Saturday, April 16, 2016

Tại sao công nhân Việt Nam ở các doanh nghiệp nước ngoài lại hay nghỉ việc, đình công?

BÌNH AN  21:12 15/04/2016
 Có trường hợp công nhân có nhu cầu đi vệ sinh, nhưng xin "đi" cũng không được chấp thuận...

Tại sao công nhân Việt Nam ở các doanh nghiệp nước ngoài lại hay nghỉ việc, đình công?
Ảnh minh họa.
Những buổi bãi công, đình công của công nhân Việt Nam chủ yếu xảy ra tại các doanh nghiệp nước ngoài. Chế độ làm việc lên tới 12 giờ đồng hồ/ngày, kiểm soát số lần và giờ giấc đi vệ sinh, công việc kéo dài trong khi đến kỳ tăng lương thì lương tăng thêm không đủ ăn một bữa sáng… khiến nhiều công nhân bức xúc.
Làm việc đến 12 tiếng/ngày vẫn không đủ chỉ tiêu
Theo tin mới đưa trên báo Tuổi trẻ, ngày 15/4 vừa qua, bức xúc vì một ngày phải làm việc liên tục 12 tiếng đồng hồ nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu sản lượng mà công ty đặt ra, các chế độ chính sách cho người lao động cũng không được đảm bảo nên hàng ngàn công nhân công ty sản xuất giầy da KaiYang (Đài Loan, đóng trên đường Hoàng Quốc Việt, TP. Hải Phòng) đã đồng loạt bỏ việc.
Theo nhiều công nhân, đây là ngày thứ hai các công nhân phản ứng. Việc dùng trứng thối, mắm tôm công nhân cho rằng do trước đó một số đối tượng lạ mặt hung hãn hành hung các công nhân.
Theo lời kể của một nữ công nhân, phía công ty ép thời gian làm việc quá sức chịu đựng khi người lao động luôn phải làm việc trong 12 tiếng (từ 7g sáng đến 20g tối) mà vẫn không đáp ứng được chỉ tiêu sản lượng của công ty đặt ra.
Bên cạnh đó, anh chị em công nhân tham gia đóng bảo hiểm nhưng khi công ty ít việc phải cho công nhân nghỉ tạm thời thì lại không cho hưởng lương thất nghiệp 70%...
Mặc dù công nhân đã kiến nghị rất nhiều lần lên tổ chức công đoàn công ty trong 5-6 tháng nay nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện, dẫn đến việc công nhân phải ngưng việc nhằm tạo sức ép lên công ty.
Đầu tuần này, cũng trên địa bàn thành phố Hải Phòng, khoảng 1.000 công nhân Cty TNHH Bluecom Vina (khu công nghiệp Tràng Duệ, xã Lê Lợi, An Dương, Hải Phòng) đồng loạt ngưng việc, yêu cầu phía công ty thành lập tổ chức công đoàn, điều chỉnh các khoản phụ cấp và giải quyết những bất cập về giờ làm việc.
Theo phản ánh của các công nhân, từ trước tết Nguyên đán, công ty đã hứa sẽ thành lập tổ chức công đoàn cơ sở vào tháng 3/2016, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, quá thời hạn trên, công ty vẫn chưa hoàn thành mục tiêu.
Công nhân cho rằng, việc thường xuyên phải tăng ca khiến người lao động mệt mỏi: “Thông thường, công nhân làm việc từ 8h sáng và tăng ca đến 22h mới được nghỉ. Một tuần, 6 ngày làm việc đều tăng ca như thế khiến chúng tôi quá sức” – một nam công nhân cho biết.
Nghỉ ốm 1 ngày bị xếp loại C, cắt trợ cấp, cắt thưởng
Cách đây không lâu, cuối tháng 2/2016, khi kết thúc những ngày nghỉ Tết âm lịch khoảng 2 tuần, 16.000 công nhân của công ty Pouchen Việt Nam, đóng tại xã Hóa An, TP.Biên Hòa, Đồng Nai (Công ty 100% vốn Đài Loan, chuyên gia công giày) đình công tràn ra đường, khiến Quốc lộ 1K kẹt cứng.
Việc đình công này nhằm phản đối chính sách đánh giá hiệu quả công việc, từ đó xếp loại lao động A-B-C để tính ra mức lương, thưởng mà theo công nhân là quá khắt khe, chưa hợp lý.
Cụ thể, công ty quy định mỗi công nhân một năm có 100 điểm thưởng, hàng tháng căn cứ vào đó để đánh giá, xếp loại A,B,C, nếu sai phạm sẽ bị trừ điểm, tiền thưởng theo đó sẽ ít lại.
Tuy nhiên, ngay cả khi công nhân nghỉ không phép hay có phép đều bị trừ, phép bệnh cũng không thoát khỏi.
Theo chính sách mới, họ chỉ cần nghỉ một ngày không phép là bị xếp loại C, cuối tháng hay cuối năm đều bị cắt hết các khoản trợ cấp và tiền thưởng.
Lương tăng thêm không đủ bữa sáng
Mùng 8 Tết năm nay, 17/2/2016, gần 3.000 công nhân Công ty TNHH Nissey Việt Nam (100% vốn Nhật Bản, ở Đường số 14, KCX Tân Thuận, TPHCM) đã đình công phản đối chính sách tăng lương cơ bản 2016 của công ty.
Theo chính sách mới, công nhân có thâm niên làm việc 1 năm thì lương tăng thêm 20 ngàn đồng, chưa đủ bữa ăn sáng cho giám đốc.
Trước đó, 4.000 công nhân Công ty Tainan Việt Nam cũng đình công từ tối 2.1 đến nay (22.1) vì cho rằng công ty tăng lương không thỏa đáng, chỉ tăng thêm 400.000 đồng cộng tiền thâm niên.
Đình công để đòi quyềnđi vệ sinh
Hơn 2 năm trước, trung tuần tháng 3/2014, gần 900 công nhân công ty Shilla Bags đã phải đình công để đòi quyền được đi vệ sinh .
Shilla Bags quy định công nhân chỉ được đi vệ sinh vào 2 khung giờ, 9h30 - 10h30 và 14h - 15h. Những giờ còn lại thì xưởng đóng cửa, ai có “nhu cầu” cũng không được giải quyết.
“Hôm đó đã 11 giờ trưa, một nữ công nhân lên xin “nữ hoàng vệ sinh” (cách công nhân gọi người kiểm soát thẻ đeo, giờ giấc đi vệ sinh - PV) thẻ đi vệ sinh nhưng không được chấp thuận với lý do không đúng giờ. Bạn nữ ôm bụng ngồi khóc”, một công nhân của Shilla Bags chia sẻ trên báo Lao động.
Nhiều người rồi cả chuyền, cả xưởng gần 900 công nhân đồng loạt ngừng việc phản đối, đòi quyền được đi vệ sinh. Vụ đình công kéo dài gần 10 ngày.
Vấn đề “tế nhị” này cũng là nỗi khổ của nhiều công nhân tại các doanh nghiệp nước ngoài khác. Tại Công ty TNHH Daiwa Plastics Việt Nam (KCX Tân Thuận, Q.7, TPHCM), có công nhân bị phạt vì “đi vệ sinh không đội nón cam” theo quy định.
Nhiều chị em, cả những người đang “bầu bí” cũng đành nhịn uống nước, nhịn “đi tiểu” để đối phó với những quy định vệ sinh ngặt nghèo do các doanh nghiệp đề ra.
Trên đây là một vài trong vô số các vụ việc đình công của công nhân tại các khu công nghiệp hay các doanh nghiệp nước ngoài. Lý do có nhiều, chủ yếu đến từ những quy định quá hà khắc với người lao động mà các ông chủ ngoại đặt ra, cũng như chính sách lương thưởng quá bất cập.
Thường thì, sau khi người lao động gây sức ép, đại diện các doanh nghiệp cùng tổ chức công đoàn cơ sở mới tiến hành đàm phán với công nhân. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc đàm phán cũng diễn ra nhanh chóng.
Phải chăng đã đến lúc tổ chức công đoàn cần sâu sát hơn với đời sống người lao động, thay vì để tức nước vỡ bờ vừa ảnh hưởng đến hiệu quả công việc vừa gây tổn hại hình ảnh công ty?
Theo Tri Thức Trẻ

No comments:

Post a Comment