những ngày qua có thông tin chính quyền CSVN muốn ép anh Trần Huỳnh Duy Thức đi Mỹ và anh Thức phản đối bằng cách tuyên bố tuyệt thực từ ngày 24 Tháng Năm, thực hư chuyện này thế nào?
Ông Trần Văn Huỳnh (TVH): Ngày 14 Tháng Năm, đại gia đình chúng tôi gồm 14 người từ Sài Gòn đi đến trại giam Số 6 tại xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Đó là chuyến đi dài và mệt mỏi. Khi đến trại giam, tiếp chúng tôi là hơn 30 cán bộ và công an.
Họ cho chúng tôi vào phòng thăm gặp sau khi yêu cầu tất cả mọi người để lại tất các thiết bị ghi âm, ghi hình, điện thoại bên ngoài xe hoặc gửi bảo vệ trại giam giữ bên ngoài. Họ dẫn Thức đến căn phòng, bị ngăn cách với gia đình bởi một tấm kính dày, chúng tôi chỉ được trò chuyện qua điện thoại có sẵn. Nhìn Thức khá ốm yếu như bị kiệt sức, hai mắt thâm quầng.
Xung quanh Thức có 5 công an giám sát theo dõi và 2 công an mỗi bên ghi chép lại tất cả những gì Thức và gia đình trao đổi qua điện thoại. Bầu không khí khi đó thật đáng sợ.
Trong khi nói chuyện, chúng tôi hỏi Thức vì sao bị chuyển ra trại giam ở tận Nghệ An xa xôi này. Thức cho biết, anh cũng không được cho biết lý do. Thức nói với gia đình là vào ngày 5 Tháng Năm vừa qua, khi đang nằm nghỉ (trong phòng giam ở trại giam Xuyên Mộc) thì một vài công an trại giam đến và yêu cầu đi ra ngoài.
Thức từ chối làm theo yêu cầu của công an trại giam này vì không có lệnh bằng văn bản của người có thẩm quyền. Vì vậy Thức bị công an trại giam Xuyên Mộc còng tay, bịt miệng, đưa lên xe và chở ra trại giam ở Nghệ An.
Thức cho biết đã bác lời đề nghị cho ra tù và đi Mỹ từ phía chính quyền Việt Nam. Vào gần cuối buổi thăm, Thức mới nói xin lỗi cả gia đình vì quyết định sẽ tuyệt thực không thời hạn từ ngày 24 Tháng Năm sắp tới, tức đúng 7 năm ngày bị nhà cầm quyền CSVN bắt giam. Thức đã nói với tôi là: “Thưa Ba, con không thể sống trong một đất nước không tôn trọng pháp luật và không có quyền con người. Con yêu gia đình lắm, nhưng con yêu Việt Nam hơn. Con quyết định tuyệt thực kể từ ngày 24 Tháng Năm không thời hạn để đòi hỏi sự thượng tôn pháp luật và yêu cầu trưng cầu dân ý trao cho nhân dân quyền quyết định thể chế chính trị của đất nước.”
Đại gia đình Trần Huỳnh Duy Thức mặc áo in hình của anh, để bày tỏ thái độ ủng hộ việc làm của người thân. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)
NV: Là một người cha, ông nghĩ thế nào về quyết định của con mình?
TVH: Về quyết định không đi Mỹ thì tôi không bận tâm lắm, nhưng khi Thức cho biết sẽ dùng biện pháp tuyệt thực để phản đối trại giam, cả gia đình tôi nghẹn ngào trong nước mắt. Vì tình cảm gia đình nên đã cố thuyết phục Thức rút lại lời tuyên bố nhưng Thức vẫn giữ quyết định.
Đó là tình cảm gia đình. Còn riêng bản thân tôi, là một người cha, tôi rất đau lòng khi con mình phải chịu nhiều thiệt thòi, chỉ vì dám lên tiếng để góp phần xây dựng đất nước. Thế nhưng như Thức đã nói với tôi lúc đó, là “nếu đó là định mệnh, con sẵn sàng chết cho mục tiêu để người dân Việt Nam sớm nhìn thấy một đất nước thượng tôn pháp luật, tôn trọng quyền con người.”
Khi tôi nghe Thức nói như vậy thì dường như tình cảm xác thịt giữa người cha đối với một người con như tan biến. Mà thay vào đó là niềm tự hào, hãnh diện về đứa con kiên cường bất khuất của mình.
NV: Được biết ngày 22 Tháng Năm Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama, sẽ sang thăm Việt Nam. Nếu có lời muốn nhắn gửi đến ngài tổng thống, ông sẽ nói gì?
TVH: Tôi đánh giá cao chuyến đi lần này của vị tổng thống Hoa Kỳ đến Việt Nam. Tôi mong muốn trong mọi vấn đề giao thương đàm phán của hai nước, thì phía hành pháp Hoa Kỳ, cụ thể ở đây là Tổng Thống Obama, phải đặt nặng vấn đề “nhân quyền” vào. Vì không thể có một chính quyền nào suốt ngày chỉ biết bắt bớ các tiếng nói đối lập, mà có thể thật tâm muốn giao thương làm bạn với các nước khác được hết.
Tôi mong chính quyền của Tổng Thống Obama có thể gây sức ép mạnh hơn nữa, nhằm làm giảm bớt các vụ vi phạm nhân quyền như vừa qua là đánh đập người biểu tình. Đặc biệt là trường hợp của Trần Huỳnh Duy Thức, ngài tổng thống có thể yêu cầu phía Việt Nam trả tự do một cách vô điều kiện, chứ không phải ép buộc người dân của mình phải đi Mỹ.
Tôi hy vọng sau chuyến viếng thăm lần này, phía Việt Nam sẽ có thiện chí hơn, thật tâm hơn trong vấn đề nhân quyền, để cải thiện bộ mặt của chính quyền trước quốc tế.
NV: Xin cảm ơn ông. Kính chúc ông nhiều sức khỏe, để tiếp tục hành trình đấu tranh đòi công lý cùng con mình.
TVH: Xin cám ơn quý báo.
No comments:
Post a Comment