Dùng xe cơ giới san lấp lòng hồ Đan Kia-Suối Vàng trái phép nhưng chủ tịch huyện Lạc Dương nói chưa xác định được người nào. (Hình: Thanh Niên)
Trước đó hai ngày, từ phản ánh của người dân, phóng viên Thanh Niên đã trở lại hồ Đan Kia-Suối Vàng, nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho toàn thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương, chứng kiến nhiều vị trí quanh hồ đang bị xâm lấn nghiêm trọng.
Theo mô tả, tại hiện trường một nhánh của hồ nằm gọn trong một thung lũng giữa nhà máy nước Đan Kia 1 và Đan Kia 2 , thị trấn Lạc Dương đã bị đổ đất chắn ngang ngăn đập. Dọc theo thung lũng này nhiều vị trí bị người dân dùng xe múc đất bên sườn núi đổ xuống lòng hồ tạo thành những thửa vườn bằng phẳng.
Thế nhưng, ông Triều cho rằng “có một số diện tích đất nông nghiệp sản xuất cà phê không hiệu quả, người dân xin san ủi để chuyển đổi cây trồng và được huyện đồng ý. Nhưng khi họ san ủi lại mang đất lấp luôn lòng hồ Đan Kia-Suối Vàng là không thể chấp nhận vì đó là nguồn nước sinh hoạt của Đà Lạt,” ông Triều khẳng định.
Ông Hoàng Văn Hãnh, phó Phòng Tài Nguyên-Môi Trường huyện Lạc Dương thừa nhận, có nhiều vị trí người dân san ủi trái phép khiến lòng hồ bị thu hẹp.
“Nhiều khu đất bị người dân dùng xe cơ giới múc đất lấp hồ, cơ quan chức năng có lập biên bản đình chỉ, nhưng hiện nay, các lô đất lấn hồ này đã được trồng rau và có hàng rào bằng lưới B40 bao quanh,” ông Hãnh cho biết thêm.
Cách đây 4 năm, truyền thông Việt Nam từng cảnh báo phần cuối lòng hồ Hồ Đan Kia-Suối Vàng, bên cạnh sự bồi lắng tự nhiên, người dân còn ngang nhiên dùng xe tải đổ đất đỏ để san lấp mặt hồ, phân lô để sản xuất nông nghiệp. Do không được ngăn chặn kịp thời nên hiện nay có hàng chục ha lòng hồ đã biến thành vườn, được dựng nhà kính để trồng rau...
Ông Võ Quang Tuân, giám đốc công ty cấp thoát nước Lâm Đồng, cho biết, việc lòng hồ Đan Kia-Suối Vàng bị xâm lấn trong nhiều năm qua đã làm giảm trữ lượng tích nước của hồ. Việc người dân san ủi đất lấp lòng hồ làm tăng độ đục của nước, còn canh tác nông nghiệp quanh hồ dẫn đến một lượng lớn rác thải nông nghiệp và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trôi xuống hồ; đây là mối nguy hại cho nguồn nước sinh hoạt của thành phố Đà Lạt.
Tin cho biết, hiện nay 2 nhà máy nước Đan Kia 1 và 2 ở Hồ Đan Kia-Suối Vàng được sự giúp đỡ của Đan Mạch cung cấp cho người dân và du khách đến thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương từ 45,000-55,000 mét khối nước/ngày. (Tr.N)
03-25-2016 1:39:17 PM
No comments:
Post a Comment