GNsP – Trông người …
Chiều 21.3, một sự kiện được coi là chấn động dư luận đã xảy ra tại Seoul Plaza, Thủ đô Seoul – Hàn Quốc. Một người phụ nữ trung niên đã rải tiền ra khắp quảng trường, số tiền ước tính là 22 triệu won (tương đương 400 triệu VND), bà cho rằng cuộc sống và số tiền của bà đang bị đe doạ bởi chồng và con trai, chính vì thế mà bà muốn “tiêu tán” toàn bộ chúng trước khi người thân tìm cách hãm hại và cướp tài sản của bà.
Sự việc trên không có gì là quá gay cấn, tuy nhiên điều đáng nói là trong toàn bộ câu chuyện trên, khi những tờ 1000 won, 2000 won và 5000 bay khắp quảng trường, không có một người dân Hàn Quốc nào hốt hoảng chạy tới nhặt tiền, ngược lại, phản ứng của họ trước sự việc trên là hoàn toàn bình thản và tiếp tục đi qua quảng trường như không hề có chuyện gì xảy ra. Cảnh sát địa phương đã giúp người phụ nữ này gom lại số tiền bị mất – trong khi đó, người dân không đụng đến một tờ tiền nào.
Cảnh sát giúp người phụ nữ gom lại số tiền
…và nhớ đến ta :
Trong 2 ngày 28 và 29.8 năm 2015 (tức 15 và 16.7 âm lịch), rất nhiều “đội quân cô hồn” xuất hiện khắp nơi để tranh nhau giật đồ cúng do người dân thả xuống. Tại Trà Vinh, một đại gia rải tiền như mưa khiến cả xóm náo loạn vì người dân tranh nhau nhặt tiền. Ngồi trên ghế cao, đại gia Trà Vinh cầm cọc tiền rải lia lịa xuống đất. Trong khi thanh niên và trẻ em tranh nhau nhặt tiền gây xôn xao cả xóm. Rải hết cọc tiền này, đại gia lấy thêm cọc tiền khác ra rải tiếp. Chưa rõ cọc tiền mệnh giá bao nhiêu song đã tạo nên không khí vui vẻ và hứng khởi cho cả xóm. Cảnh tượng tương tự xảy ra ở quận Tân Phú, TP.HCM khi người dân cũng tranh nhau nhặt tiền do một chủ tiệm tạp hóa tung lên trời.
cảnh tranh nhau giành tiền khi một đại gia ở Trà Vinh ngồi trên cao rải xuống
Tuy việc rải tiền khác nhau về động lực nhưng người phụ nữ ở Seoul và đại gia ở Trà Vinh hay chủ tiệm tạp hóa ở Tân Phú đều có chung một mục đích đó là muốn cho người khác số tiền của mình. Tuy nhiên, người Việt có câu : “ Của cho không bằng cách cho ”, cho làm sao để người nhận vẫn cảm thấy được tôn trọng điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào nghệ thuật và văn hóa của người cho. Trong trường hợp người cho không biết “ cách cho ” thì trách nhiệm giữ lại giá trị cho chính bản thân mình lại thuộc về người nhận. Cùng là thấy tiền rơi và cũng không là phạm pháp nếu nhặt những tờ tiền rơi đó nhưng tại sao “ biết người phụ nữ này trên thực tế đã “cố tình” khước từ quyền sở hữu tài sản trước công chúng như vậy ”, trên đường phố, không có một người dân Hàn Quốc nào màng tới những tờ giấy bạc đang nằm vương vãi khắp mặt đất, trong khi đó theo mô tả trong clip tại Việt Nam thì có rất nhiều thanh niên trai trẻ lại tự biến mình thành các “vong hồn, âm binh lang thang” tranh nhau giành giật tờ giấy bạc đang bay là đà, nghĩa là khi chúng còn chưa kịp chạm xuống mặt đất .
Nhận định về câu chuyện “ Người phụ nữ vứt tiền ra đường và cái kết không ngờ ” tác giả Vũ Hương Quỳnh đã viết:
“Cuối cùng là việc khen thưởng người tốt, phạt người xấu rất phân minh. Khi bạn sống trong một xã hội mà bạn biết chắc rằng mình làm đúng sẽ được bảo vệ, được trân trọng và được yêu quý thì rất khó để tâm tính trở nên xấu xa. Nếu luật pháp có nghiêm trị, nhưng bản thân con người không cảm thấy được giá trị thật sự của họ, được bảo vệ thì sẽ rất khó để trở thành một người tốt “.
Điều này có nghĩa khi người dân tin rằng những hành động đúng, tốt có ý thức của mình sẽ được cộng đồng bảo vệ, trân trọng và có sự cộng hưởng thì họ sẽ không ngần ngại để trở thành người tốt. Khi một người dân Hàn Quốc quyết định không nhặt những tờ tiền không phải là của mình thì thái độ của họ cũng được sự đồng tình ủng hộ bằng một thái độ tương tự của những người khác. Cũng vậy, tại Trà Vinh, Tân Phú, nếu ai cũng nhào vào giành giật những tở tiền bố thí cho “ cô hồn” thì những người không làm như thế liệu có thoát được cái suy nghĩ “ thiên hạ có khi đang ngủ cả, dại gì mà thức một mình ta ? ” .
Vì thế, nếu sống trong một xã hội mà những người hành động có ý thức hiếm hoi như “ Sao buổi sớm “ , như “ lá mùa Thu ” thì nhiều người đã phải tự nhận rằng muốn làm người tốt cũng khó. Bởi lẽ họ không dám tin rằng thái độ sống có ý thức của mình sẽ được cộng đồng hưởng ứng và trân trọng. Mới đây trên các trang mạng có đăng câu chuyện“ anh Nguyễn Văn Sình (35 tuổi, tài xế), khi thấy đôi nam nữ nhảy cầu tự tử, đã nhanh nhẹn để xe máy dưới chân cầu An Lộc rồi nhảy xuống cứu 2 người. Khoảng 15 phút sau, do không tìm thấy nên anh Sình lên bờ mới biết xe máy của mình đã “không cánh mà bay”. Quả cũng là một cái kết đầy bất ngờ nhưng không phải là hiếm xảy ra trong cái xã hội mà bệnh vô cảm hay chủ nghĩa mackeno” đang lan truyền như một cơn đại dịch chưa tìm ra thuốc đặc trị.
Cũng trong nhận định của mình, tác giả Vũ Hương Quỳnh viết : “Từ khi còn rất nhỏ, nếu làm những việc tốt cho cộng đồng, các em bé ở Hàn Quốc đã luôn được khen ngợi và đề đạt để tiếp tục phát huy. Việc giáo dục một con người không phải là chuyện một sớm một chiều, để có thể làm cho ý thức người dân trở nên mạnh mẽ như vậy, là công việc của cả một chế độ và một đất nước .” Đúng vậy ! Nhân cách, đạo đức, thói quen của một con người dù tốt hay xấu bao giờ cũng là kết quả của một quá trình hình thành lâu dài. Xã hội nào thì có con người đó. Sống trong một cộng đồng, một đất nước, nhân cách con người cũng được hình thành hay chịu sự chi phối của những tiêu chuẩn cộng đồng, những quy định thành văn hay bất thành văn về các lĩnh vực đạo đức, văn hóa, thẩm mỹ…Vì thế nhân cách sống của mỗi người là sản phẩm tất yếu của xã hội chúng ta đang sống.
Trong quá trình hình thành tâm hồn nhân văn cho người trẻ, chương trình giáo dục tại Việt Nam, đặc biệt là môn chính trị, đạo đức đã nhồi nhét cho giới trẻ bao lý tưởng cao đẹp như hy sinh cho Tổ Quốc, yêu nước là yêu Chủ Nghĩa Xã Hội, yêu lý tưởng Cộng Sản…Tâm hồn nhân văn của họ nhận được gì khi đã có một khoảng cách khá lớn giữa giá trị thực tế của cuộc sống và những điều được thuyết giảng ? Ông Mai Chí Thọ, Chủ tịch Hội Khuyến Học TP. HCM đã nhìn nhận ra vấn đề khi phát biểu trên báo Công An rằng: “ Chúng tôi đấu tranh chống những khuynh hướng sai lầm trong giáo dục, đào tạo. Đó là khuynh hướng duy ý chí, muốn nôn nóng đưa giáo dục chính trị vào ngay cả từ lớp vỡ lòng. Rốt cuộc chính trị không đạt yêu cầu mà nhân cách cũng không được xây dựng”.
Trễ còn hơn là không bao giờ ! Ước mong một ngày Việt Nam thực sự hóa Rồng và điều này không chỉ căn cứ vào những con số, những thành tích được báo cáo nhưng là nhân cách sống của mỗi người dân khiến bạn bè năm châu phải ngưỡng mộ như đã ngưỡng mộ những người dân Hàn Quốc trong câu chuyện nêu trên.
26.03.2016 - 9:21am
Điền Phương Thảo
(những trích dẫn và hình ảnh trong bài viết lấy lại từ internet)
No comments:
Post a Comment