Theo VOA-15.04.2016
Mấy hôm rồi lướt qua Facebook thấy các vụ tai nạn giao thông, cướp của, giết người, phụ tình rồi tấn công nhau; hiếp dâm... ngày càng phổ biến trên các trang báo điện tử tại Việt Nam. Ngay cả nhiều tờ báo trước nay chuyên đưa tin về chính trị - xã hội và được xem là tử tế, đàng hoàng, cũng đua nhau đăng tải các bài vở không chỉ nóng về thời sự, mà còn “hot” về đề tài đen – vốn không có lợi về mặt tuyên truyền đạo đức, giáo dục hay nếp sống.
Một phút ngẫm nghĩ chợt thấy giật mình. Vài năm qua, ngẫm lại số bài viết hay các chương trình báo chí, truyền hình về những người tốt bụng, có tâm; những câu chuyện khiến người ta muốn sống, yêu thương nhau, dìu dắt nhau... cũng dần dần trở nên hiếm hoi. Tại sao vậy? Không lẽ ở đất nước có ngàn năm văn hiến, vốn tự hào về lòng nhân ái, thương người như thể thương thân lại thiếu vắng những câu chuyện ra hồn, tử tế hay sao? Có lẽ không! Cái chính là sự chạy đua của những người mang trên mình trọng trách đưa thông tin, được xã hội dành hẳn một ngày để tôn vinh – người làm báo.
Hôm trước nhân vụ nhạc sĩ Trần Lập – thủ lĩnh nhóm nhạc Rock đầu tiên của Việt Nam – Bức Tường qua đời vì căn bệnh ung thư, ngay lập tức, có tờ báo săn tin như một con kền kền vô tri vô giác giật ngay cái tựa đại khái là “Làm gì để không bị ung thư như Trần Lập?” Ấy thế mà vẫn nghiễm nhiên được phát tán. Người ta miệng vẫn cứ mắng, tay vẫn click share khắp nơi, chỉ vì lượt view để thu tiền nhuận bút, hoặc quảng cáo cho một nhãn hàng thuốc nào đó mà kẻ kinh doanh có chút vấn đề về đạo đức hành nghề. Đó là một trong số hàng ngàn bài báo được những người làm báo Việt Nam viết ra, rồi chia sẻ một cách vô thưởng vô phạt, không ngoài mục đích kiếm tiền, đôi khi là những đồng tiền bẩn, hoặc nhiều khi là những đồng tiền cũ kỹ, nhàu nát vì chà đạp, xát muối lên vết thương và nỗi đau của đồng loại.
Chỉ trích những người làm báo thiếu lương tâm có lẽ vẫn chỉ là thiển cận, bởi mọi chuyện có liên quan trực tiếp đến hàng triệu độc giả kém thông minh, thậm chí duy lý đến mức tàn nhẫn. Tôi nói duy lý một cách tàn nhẫn, tức họ chỉ làm cái họ thấy có lợi cho mình bất chấp những cái hại cho mọi người xung quanh. Thử lướt qua các bài báo về các vụ án giết người, tham nhũng, đụng xe chết người, hay gần nhất là các vụ cô giáo giữ trẻ hành hung trẻ em, bạo lực gia đình... đã tác động đến xu hướng sống và ứng xử của dư luận.
Quan sát qua, tôi chia những người này thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất là nhóm “hả hê” trước những sự việc đau lòng, đáng tiếc. Đó là những kẻ lao vào ném đá không thương tiếc dẫu cho người bị ném đá đáng thương hơn đáng trách. Như vụ xe Camry gây tai nạn chết 3 người ở miền Bắc Việt Nam. Sau khi tai nạn xảy ra, cô giáo của một bé trai xuất hiện, ra sức kêu gào, tìm cách đưa em học trò xấu số đến bệnh viện càng nhanh càng tốt bởi xe cứu thương chờ hoài không thấy khiến bao người cảm thông. Đành rằng cô giáo không giỏi về sơ cứu, đành rằng việc sơ cứu là rất quan trọng; đành rằng em bé không qua khỏi vì vết thương quá nặng. Thế nhưng khi mọi người (có cả cô giáo) đang khóc cạn nước mắt vì thương em bé, thì Chung Nguyen – một Facebooker, dù chẳng có mặt ở hiện trường một giây nào, đứng ngoài cuộc, cũng chẳng có bằng chứng nào về hành vi của cô gây hại cho đứa trẻ, nhưng lại lên tiếng phê phán, chỉ trích bằng những lời lẽ vô cùng cay nghiệt đối với cô giáo khiến không ít người phẫn nộ.
Hay như nhìn các comment của đa phần người Việt (có tham gia bình luận) trong các bài báo về vụ tài xế container tông chết người. Họ ra sức dùng mọi lời lẻ cay nghiệt nhất để phê phán, buộc tội, thậm chí góp ý một cách “thiện chí” đến mức dã man “chém chết nó rồi giao công an”; hay “đánh chết loại tài xế đó đi”; “tử hình chứ không nói năng gì nữa”... Người ta thay nhau làm quan tòa, để kết án, suy cho cùng cũng chẳng phải để đồng cảm với nạn nhân, mà chỉ thỏa cái bản năn ác tính của họ.
Nhóm người thứ hai là nhóm người thiếu chính kiến và thích hùa theo dư luận. Không khó thấy khi nhóm này không cần lập luận, không cần logic, chỉ cần thấy bạn mình, người thân mình, thần tượng mình “ném đá” là cứ thẳng thừng lao vào ném đá mà không đứng trên bất kỳ lập trường nào. Thế nên họ cứ nghiễm nhiên bình luận theo kiểu “tôi đồng ý với bạn, đánh chết thằng đó đi”; “Ủng hộ chết, cho nó chết”; “đừng lo anh/chị ạ, trời sẽ không dung thứ cho loại người ấy”... dù họ chẳng có thông tin gì.
Nhóm thứ ba là nhóm không hài lòng với mọi thứ trong thời cuộc này. Bất kỳ chính sách gì đưa ra, hay bất kỳ vụ việc gì liên quan đến những người nổi tiếng, những quan chức nhà nước;... họ đều lao vào ném đá, bất kể đúng sai, phải quấy ra sao. Họ không phải không có chính kiến, họ là kẻ có chính kiến nhưng chính kiến chỉ dựa vào cảm xúc, và trước sau cũng chỉ một quyết tâm là “ném đá” mà thôi.
Một xã hội báo chí bắt đầu có sự ưa chuộng mạnh mẽ các luồng thông tin đen, lại tồn tại một lượng độc giả chỉ thích ném đá, thỏa mãn bản thân bằng việc tấn công những người thất thế hay những người phải trả giá trước vành đai pháp luật. Nó khiến người ta cảm thấy bất an, mệt mỏi và thiếu tiến bộ. Nó phải được điều chỉnh bằng những chính sách giáo dục hợp lý, chứ không phải những cải cách thất bại như suốt thời gian qua. Môi trường báo chí phải lành mạnh, chứ không phải đầy rẫy quạ đen và kền kền.
Những nghề bất lương đã đành là bất lương. Những kẻ chỉ biết dựa trên các mẫu chuyện bất lương để kiếm lợi cũng là bất lương. Và tất nhiên, sống bằng những niềm vui tàn nhẫn – vui trên sự thất bại, sụp đổ, sai trái... của người khác cũng là những kẻ chẳng có chút thiện ý nào. Thế nhưng, nó đang tồn tại một cách đáng lo ngại, đáng tiếc, đáng báo động trong xã hội Việt Nam hiện tại. Thật đáng buồn!
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment