Friday, April 15, 2016

VC ráng làm người tử tế (?)

 Giáo Già-04-15-2016
1

Ngày 14 tháng 4 năm 2016
H,
Báo (NLĐO) của VC cho biết: Tại phiên họp thường kỳ cuối cùng của chánh phủ nhiệm kỳ 2011-2016, diễn ra sáng ngày ­­­­­­26-3-2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gởi lời cám ơn các thành viên chánh phủ, các thủ trưởng cơ quan thuộc chánh phủ, các thành viên văn phòng chánh phủ. Dũng nói:
“Ngày 6-4 tới tôi sẽ kết thúc nhiệm vụ. Phiên họp tới, tôi và 9 đồng chí khác sẽ không có mặt họp với các đồng chí. Trước hết, tôi có lời cám ơn chân thành tới các đồng chí thành viên chánh phủ của chúng ta, các đồng chí thủ trưởng các cơ quan thuộc chánh phủ đã hết sức ủng hộ, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để tôi thực hiện tốt nhiệm vụ được đảng, nhà nước giao với tư cách là người đứng đầu chánh phủ”
Dịp này, đối với những người sẽ thôi nhiệm vụ trong thời gian tới đây, [ít nhứt cũng gồm 9 người không cùng có mặt], Dũng gửi lời nhắn nhủ: “Chúc các đồng chí và cũng là chúc tôi về nghỉ ráng giữ gìn sức khỏe. Sức khỏe là quan trọng nhất. Ráng làm một công dân tốt, một đảng viên tốt, làm người tử tế. Mỗi đồng chí chúng ta tùy hoàn cảnh đóng góp hết sức mình cho đảng, cho dân”. [Giáo Già in đậm và gạch dưới].
Với câu nói ngắn này, có 2 thành phần Dũng muốn nhắn nhũ:
  1. Những người sẽ thôi nhiệm vụ trong thời gian tới đây;
  2. Bản thân Dũng.
Tất cả sẽ thôi nhiệm vụ trong thời gian tới đây mới chịu làm người tử tế. Còn trước đây thì sao? Như vậy, thôi nhiệm vụ rồi mới ráng làm người tử tế? Trước đây, bọn chúng đều là những kẻ không làm người tử tế. Bây giờ mới ráng làm; nhưng không biết chúng có làm được hay không.
Xin nói riêng bản thân Dũng, để xem trong thời gian qua, nhứt là trong 10 năm Dũng làm thủ tướng, hay nói rõ hơn là làm thái thú cho Tàu cộng, Dũng có bao giờ chịu làm người tử tế cho dân được nhờ; hay chỉ là kẻ gian tham cùng cực, tận dụng mọi cơ hội phục vụ Tàu cộng và làm giàu bản thân cùng gia đình, để lại một di sản tàn hại cho quốc gia dân tộc, mà chưa một thủ tướng nào trước Dũng làm được. Xin mượn lời ông Nguyễn Quang Duy ở Melbourne, Úc Đại Lợi, trong một bài viết ngày 27/01/2016 nói về “DI SẢN NGUYỄN TẤN DŨNG”, để thấy Dũng có bao giờ làm người tử tế không. Xin trích nguyên văn:
“Sau 20 năm trong Bộ Chính Trị và 10 năm làm Thủ Tướng ông Dũng để lại di sản như sau:
  1. Thứ nhất, nợ quốc tế cao ngất trời. Nợ đến độ không còn ai muốn cho vay. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới phải đặt câu hỏi “Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong 5 năm tới”?
  2. Thứ hai, vay phải trả. Người Việt từ bé đến già mỗi người đã nợ quốc tế hằng ngàn Mỹ Kim và mỗi người mỗi năm phải trả cả vốn lẫn lời hằng trăm Mỹ Kim.
  3. Thứ ba, nợ thay vì đầu tư để phát triển con người như giáo dục, y tế hay phát triển nông thôn thì được đầu tư vào các công trình to lớn không mang lại lợi ích thiết thực như nhà máy lọc dầu Dung Quất, các đập thủy điện, các cao tốc, các đại doanh nghiệp nhà nước… Hệ quả khủng hoảng toàn diện: kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa…
  4. Thứ tư, môi trường và tài nguyên khai thác bừa bãi. Tài nguyên kiệt quê môi trường bị hủy hoại.
  5. Thứ năm, một nền kinh tế gia công mua nguyên vật liệu từ ngoại quốc về chế biến xong xuất cảng. Một đất nước dựa trên xuất cảng lao động.
  6. Thứ sáu, một thời kỳ với dân oan bị chiếm đất cao chưa từng có.
  7. Thứ bảy, một guồng máy cai trị đầy tham nhũng. Từ trung ương đến đến địa phương tiêu xài hoang phí, nhiều đơn vị đã công khai vỡ nợ.
  8. Thứ tám, một guồng máy an ninh, được giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, ước tính ít nhất lên tới 6,7 triệu hay cứ sáu người thì một người làm cho an ninh. Số người chết trong tù càng ngày càng tăng.
  9. Thứ chín, con số tù nhân chính trị cao chưa từng có với phương cách xuất cảng tù nhân trao đổi quyền lợi với Tây Phương.
  10. Thứ mười, nói mà không làm. Biển Đông đã bị Trung cộng chiếm đóng, ngư dân mất quyền ra biển kiếm sống, hải phận, không phận thường xuyên bị xâm nhập.
Đừng lầm tưởng Nguyễn Tấn Dũng là một nhà cải cách. Ông là một nhà cai trị đã triệt để thực hiện các quyết định do Bộ Chính Trị đảng Cộng sản đưa ra. Mọi công khai tranh luận và phân hóa trong đảng thể hiện sự sai lầm do các quyết định và dẫn đến các di sản nói trên…”
Trong thời gian “chưa thôi nhiệm vụ” Dũng và bọn gia nô thái thú chưa bao giờ “làm người tử tế”. Chính giữa bọn chúng với nhau, chuyện tử tế nếu có chỉ là chuyện lợi dụng nhau, cho những quyền lợi riêng, nếu không muốn nói là cho tham vọng bản thân và phe nhóm lợi ích. Xin ghi lại đây một số vụ điển hình liên quan đến Dũng và đám gia nô thái thú.
  1. Nguyễn Xuân Phúc khi còn là phó thủ tướng thường trực, đồng thời cũng là thường trực ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, là người trực tiếp tổ chức thanh tra, chỉ đạo và nhận các báo cáo thanh tra tham nhũng. Nhờ có trong tay các hồ sơ chống tham nhũng của chiánh phủ, Phúc đem nó cho Trọng và bộ chánh trị, để thuyết phục các thành viên trong bộ chánh trị và các ủy viên trung ương gạt bỏ Dũng bằng những chứng cứ không thể bác bỏ. Điều này làm lộ nguyên hình Phúc là tên “phản thầy”, đạp lên thầy để được ngồi lên chiếc ghế thủ tướng, sau đại hội XII CSVN.
  1. Kẻ thứ hai phản Dũng ít tai ngờ là Nguyễn Văn Bình, kẻ từng có lý lịch là một trùm mafia, được Dũng cho làm Thống đốc ngân hàng nhà nước, tháng 8/2011, sau khi đẩy Nguyễn Văn Giàu sang Quốc hội. Từ đó, Bình trở thành tay “làm tiền” cho Dũng. Đặc biệt, Bình đã dàn dựng cho ra Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất cảng vàng và nhập cảng vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, tước quyền thao túng giá cả vàng và dollar tại thị trường Việt Nam từ suốt 30 năm, khiến mọi ngả đường, mọi nguồn vàng ngoài lề đều phải đổ dồn vào chỗ của Bình, mà phía sau Bình ai cũng biết là Dũng. Tiếp sau vụ vàng là vụ thu gom các ngân hàng thương mại và ngân hàng tư nhân. Mọi sự mua đi, bán lại, sáp nhập, hay giải thể, đều được trả bằng giá thoả thuận, thông qua những vụthương lượng ngầm, khiến một loạt các ngân hàng biến mất…; chỉ còn hệ thống ngân hàng Phương Nam cuả Trầm Bê, một đại gia gốc Tàu, kẻ được xem là tổ sòng bạc tại Campuchia, nguồn tiền đen của Dũng. Mọi thao túng quá lộ liệu trên lãnh vực kinh tài tưởng như tội lỗi của Bình không làm thành tội của Bình. Trái lại, những tiết lộ ngầm của Bình cho Nguyễn Phú Trọng khiến Dũng thất thế trong hai Hội nghị Trung ương 13 và 14; để cuối cùng Bình xuất hiện là một ủy viên mới trong Bộ Chánh trị.
Những chứng cớ về những “tội phạm” của Dũng do Phúc và Bình cung cấp đã giúp Nguyễn Phú Trọng có nhiều lợi thế khử trừ Dũng. Bên cạnh đó, công của Trần Đại Quang, Tô Lâm, Ngô Xuân Lịch, Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải… cũng có tầm quan trọng khiến Dũng thành người “thôi nhiệm vụ”; để Dũng ngậm ngùi nói lời cuối cùng trước Quốc hội, kèm theo lời chúc nhau làm “người tử tế”.
Như vậy, trước khi thôi nhiệm vụ, chuyện tử tế không bao giờ là chuyện của đảng và nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nếu có, thì đó chỉ là chuyện của người dân đối với nhau[nhưng cũng rất hiếm]. Hãy xem một phần bài viết của Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc đăng trên VOA Việt ngữ, ngày 15-4-2016, xin trích nguyên văn:
“Nhớ, trong cuốn phim tài liệu “Chuyện tử tế”, sản xuất vào năm 1985, đạo diễn Trần Văn Thuỷ đã trăn trở đi tìm ý nghĩa của sự tử tế trong xã hội cộng sản thời bao cấp. Cuối cùng, ông tìm ra sự tử tế ở những nơi khuất vắng, ít người biết nhất: một bà mẹ bị bệnh cùi, hằng đêm làm gạch để xây nhà cho đứa con còn bé dại, và đặc biệt, ở bệnh viện cùi với các nữ tu Công giáo, bất chấp những hiểm nguy lây bệnh, tận tình chăm sóc cho các bệnh nhân lở loét đau đớn. Bộ phim đầy những hình ảnh tương phản: bên cạnh những người ăn nhậu thoả thuê là những người nghèo khổ rách rưới lam lũ đói khát dọc hai bên đường; bên cạnh hình ảnh hàng ngàn người chen chúc mua vé xe đò là hình ảnh những cán bộ cao cấp đi xe hơi và bước trên những chiếc thảm đỏ sang trọng mới tinh. Những sự tương phản ấy gợi lên ấn tượng: giới lãnh đạo cộng sản không hề tử tế [Giáo Già in đậm và gạch dưới].
Trong thời gian sắp tới, Dũng có ráng làm người tử tế như lời nói sau cùng của hắn trước diễn đàn Quốc hội ngày 26-3-2016 hay không, xin để thời gian trả lời. Cho tới khi Giáo Già viết Thư Cho Con kỳ này, thời gian trôi qua đã hơn 2 tuần lễ rồi nhưng chưa ai thấy Dũng… ráng làm được điều nào cụ thể để được gọi là người tử tế. Dư luận chỉ nghe người Phó thủ tướng “phản thầy” là Thủ tướng tân nhiệm Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố, khi phát ngôn trước Quốc hội; rằng: “không để tình trạng nói mà không làm”, như một thứ ám chỉ bậc đàn anh từng cưu mang Phúc trước đó, kẻ chưa một lần biết làm người tử tế; bây giờ lại chúc nhau làm người tử tế…, chỉ trong khoảng đời còn lại chưa biết ngắn hay dài của mình.
Chuyện nói mà không làm của Dũng có quá nhiều, kể không hết; chỉ xin nói riêng thời gian 5 năm đầu Dũng làm thủ tướng. Ngay ngày đầu nhậm chức, 27-6-2006, Dũng long trọng hứa “sẽ từ chức nếu không diệt được tham nhũng”. Nhưng, từ đó, tham nhũng càng lúc càng lộng hành, từ suốt 5 năm nhiệm kỳ đầu đến suốt 5 năm nhiệm kỳ sau. Nó là những thứ “tự sướng”, nói theo đúng ngôn ngữ nham nhở của Việt cộng. Dũng chỉ biết “nói cho sướng miệng” chớ chẳng làm gì hết; như vào đầu năm 2014, trong một cuộc họp báo tại Philippines, Dũng đã hùng hồn tuyên bố “không đánh đổi chủ quyền lấy tình hữu nghị viển vông”. Nghe đả lỗ tai, nhưng đó chỉ là thứ nói theo kiểu dân gian gọi là “nắm tóc kẻ… trọc đầu(!)”.
Bây giờ, nếu thực tâm muốn làm người tử tế, xin Dũng và những người sẽ thôi làm nhiệm vụ trong thời gian sắp tới, các ông có thể, bằng uy danh ngày cũ, trong hàng lãnh đạo đảng và nhà nước, chịu khó lên tiếng [chỉ xin lên tiếng thôi, chưa cần có hành động cụ thể nào] cảnh giác 3 việc làm rất cần, gồm:
  1. Lên án việc công an trấn áp cuộc biểu tình sáng ngày 08-04-2016, nhân kỷ niệm 10 năm công bố Tuyên ngôn Tự do dân chủ cho Việt Nam 2006 và thành lập Khối 8406, của hàng trăm người hoạt động vì nhân quyền (gồm các chiến sĩ dân chủ và dân oan mất đất mất nhà) đã tập hợp trước trụ sở bộ Tài nguyên Môi trường (đường Nguyễn Chí Thanh) và tại một quán cà-phê (đường Láng Hạ) rồi tuần hành đến Đại sứ quán Hoa Kỳ gần đó, để đòi trả tự do cho các tù nhân lương tâm, nhất là những người vừa bị bắt như Luật sư Nguyễn Văn Đài, cô Lê Thu Hà, Trung tá Trần Anh Kim, nhà báo Lê Thanh Tùng v..v… Chẳng những tự do không được trả cho số người này mà công an lại còn bắt thêm các anh Trương Văn Dũng, Từ Anh Tú, các cựu tù nhân lương tâm Thái Văn Dung, Nguyễn Trung Nghĩa, dân oan Cấn Thị Thêu… đem lên xe, chở về đồn công an thành phố tại số 6 Quang Trung, Hà Đông…; sau khi họ bị đám công an côn đồ hành hung đánh đập cách thô bạo.
  2. Lưu ý Bộ Chánh trị hủy bỏ Chị thị 15, ban hành ngày 7-7-2007, quy định: “Các cơ quan bảo vệ pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu đảng viên vi phạm đều phải báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp ủy đảng quản lý trực tiếp đảng viên đó, khi được tổ chức đảng, cấp ủy đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt… thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng” để việc bài trừ tham nhũng, cùng nhiều tội phạm nghiêm trọng, được tiến hành không còn bị cản trở vì tội phạm là các đảng viên…
  3. Nhắc nhở cán bộ các cấp, từ lãnh đạo hàng đầu đảng và nhà nước đến địa phương xã phường ráng làm người tử tế với dân, chấm dứt chuyện nói mà không làm
Hẹn con thư sau,
Giáo Già
(Đại gia đình Nguyễn Ngọc Huy)
Theo VietNamDaily.News

No comments:

Post a Comment