Chân dung quan chức Nguyễn Khắc Chử (trái) tái đắc cử bí thư Tỉnh ủy Lai Châu. (Hình: Internet)
Tháng 4/2016, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Lai Châu lần thứ nhất, quan chức Nguyễn Khắc Chử, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu đã đề xuất "xin" Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sớm cho xây dựng sân bay ở tỉnh này.
Sau đó, Nguyễn Xuân Phúc “gật” về chủ trương.
Nhưng ông Phúc có biết đâu rằng với một nửa dân số thuộc diện nghèo, ngân sách eo hẹp, kinh tế khó khăn..., tỉnh Lai Châu lấy nguồn nào để xây dựng sân bay lên tới 8,000 tỉ đồng?
Với 86% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, toàn tỉnh có đến 33% dân số trên 15 tuổi chưa biết chữ. Đây là tỉ lệ thấp trong phổ cập giáo dục của đất nước.
Trong khi đòi xây sân bay 8,000 tỷ, thu ngân sách của Lai Châu trong 5 năm chỉ có 3,456 tỉ đồng, tức chỉ khoảng 700 tỷ/năm, chỉ bằng 1/6 Lào Cai và 1/3 Sơn La, đứng thứ 62/63 tỉnh, thành trên cả nước.
Lý do duy nhất để xây sân bay xem ra hoàn toàn không đáng tự hào: chỉ số sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2015 của Lai Châu cao nhất cả nước, ở mức 100.3%, chi phí sinh hoạt của Lai Châu thậm chí còn đắt đỏ hơn Hà Nội (ở mức 100%).
Ngay sau khi chính quyền Lai Châu đề xuất xây sân bay, rất nhiều ý kiến của chuyên gia và người dân đã phản đối quyết liệt. Một người dân Lai Châu thốt lên: “Không hiểu mấy lão ủy ban này sống ở thời nào? Nghèo rớt mùng tơi, cơm không đủ ăn mà không lo cho dân, lại đi xây sân bay để đưa lên bàn thờ à!”.
Việt Nam - bi kịch. Đỉnh điểm của nạn phô trương chế độ lẫn tham tàn quan chức.
Vào cuối năm 2015, trong bối cảnh ngân sách rỗng ruột và kinh tế bi đát, một chiến dịch đòi xây trụ sở từ hàng ngàn tỷ đến hàng chục ngàn tỷ đã cùng dắt tay nhau dưới tấm biển chỉ đường của ý thức hệ dân đói quan no: Khánh Hòa, Hải Phòng, Hà Giang, Phú Yên, Lai Châu, Nghệ An, Hải Dương...
Không chịu kém thua, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh - địa chỉ đang xảy ra vụ “cá chết Formosa” khiến ngư dân lâm vào cảnh đói kém và dư luận xã hội sôi trào phẫn nộ - cũng muốn lặp lại sự ô nhục tương tự. Một đề án xây dựng trung tâm hành chính của tỉnh này có thể "nuốt" đến 1,500 tỷ đồng, trong lúc hàng trăm giáo viên tiểu học ở đây phải nuốt nước mắt bỏ nghề do đồng lương chết đói.
Là một trong những tỉnh bị xem là nghèo nhất ở Việt Nam, hầu như năm nào Hà Tĩnh cũng phải "còng lưng" xin gạo cứu đói. Mới vào tháng 2/2015, chính quyền Hà Tĩnh còn phải xin Chính phủ gần 3,500 tấn gạo để dân “no cái bụng”. Nhưng cũng chính tại địa phương quá trống vắng truyền thống lo cho dân nghèo này, chuyện quan xã ăn chặn gạo và tiền cứu đói của dân chúng đã không còn trong vòng lén lút. “Minh bạch” hơn nhiều, nông dân tiếp tục còng lưng làm lụng và đóng thuế để xây trụ sở cho giới quan lại ăn trên ngồi trốc.
Hãy liên tưởng lại "ngai rồng" và "cung điện Nông Đức Mạnh"... với tất cả thói hư tật xấu đến tận cùng vô liêm sỉ của giới quan lại Việt. Bằng vào cuộc chạy đua xây “tổ yến” và sân bay không tiền khoáng hậu, giới quan chức “ăn của dân không chừa thứ gì” đang cố thực hiện những đục khoét cuối cùng mà không chờ đến ngày “hạ cánh an toàn”, cùng với chiến dịch bồi đắp con ông cháu cha vào những chức vụ hàng đầu.
“Cứ cho nó ăn ngập mặt để chết nghẹn hết đi!” - một ngư dân bùn đất bê bết gằn từng tiếng.
05/01/2016 - 19:05
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment