Theo Người Việt-15-04-2016 5:55:33 PM
Ngô Nhân Dụng
Trung Cộng cho giàn khoan HD 981 vào trấn ngự ở hải phận nước ta lần đầu năm 2014. Họ rút đi, tiếp tục thăm dò đáy biển trong một vùng rộng lớn, từ Vịnh Bắc Việt sang tới Vịnh Bengal thuộc Ấn Ðộ Dương. Không có lý do nào khiến họ phải đưa cả khối kim loại khổng lồ bơi qua bơi lại vùng biển nước ta liên tiếp, nếu không phải vì động cơ chính trị. Mao Trạch Ðông vẫn nhắc nhở: Chiến tranh là chính trị. Thăm dò đáy biển cũng là chính trị. Cả hai lần phản đối HD 981 trong năm nay đều trùng hợp với những sự kiện chính trị trong nội bộ Cộng Sản Việt Nam. Lần trước, vào Tháng Giêng, 2016, là hai ngày trước khi Việt Cộng họp đại hồi kỳ thứ 12. Lần mới nhất, diễn ra sau khi quốc hội Hà Nội tấn phong bà Kim Ngân, Trần Ðại Quang và Nguyễn Xuân Phúc lên làm chủ tịch Quốc Hội, chủ tịch nước và thủ tướng.
Tại sao Bắc Kinh lại đưa HD 981 tới “diễn võ” vào đúng các thời điểm đó? Ông Tập Cận Bình muốn gửi lời chúc mừng tới đám tay chân ở Hà Nội khi thấy họ thành công trong “công tác sắp xếp nhân sự” đẹp ý thiên triều? Hay là ông ta “dương oai” để thách thức, đe dọa tất cả những người dân Việt Nam nào còn có ý kháng cự cuộc bành trướng của Trung Quốc? Ông ta chỉ cần dùng một mũi tên để bắn cả hai con chim, vừa khích lệ vừa đe dọa?
Chiến thuật “diễn võ, dương oai” này là một phần trong chiến lược “bóc bắp cải” của Tướng Trương Thiệu Trung (Zhang Zhaozhong, 張召忠), như đã trình bày trong mục này kỳ trước. Trung Cộng đang lần lượt bóc từng lá bắp cải, để dần dần thống ngự cả vùng biển Ðông Nam Á, hoàn thành Ðường Tơ Lụa Trên Biển. Chiến pháp này được thực hiện chậm chạp, có thể kéo dài trong một thế hệ đến một nửa thế kỷ, có thể còn lâu dài hơn nữa. Trong thời gian đó, Cộng Sản Trung Hoa sẽ cố giữ một thế quân bình, gọi là ổn định, trong mạng lưới bang giao quốc tế. Họ sẽ tránh không gây chiến, để các cường quốc khác, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Ðộ, và các nước Châu Âu không có lý do can thiệp vì tự do hàng hải bị ngăn trở.
Cộng Sản Trung Quốc cần giữ một tình trạng ổn định, vì nếu thế quân bình hiện nay đổ vỡ thì sẽ tai hại cho chính số phận của đảng và cho cả nước Trung Hoa.
Giới lãnh đạo Trung Nam Hải cần duy trì một khung cảnh quốc tế ôn hòa để thực hiện những mục tiêu của họ. Mục tiêu quan trọng nhất là duy trì guồng máy cai trị của đảng trên hơn một tỷ người dân Trung Hoa. Muốn vậy, trước hết phải phát triển kinh tế liên tục, dù kinh tế có trồi sụt nhưng không thể ngưng phát triển với tốc độ hơn 5% mỗi năm. Ðảng Cộng Sản sẽ tiếp tục nắm quyền nếu nhu cầu kinh tế của dân lục địa được thỏa mãn. Cho tới nay, những cuộc phản kháng dù đã lên tới hàng trăm ngàn vụ một năm vẫn không làm cho chế độ lung lay. Mạng lưới kiểm duyệt thông tin và guồng máy công an sẽ tiếp tục đàn áp những người muốn đòi dân chủ tự do.
Cộng Sản Trung Quốc không dám gây chiến tranh vì cần thời gian để canh tân quân đội với ngân sách quốc phòng ngày càng cao. Họ hy vọng trong một, hai thế hệ, sẽ mạnh ngang với quân đội Mỹ, ít nhất khi phải đọ sức trong vùng biển phía Tây Thái Bình Dương và phía Ðông Ấn Ðộ Dương. Nếu chiến tranh xảy ra, Nhật Bản, Ấn Ðộ và phần lớn các nước Ðông Nam Á sẽ liên kết với Mỹ.
Có ổn định Trung Cộng mới thực hiện được mục tiêu đối ngoại, định nghĩa bởi những khu vực gọi là “quyền lợi cốt lõi,” mà Bắc Kinh đã xác định, bao gồm các tỉnh Tân Cương, Cam Túc ở phía Tây, đảo Ðài Loan, Biển Nhật Bản, và sau cùng là vùng Cửu Ðoạn Tuyến, trùm lên tất cả biển, đảo ở Ðông Nam châu Á.
Vùng biển Ðông Nam Á hiện nay đang là nơi thử thách lớn nhất trước tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Ðó là nơi chiến lược “bóc bắp cải” đang được triển khai. Muốn thực hiện kế hoạch này, Trung Cộng cần duy trì thế cân bằng ổn định đối với Mỹ, Nhật, Ấn Ðộ, để lần lần áp đảo các nước trong vùng. Họ sẽ làm sao cho không một nước nào dám quyết liệt kháng cự khi các lá bắp cải lần lượt bị bóc ra.
Trung Cộng vẫn coi Mỹ là kẻ thù. Dân chúng lục địa được báo, đài của đảng cho “học tập căm thù” mỗi ngày. Nhưng giới lãnh đạo họ biết rằng không thể khiêu khích Mỹ đến độ gây ra xung đột lớn. Kinh tế hai quốc gia đang gắn bó với nhau, nhưng Trung Quốc cần bán hàng Mỹ và chạy đuổi theo kỹ thuật tân tiến của Âu Mỹ nhiều hơn Mỹ cần Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc sẽ sụp đổ nếu chiến tranh xẩy ra, còn nước Mỹ sẽ chịu đựng được cơn “sốc” đó; như hai cuộc đại chiến trong thế kỷ 20 đã cho thấy. Cho nên, Bắc Kinh phải dùng chiến thuật mềm nắn, rắn buông, không dám để cho các xung đột với Mỹ bùng lên thành chiến tranh trực diện. Tình trạng “bang giao ổn định” này cũng giống như quan hệ giữa Liên Bang Xô Viết và Mỹ trong các thập niên 1970-80. Trong thời gian đó Nga đã đồng ý “hòa dịu” (détente) với Mỹ, ký các thỏa hiệp giảm vũ khí hạch tâm và hỏa tiễn liên lục địa, để dành sức đàn áp các lực lượng phản kháng bên trong khối cộng sản ở Châu Âu, đối phó với Trung Cộng, rồi khi cần sẽ can thiệp vào các nước lân cận, như Afghanistan.
Trung Cộng dang theo đuổi một chiến lược nhất quán như vậy, nhưng cho tới nay giới lãnh đạo Mỹ vẫn quan niệm âm mưu bành trướng của Trung Cộng như một vấn đề ngoại giao chứ không phải một cuộc so tài quân sự và tranh giành ảnh hưởng trên thực địa. Các chính phủ Mỹ chưa bao giờ coi Trung Cộng là một mối đe dọa “sinh tử” đối với nước Mỹ. Từ thời cố Tổng Thống Richard Nixon đến nay, chính giới Mỹ vẫn suy nghĩ theo một nếp: “Nếu nhìn Trung Cộng như một nước thù địch thì sẽ biến họ thành kẻ thù thật sự.” Cựu Tổng Thống George W. Bush bỏ qua Á Châu, dành mọi quan tâm cho vùng Trung Ðông. Chính quyền Barack Obama đã tuyên bố “chuyển trục” sang Châu Á nhưng vẫn chủ trương “tiếp cận” (engagement) chứ chưa thấy nhu cầu “kìm hãm” (deterrence) hoặc “ngăn chặn” (containment) như chiến lược đối phó với Liên Xô trước đây.
Trong khung cảnh đó, Bắc Kinh nhìn thấy cơ hội thực hiện chiến lược “bóc bắp cải.” Trước hết, họ dùng áp lực quân sự và kinh tế chia rẽ các nước Ðông Nam Á, khiến các nước này hoặc vì lợi mà theo đuôi (Miến Ðiện trước đây, Campuchia hiện nay) hoặc vì sợ hãi mà cam chịu (Việt Nam là thí dụ tiêu biểu). Trung Cộng sẽ theo đường lối này trong nửa thế kỷ tới, vừa giữ sao cho chiến tranh không xẩy ra, vừa lần lần gậm nhấm các đảo và vùng biển bên trong vòng đai Cửu Ðoạn Tuyến.
Trong chiến lược bắp cải này, Bắc Kinh luôn luôn chiếm vai chủ động, liên tục đặt thế giới trước những “sự đã rồi.” Với các hành động quân sự cũng như hành chánh và pháp lý. Họ đắp những hòn đảo nhân tạo, lập phi trường, đặt hỏa tiễn, dựng hải đăng hay các đài khí tượng. Những hành động này diễn ra âm thầm và bất ngờ, không để cho thế giới kịp trở tay.
Các hành động xâm lấn đã gia tăng cường độ và nhịp độ nhanh hơn trong ba năm qua. Trung Cộng buộc các nước khác phải đàm phán song phương, không muốn các cường quốc can dự. Trong những cuộc đàm phán song thương này, vừa chia rẽ vừa cô lập hóa bên địch, Trung Cộng đặt vấn đề theo cùng một khuôn mẫu: Những gì tôi chiếm được đều là của tôi rồi, không bàn đến; những gì anh còn giữ được, chúng ta sẽ thảo luận để chia phần! Bắc Kinh sử dụng các đòn hành chánh, công bố lập huyện Tam Sa, công khai sát nhập Hoàng Sa và Trường Sa vào đảo Hải Nam. Trong khi đó, họ từ chối không công nhận thẩm quyền của các tòa án trọng tài quốc tế.
Những bước chiến thuật này đã thành công. Các nước Ðông Nam Á bị đè nén đã lâm thế thụ động, không thể phản ứng tương xứng và kịp thời, rồi càng ngày càng yếu thế. Cho tới gần đây tình thế mới thay đổi, Philippines, rồi Malaysia, Indonesia dám phản ứng mạnh mẽ. Thế giới được đánh thức dậy, nhìn rõ âm mưu bành trướng của Cộng Sản Trung Quốc; các chính phủ Mỹ, Nhật Bản, Australia đã tỏ thái độ cứng rắn hơn. Mọi người bắt đầu nhìn thấy vùng biển Ðông Nam Á đang trở thành một vùng tranh chấp quyền lợi của tất cả các nước trong thế kỷ 21, không còn là xung đột riêng giữa các nước nhỏ trong vùng và Trung Quốc. Ngay đến các nước Châu Âu cũng tự đặt mình vào cuộc, như hội nghị G-7 vừa qua đã cho thấy. Ai cũng thấy nền “trật tự toàn cầu” sau Chiến Tranh Lạnh đang có cơ thay đổi, do Trung Cộng cố ý gây ra.
Ðây là một cơ hội cho nước Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam. Từ hai ngàn năm trước, dân tộc Việt Nam phải đóng vai con đê ngăn chặn làn sóng bành trướng của Hán tộc xuống vùng Ðông Nam Á. Khi nước Việt Nam bị chia đôi ở vĩ tuyến 17 vào năm 1954, con sông Bến Hải cũng trùng hợp với lằn ranh đã chia đôi ảnh hưởng của Hán tộc với văn minh Ấn Ðộ trong những thế kỷ đầu Công nguyên.
Bây giờ là lúc nước Việt Nam cần có một chính quyền dám đứng lên đối đầu với cuộc xâm lăng của đế quốc đỏ Trung Hoa. Cả thế giới sẽ đứng về phía mình, dân tộc Việt không thể bỏ lỡ cơ hội này.
Những lời tuyên bố phản đối giàn khoan Hải Dương 981 chỉ là một lối phản ứng yếu ớt. Vì tương lai dân tộc, vì nền hòa bình của cả vùng Ðông Nam Á và thế giới, Việt Nam phải hành động mạnh bạo hơn; để Trung Cộng không thể tiếp tục bóc bắp cải, mà lá cải đầu tiên đang bị bóc dần dần chính là đất nước chúng ta.
No comments:
Post a Comment