Monday, May 2, 2016

Khi nào có thể khởi tố vụ án cá chết?

 BÌNH MINH-10:04 02/05/2016 
BizLIVE - Hôm 1/5, phát biểu kết luận tại cuộc làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an khẩn trương thu thập toàn bộ chứng cứ, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật, không phân biệt tổ chức, cơ quan hay cá nhân nào.

Khi nào có thể khởi tố vụ án cá chết?
Cá đục chết hàng loạt, ruồi nhặng, dòi bọ bâu đầy gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: T.Nhung.
Khả năng cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc điều tra đã có thể nhìn thấy trước sau khi Bộ Tài nguyên và môi trường họp báo công bố bước đầu khoanh vùng hai nhóm nguyên nhân gây ra thảm họa, trong đó nói có nguyên nhân là do tác động của độc tố hoá học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. 
Mặc dù cho đến thời điểm này chưa có bằng chứng nào kết luận mối liên hệ của Formosa đến cá chết hàng loạt, tuy nhiên nhiều mối nghi ngờ vẫn đang hướng về nhà máy này khi đường ống xả thải bị chôn ngầm dưới mặt nước biển, điều mà theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa thừa nhận là pháp luật Việt Nam không cho phép. 
Vụ việc càng được dư luận quan tâm khi thời điểm Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 chuẩn bị có hiệu lực (1/7/2016), thay thế BLHS năm 1999, trong đó có quy định việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Với hậu quả hàng trăm tấn cá biển tự nhiên và cá nuôi chết hàng loạt, câu hỏi đặt ra là, có thể khởi tố vụ án để điều tra, truy tìm nguyên nhân của thảm họa này hay không?
Trả lời câu hỏi này của phóng viên, theo Luật sư Lê Văn Kiên, Đoàn luật sư Hà Nội, thời điểm hiện nay, do BLHS chưa có hiệu lực nên nếu thảm họa môi trường trên là do một doanh nghiệp gây ra thì cũng chưa có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với doanh nghiệp đó. Cơ quan điều tra chỉ có thể xử lý hình sự đối với thủ phạm là cá nhân gây ra thảm họa môi trường nghiêm trọng này, nếu đó là hậu quả của hành vi do con người gây ra.
Theo Điều 183 BLHS năm 1999 về tội "gây ô nhiễm nguồn nước" thì "Người nào thải vào nguồn nước dầu mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép, các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại và gây dịch bệnh hoặc các yếu tố độc hại khác, đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm".
Vậy, để việc điều tra có hiệu quả, có cần thiết phải khởi tố hình sự để điều tra hay không? Luật sư Nguyễn Chí Đại, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Lai Châu cho rằng, về khách quan, chúng ta đã xác định được hậu quả, xác định được hành vi cả một số tổ chức có dấu hiệu của việc xả chất thải ra môi trường. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hành vi xả thải và hậu quả là cá chết thì chưa xác định được. Do đó, đến thời điểm này,  cũng chưa có cơ sở để quy kết trách nhiệm hành chính cho tổ chức bị ghi ngờ và trách nhiệm hình sự đối với người đại diện của tổ chức đã ra quyết định "xả thải".
Hơn nữa, để khởi tố cá nhân về tội danh "gây ô nhiễm nguồn nước" (theo BLHS 1999) buộc phải có điều kiện là cá nhân vi phạm "đã bị xử lý hành chính" về hành vi gây ô nhiễm môi trường, thì mới đủ điều kiện hình sự.
Trong khi đó, hầu hết các sự kiện gây ô nhiễm môi trường do pháp nhân gây ra thì pháp nhân bị xử lý hành chính chứ không phải cá nhân. Cũng không thể lấy lý do pháp nhân đã bị xử lý hành chính để xử lý hình sự người đứng đầu pháp nhân. Do đó, rất khó để xử lý hình sự đối với cá nhân. Do vậy, việc khởi tố vụ án để truy cứu trách nhiệm thủ phạm làm chết cá trong trường hợp này hoàn toàn không phải là việc đơn giản. 
Bên cạnh đó, khởi tố vụ án cũng không phải là giải pháp hợp lý nhất trong tình huống này. Sự kiện cá chết hàng loạt, vừa là sự kiện cần lý giải về khoa học, kỹ thuật vừa là sự kiện cần quy kết trách nhiệm pháp lý.
Nếu các cơ quan quản lý chuyên ngành như Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Khoa học - công nghệ chứng minh được nguyên nhân cá chết hàng loạt là do lỗi của tổ chức, cá nhân gây ra chứ không phải là do bất thường của môi trường tự nhiên, lúc đó mới cần khởi tố vụ án để các cơ quan pháp luật xử lý trách nhiệm.
Việc khởi tố vụ án trước khi xác định được nguyên nhân chính xác có thể khiến cơ quan khởi tố rơi vào thế "việt vị" vì vụ án có thể phải đình chỉ do không tìm được bị can.
Tình huống này cũng cho thấy sự bất cập của chính sách hình sự đang tồn tại trong BLHS 1999. Nếu so sánh quy định về gây ô nhiễm môi trường do xả thải trái pháp luật giữa BLHS 1999 và BLHS 2015 thấy, quy định của BLHS 2015 cụ thể và rõ ràng hơn nhiều. Trong đó, BLHS năm 2015 có nhiều thay đổi về quy định liên quan đến tội phạm này. Hành vi gây ô nhiễm nguồn nước được quy định chung trong một tội về  gây ô nhiễm môi trường và áp dụng cho cả cá nhân, pháp nhân.
Theo đó, hành vi gây ô nhiễm nguồn nước được quy định là hành vi '"xả thải ra môi trường từ 5.000 m3/ngày đến dưới 10.000 m3/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên" thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm (Điều 235 BLHS).
Và theo quy định mới sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2016, cũng không cần chờ đến khi cá chết hay phải bị xử lý hành chính, nếu tổ chức, cá nhân nào xả ra môi trường khối lượng từ 5.000m3/ngày đêm nước thải vượt tiêu chuẩn môi trường từ 10 lần trở lên là có thể bị xử lý hình sự ngay. Quy định này rất cụ thể và đảm bảo tính khả thi để xử lý vụ việc như đang xảy ra.
Trong cuộc họp ngày 1/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải tìm cho ra thủ phạm và không bao che, cho dù là tổ chức hay cá nhân nào nhưng việc không hình sự hóa các quan hệ hành chính, thương mại cũng là chủ trương mà chỉ cách đây ít hôm Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải quán triệt và thực hiện đúng. Và quan trọng hơn hết, lúc này cần sự nhanh chóng, khách quan và chí công vô tư của các cơ quan khoa học, cơ quan bảo vệ pháp luật để thủ phạm được nhanh chóng đưa ra ánh sáng, tạo niềm tin cho người dân.
BÌNH MINH

No comments:

Post a Comment