Cát Linh, phóng viên RFA 2016-04-16
Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh Courtesy thuvientphcm.gov.vn
Khi việc đề nghị đốn hạ 300 cây cổ thụ trăm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng chưa kịp lắng xuống thì những ngày qua, thông tin về một phần của Thư viện Khoa học thành phố sẽ bị “xẻ đất” để giao cho một doanh nghiệp tư nhân nhằm mục đích xây cao ốc tiếp tục gây hoang mang cho người dân trong nước.
Đặc biệt, dư luận có sự liên kết giữa hai sự việc với câu phát biểu của ông Đinh La Thăng về việc “mong TP Hồ Chí Minh trở về vị trí số 1 Đông Nam Á” và nhiều người tự hỏi: phải chăng xóa bỏ những di tích văn hóa lịch sử là một trong những cách trở về với tên gọi Hòn Ngọc Viễn Đông?
Xóa bỏ văn hóa đọc?
Tuy chỉ mới là dự định, và chưa có quyết định chính thức từ Sở qui hoạch kiến trúc và UBND TP, nhưng thông tin việc xây cao ốc trong khuôn viên của Thư viện Khoa học Thành phố đã gây nhiều bức xúc cho những người quan tâm đến việc bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử của đất nước. Không những thế, các trang mạng xã hội đồng loạt lên tiếng cho rằng việc xẻ đất để xây cao ốc trong khuôn viên thư viện là một việc làm đi ngược lại với việc bảo tồn lịch sử dân tộc, và xem thường văn hóa của một đất nước.
Một tuyên ngôn trắng trợn, xóa bỏ văn hóa rồi còn gì. Chỉ có thể nói được thế thôi. Nếu quả thật bán đi để tiêu, mà sách vở thì cho, nhét vào chỗ khác thì là một việc xóa bỏ văn hóa. Ngạc nhiên và quá đau xót.
-GS Nguyễn Huệ Chi
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam cổ, trung và cận đại, nguyên trưởng phòng Văn học Việt Nam cổ cận đại khi nghe thông tin này đã thốt lên rằng:
“Thế thì đau đớn quá. Nghĩa là thời buổi này người ta không cần văn hóa và khoa học nữa rồi. Một tuyên ngôn trắng trợn, xóa bỏ văn hóa rồi còn gì. Chỉ có thể nói được thế thôi. Nếu quả thật bán đi để tiêu, mà sách vở thì cho, nhét vào chỗ khác thì là một việc xóa bỏ văn hóa. Ngạc nhiên và quá đau xót.”
Trong khi giáo sư Nguyễn Huệ Chi cho rằng đó là một xóa bỏ văn hóa, thì Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng viện nghiên cứu văn hóa VN bày tỏ sự lo ngại trước một văn hóa đọc đang ngày càng đi xuống của xã hội Việt Nam. Tuy chưa được nghe thông tin chính thức, nhưng giáo sư Ngô Đức Thịnh cho biết ông sẽ không đồng tình với kế hoạch này:
“Nếu việc này có thật thì tôi không đồng ý, tôi phản đối chủ trương đó. Thư viện Tổng hợp cũng không rộng rãi gì, mà bây giờ văn hóa đọc của Việt Nam đang đi xuống. Cho nên cái việc lấy thư viện để làm cao ốc, chỗ ở, hay kinh doanh thì tôi thấy không hợp lý.”
Nói thêm về điều mà ông gọi là văn hóa đọc, Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho biết rằng “phần đông sinh viên Việt Nam ngày nay rất lười đọc.”
“Tất nhiên là bây giờ thì có internet, có đủ thứ, nhưng nói gì thì nói, một cuốn sách khi mới ra, cầm nó trong tay, có cảm giác rất thích thú, nhất là mùi thơm của giấy. Không phải là bây giờ mọi người nói internet thì có thể thay được tất cả. Không thay được hết đâu. Thế thì có thể không chủ quan lắm, tôi cho rằng văn hóa đọc của Việt Nam đang đi xuống.”
Yếu tố làm nên Hòn Ngọc Viễn Đông
Tân bí thư thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh bên hành lang Quốc hội vào ngày 19 tháng 2 vừa qua, đó là ông mong muốn TPHCM phải giành lại vị trí số 1 Đông Nam Á.
Hơn một tháng sau đó, ngày 23 tháng 3, cơ quan quản lý đường sắt đô thị TPHCM ra thông báo sẽ đốn hạ 300 cây cổ thụ trên đường Tôn đức Thắng để phục vụ cho dự án giao thông gồm tuyến tàu điện ngầm, cầu Thủ Thiêm 2, nhà ga Ba Son.
Và như vừa nêu là thông tin về một dự án cao ốc 20 tầng, cao khoảng 80m sẽ được xây trong khuôn viên Thư viện KHTH TP với chức năng làm văn phòng, khách sạn.
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã nói rằng, khi người Pháp xây dựng Sài Gòn, thì đã đi trước tất cả, từ Hồng Kong cho đến Singapore còn thua kém nhiều. Để có được Hòn Ngọc Viễn Đông của Đông Nam Á là Việt Nam lúc bấy giờ, họ đã xây dựng những kiến trúc cũng như quy hoạch những con đường trong đó nhiều cây xanh:
“Tôi nghĩ là kiến trúc lớn như vậy thì không phải chỉ có toà nhà, mà là cả một khuôn viên. Bất cứ một công trình nào xây thì cũng sẽ phá tổng quan của kiến trúc đó. Tôi nghĩ là ý thức của vấn đề, về văn hóa cũng như lịch sử rất kém. Phải tôn trọng tất cả những kiến trúc có giá trị vừa văn hóa vừa lịch sử. Thư viện đó mà không tôn trọng thì vấn đề học tập sẽ rất kém, không phát triển được.”
Tôi nghĩ là kiến trúc lớn như vậy thì không phải chỉ có toà nhà, mà là cả một khuôn viên. Bất cứ một công trình nào xây thì cũng sẽ phá tổng quan của kiến trúc đó. Tôi nghĩ là ý thức của vấn đề, về văn hóa cũng như lịch sử rất kém.
-TS Nguyễn Nhã
Thế nhưng, giờ đây, theo Tiến sĩ Nguyễn Nhã, nếu nói đến từ Hòn Ngọc Viễn Đông hay vị trí số 1 Đông Nam Á thì đó là cái thưở rất xưa rồi.
Nhắc đến câu nói của ông Đinh La Thăng, Giáo sư Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh rằng muốn Sài Gòn quay trở lại là Hòn Ngọc Viễn Đông, nhưng một trong những yếu tố làm nên Hòn Ngọc Viễn Đông chính là hàng cây xanh, là thư viện. Và ông đặt câu hỏi rằng: “như thế, có phải đi đang ngược lại với lời mình nói hay không?”
Tiến sĩ Nguyễn Nhã cũng chia sẻ rằng, những vết tích còn lại ở Sài Gòn và cả Hà Nội, như hàng cây xanh, thư viện chính là những hình ảnh làm nên bản sắc riêng của hai thành phố này. Theo ông, việc không gìn giữ được những yếu tố lịch sử văn hóa đã chứng tỏ một tầm nhìn rất thấp của những người lãnh đạo đất nước.
Cho đến nay, chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra. Một vị đại diện Hội đồng Nhân dân TP trả lời truyền thông trong nước rằng đang chờ báo cáo của UBND TP về dự tính quy hoạch xây cao ốc trên đất thư viện như vừa nêu.
Những người quan tâm đến việc bảo tồn văn hóa lịch sử của đất nước như Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và dư luận đều hy vọng rằng thế hệ sau này vẫn còn được biết đến Thư viện Khoa học Tổng hợp, một trong những biểu tượng văn hóa còn lại của Hòn Ngọc Viễn Đông trước đây.
No comments:
Post a Comment