VIỆT NAM - Sau đồng bằng sông Cửu Long tới lượt Tây Nguyên khốn khổ vì hạn hán. Các tỉnh ở Tây Nguyên như: Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum vừa yêu cầu chính phủ Việt Nam tiếp sức.
Quân xa chở nước cứu khát cho dân chúng xã H’Bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. (Hình: Tuổi Trẻ)
Giống như đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng hạn hán ở Tây Nguyên đang càng ngày càng trầm trọng. Đa số sông suối ở Tây Nguyên đã trơ đáy. Lượng nước của 140 hồ chứa nước tại khu vực Tây Nguyên hiện chỉ còn khoảng 30% so với thiết kế. Đã có khoảng 50,000 héc ta lúa, cà phê, tiêu chết khô. Chưa kể đang có khoảng 150,000 người thiếu nước ăn uống. Tất cả các tỉnh Tây Nguyên đều đã đề nghị chính phủ Việt Nam chi tiền cứu khát và cứu đói.
Đáng chú ý là ông Cao Đức Phát, bộ trưởng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn của Việt Nam, vừa cảnh báo, trong tháng 4 và tháng 5, tình hình cũng như hậu quả của hạn hán sẽ còn nghiêm trọng hơn hiện nay. Viên bộ trưởng này bảo rằng, tính chất, mức độ trầm trọng của tình trạng hạn hán ở Tây Nguyên khó có thể lượng định và thậm chí sẽ “không thể tưởng tượng được!”
Mới đây, sau khi thị sát tình hình hạn hán tại Tây Nguyên, một viên phó thủ tướng Việt Nam tên là Nguyễn Xuân Phúc, cho biết, có thể chính quyền Việt Nam sẽ yêu cầu các nhà máy thủy điện ở Tây Nguyên tạm ngưng hoạt động để dành nước chống hạn.
Trước chỉ trích kịch liệt của nhiều giới, lần này, Bộ Tài Nguyên Môi Trường của Việt Nam không giải thích hạn hán trầm trọng chỉ là do El Nino (thời tiết khô nóng hơn bình thường, mưa ít, vũ lượng thấp) như trước. Một viên chức của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường Việt Nam, vừa thú nhạn, tình hình hạn hán trầm trọng ở Tây Nguyên là hậu quả tất yếu của “phá rừng và lãng phí nước” (cho phép xây dựng ồ ạt các công trình thủy điện). Nhân vật này cho rằng cần phải thực hiện một cuộc tổng điều tra về nguồn nước ở Tây Nguyên, đánh giá lại thực trạng để hoạch định những giải pháp căn cơ mang tính bền vững.
Cần chú ý rằng điều đó đồng nghĩa với việc có thể phải dẹp bỏ nhiều công trình thủy điện vốn đã ngốn hàng trăm ngàn tỷ đổng và đã biến hàng trăm ngàn héc ta rừng thành bình địa.
Hậu quả của hạn hán tại đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên vốn đã hết sức trầm trọng vẫn được dự đoán là sẽ còn trầm trọng hơn trong hai tháng 4 và 5. Tuy nhiên sau đó, tác hại của biến đổi khí hậu chưa chấm dứt.
Ông Lê Thanh Hải, phó tổng giám đốc Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Việt Nam, vừa cảnh báo, trong nửa cuối của năm nay, Việt Nam có thể sẽ phải đối diện với tình trạng lũ lụt trầm trọng, sau khi vừa đối diện với tình trạng hạn hán chưa từng thấy.
Ông Hải bảo rằng tình trạng lũ lụt vào cuối năm nay có thể ngang với tình trạng lũ lụt hồi 1999. Năm đó, vũ lượng tại miền Trung Việt Nam lên tới 2,000 milimeter, khiến 595 người chết và tổng thiệt hại vật chất vào khoảng 260 triệu Mỹ kim. Ông Hải dự đoán, sau khi hiện tượng El Nino giảm dần vào tháng 6, sẽ có mưa với tần suất cao. Hiện tượng La Nina sẽ xuất hiện và Việt Nam khó tránh khỏi lũ lụt trầm trọng.
Theo ông Hải, ngoài lũ lụt sẽ còn nhiều hiện tượng thời tiết bất thường khác trên toàn Việt Nam và hậu quả rất khó lường. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment