Một trong sáu tàu cũ mà Nhật viện trợ để lực lượng kiểm ngư của Việt Nam sử dụng.
Nhật sẽ cho Việt Nam vay để mua 20 tuần duyên hạm mới dành cho hải cảnh. (Hình: Đất Việt)
Bởi Nhật liên tục khẳng định sẽ thực hiện tất cả các giải pháp cần thiết để bảo vệ quyền tự do lưu thông ở Biển Đông, chỉ ủng hộ việc giải quyết tranh chấp về chủ quyền bằng các biện pháp ôn hòa theo đúng luật pháp quốc tế, đồng thời luôn tỏ ra rất rộng rãi trong việc hỗ trợ các thành viên ASEAN, nên quan hệ giữa Nhật với nhiều quốc gia Đông Nam Á càng ngày càng chặt chẽ. Vào lúc này, ông Fumio Kishida, ngoại trưởng Nhật đã và đang thăm nhiều quốc gia Đông Nam Á và sự tin cậy mà nhiều quốc gia Đông Nam Á dành cho Nhật có thể là nguyên do chính khiến Trung Quốc phẫn nộ.
Tại Lào, khi hội đàm với ông Thongloun Sisoulith, thủ tướng Lào, ngoại trưởng Nhật thẳng thắn bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với Lào - quốc gia đang đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN để giảm mức độ căng thẳng tại Biển Đông. Tuy chủ tịch nhà nước Lào vừa ký một hiệp định với Trung Quốc, tái khẳng định sẽ gia tăng sự hợp tác với Trung Quốc “nhằm duy trì hòa bình và sự ổn định cả trong khu vực lẫn trên thế giới” nhưng thủ tướng Lào đã hứa với ngoại trưởng Nhật là sẽ cố gắng hành xử công bằng, thiện chí trong vấn đề Biển Đông vì Lào là bạn của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc.
Ở Việt Nam, trong cuộc hội đàm mới nhất với ngoại trưởng Nhật, ngoại trưởng Việt Nam tiếp tục đề nghị Nhật cung cấp các tuần duyên hạm để năng cao năng lực phòng vệ bờ biển. Nhật nhìn nhận rõ ràng Việt Nam cần những tuần duyên hạm mới và khẳng định Nhật sẽ đáp ứng sau khi cân nhắc về ngân quỹ, số lượng, thời điểm, cũng như cách thức chuyển giao. Ngoài chuyện tiếp tục giúp Việt Nam gia tăng tăng khả năng tự vệ và thực thi luật pháp trên biển, ngoại trưởng Nhật cũng đã ký một thỏa thuận, hứa cho Việt Nam vay $200 triệu với lãi suất ưu đãi để giúp Việt Nam cải tạo hệ thống nước thải ở Sài Gòn.
Nhật cũng vừa mới công bố kế hoạch viện trợ $6.8 triệu trong ba năm để củng cố và phát triển cả hạ tầng lẫn nguồn nhân lực cho khu vực hạ lưu sông Mekong mà phía thụ hưởng là bốn quốc gia: Lào, Thái Lan, Cambodia, Việt Nam, sau khi đã lập ra một quỹ hỗ trợ ASEAN trị giá $100 triệu.
Có thể vì các kế hoạch hỗ trợ phòng vệ dành cho Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia,... và chương trình viện trợ phát triển ASEAN của Nhật đang góp phần làm suy giảm đáng kể ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á nên Trung Quốc nhấp nhổm như ngồi trên lửa.
Ông Hồng Lỗi, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, vừa cảnh cáo Nhật nên ngưng ngay sự hiện diện tại Biển Đông vì Nhật không có bất kỳ mối liên quan nào đến vùng biển này. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhận định, Nhật đang “hoang tưởng về vai trò của mình đối với Biển Đông.” Giống như những lần chỉ trích trước, ông Hồng Lỗi lại lôi “quá khứ xấu xa” của Nhật là “chiếm đóng bất hợp pháp các đảo và bãi đá ở Biển Đông hồi Đệ Nhị Thế Chiến” ra cảnh báo các thành viên ASEAN là Nhật đang “che đậy tham vọng đối với Biển Đông.”
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc công khai “khuyên” Nhật rằng đừng dính vào Biển Đông nữa. (G.Đ)
05-06-2016 1:44:26 PM
No comments:
Post a Comment