Friday, March 11, 2016

Sầm Sơn sau biểu tình

 Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Theo RFA- 2016-03-10  
620
Cảnh buôn bán trên bãi tắm Sầm Sơn.  RFA photo
Sau nhiều ngày bà con ngư dân và những gia đình buôn bán ở các xã dọc bờ biển Sầm Sơn, Thanh Hóa biểu tình vì dự án của tập đoàn FLC làm ảnh hưởng và gây tổn thất nặng nề đến họ. Đặc biệt, chính sách di dời, đền bù không hợp lý và không thỏa đáng của nhà nước đã đẩy ngư dân đến chỗ bế tắc. Tuy nhiên, lời hứa của ông Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa đã làm cho bầu không khí có phần dịu xuống. Nhưng, vấn đề này sẽ đi đến đâu và lời hứa của ông Bí thư tỉnh Thanh Hóa nên hiểu theo cách nào? Chính quyền Thanh Hóa đứng về phía dân nghèo hay đứng về phía FLC?
Cán bộ nói gì?
Một cán bộ địa chính, người có trách nhiệm liên quan và nắm chức năng khá quan trọng trong vấn đề dự án biển Sầm Sơn, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Chủ yếu là do người ta không hiểu biết chủ trương của tỉnh. Tỉnh có chủ trương khai thác các rìa bờ biển rồi sau đó sẽ làm bến thuyền cho dân nhưng dân không hiểu biết cứ sợ rồi sẽ bị phạt, vừa rồi ông bí thư tỉnh ủy gặp, xong rồi giải quyết luôn!”
Theo ông cán bộ này, mọi chuyện do dân không hiểu biết mà nên, hơn nữa, ông còn cho rằng dân bị một thế lực nào đó xúi giục nên đã tổ chức biểu tình phản đối chứ phía nhà nước và FLC hoàn toàn không có gì sai trái trong chuyện này.
Không dừng ở đây, ông cán bộ địa chính còn cho rằng một xã hội muốn công bằng, văn minh thì phải mở rộng cơ sở hạ tầng, phải biết làm kinh tế hiệu quả và phải thu hút tư bản, có như vậy thì lượng tiền dư ra sẽ giúp dân được rất nhiều việc thông qua phúc lợi xã hội từ bảo hiểm y tế cho đến việc làm và mức sống…
Ông tiết lộ thêm là hiện nay, tỉnh ủy đang có chính sách ưu tiên và khuyến khích cho các ngư dân cũng như các hộ kinh doanh nào đến nhận tiền đền bù sớm sẽ được ưu tiên nhiều thứ. Trong đó ưu tiên mặt bằng thuận tiện buôn bán, bãi đỗ thuyền cũng như mức đền bù sẽ được xét lại, có thể cao hơn mức đã được định nhiều lần.
Và hiện tại, nhà cầm quyền thị xã Sầm Sơn cũng có một chính sách chống hiệu ứng lây lan trong vấn đề phản đối của người dân. Nghĩa là có sự cách ly giữa những người biểu tình và những xã khác bằng nhiều cách. Trong đó không ngoại trừ việc dựng những hàng rào an ninh liên xã một cách kín đáo để tránh tình trạng chèo kéo, xúi giục. Đó là những gì ông cán bộ địa chính tiết lộ.
Và điều này cũng đã được thực hiện, bằng chứng là dân ở những xã lân cận không thể nào tiếp cận các xã có công trình của FLC, thậm chí người dân còn không dám bình luận hay nhận xét gì về vụ việc vốn dĩ rất nổi cộm trong hai tuần qua. Khi hỏi về biểu tình, một phụ nữ tên Ngàn, sống ngay xã liền kề của khu vực công trình FLC cho biết: “Em không biết vụ này vì em không tham gia, hình như em thấy đợt này yên ắng rồi không thấy nói gì...”
Theo bà Ngàn, không phải là bà không quan tâm đến vấn đề bà con ngư dân và các hộ buôn bán biểu tình ở ủy ban nhân dân tỉnh nhưng vấn đề quá nhạy cảm nên bà không dám đụng đến. Trong suốt thời gian bà con ngư dân và các hộ buôn bán biểu tình, có nhiều người ở các xã khác hưởng ứng và đi lên ủy ban tỉnh cùng biểu tình. Nhưng ngày hôm sau, công an đã chắn hết các tuyến đường liên xã để ngăn chặn biểu tình lây lan.
Và hầu hết các xã lân cận rơi vào tình trạng tê liệt trong suốt quá trình bà con ngư dân và các gia đình buôn bán biểu tình. Bởi vì chính quyền đã làm mọi cách để ngăn chặn tình trạng vết dầu loang trong biểu tình. Bởi nhà cầm quyền vẫn thừa biết hầu hết người dân đều không đồng thuận với họ. Không riêng gì chuyện xây dựng của FLC mà chuyện xây dựng khu lò thiêu cho toàn miền Bắc ở Quảng Xương gây ô nhiễm nghiêm trọng, cư dân toàn vùng và các ống dẫn nước ra ao cá của dân bị đen ngòm kể từ khi lò thiêu này hoạt động.
400
Bến thuyền mới của ngư dân Sầm Sơn. RFA photo
Nhìn chung, nếu như chính quyền không ngăn chặn cuộc biểu tình của bà con ngư dân Sầm Sơn thì rất có thể cuộc biểu tình này sẽ nở rộ trên toàn tỉnh bởi nhiều nỗi bức xúc cộng hưởng. Theo bà Ngàn, câu chuyện của ngư dân Sầm Sơn chỉ là một trong những câu chuyện bức xúc ở Thanh Hóa.
Hộ kinh doanh và ngư dân Sầm Sơn nói gì?
Một chủ hộ kinh doanh ở bờ biển Sầm Sơn, vì lý do nhạy cảm, chúng tôi xin phép không nêu tên của vị này, ông cho biết: “Nói chung thì để thỏa đáng thì không thỏa đáng được. Như quán của tôi thì đầu tư năm ngoái là 1,7 tỷ, nhưng giờ nhà nước đền bù thì họ phá hợp đồng của mình, bởi tôi thuê hợp đồng bốn năm. Như giờ chủ trương của nhà nước là di dời bến thuyền đi chỗ khác cách khoảng 12km đến 15km. Mà lưới của dân chài ở đây thì phải đi về lúc 8 đến 9 giờ sáng.
Chồng đi về là vợ phải gỡ lưới rồi đi chợ luôn, cá ở đây gần bờ, là cá khoai này, các loại cá ngon, không độc, không ướp đá hay tẩm gì luôn. Vậy mà giờ bảo người ta 2 – 3 giờ sáng phải di chuyển mười mấy km rồi đi thuyền thì làm sao mà đi, rồi điện nước, rồi nơi tàu thuyền đỗ phải có người ở lại để trông coi không thì người ta ăn trộm lưới, ăn trộm máy… Tôi thấy rõ ràng là khó! Nhìn chung là chưa có gì thỏa đáng. Kể cả các hộ kinh doanh”
Theo vị này, chính sách đền bù và giải tỏa của nhà nước đối với các hộ kinh doanh cũng như những ngư dân là hoàn toàn thiếu trách nhiệm và không thỏa đáng. Bởi lẽ. Căn cứ theo luật đất đai thì những gia đình ngư dân Sầm Sơn đã khai hoang khu vực bờ biển Sầm Sơn đã được gần ba trăm năm nay, họ tự chia lô để đậu tàu thuyền và chia lô trên bãi cát để gở lưới, phơi lưới. Điều này mặc nhiên cho họ trở thành chủ nhân của các vuông đất trên bờ. Và nếu làm đúng trình tự pháp luật thì chính quyền đã phải cấp sổ đỏ cho họ từ lâu.
Nhưng ở đây, không những cấp sổ đỏ cho dân thuận tiện làm ăn mà ông Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa đã tuyên bố rằng đất là của nhà nước, khi cần thì nhà nước làm. Và chính câu nói này đã khiến cho người dân bất bình nặng nề bởi ông Bí thư đã đẩy nhà nước và nhân dân về hai phía đối nghịch.
Và hiện tại, có một số hộ dân đã ngưng biểu tình, thỏa hiệp với nhà cầm quyền để được nhận khoản đền bù gấp đôi hoặc gấp ba so với bản thống kê đưa ra trước đây. Nhưng đây chỉ là những hộ đơn lẻ, bị thiệt thòi không đáng kể. Vị chủ hộ kinh doanh này cho rằng đây là một chiến thuật của nhà nước.
Thay vì giữ lại khu đánh bắt của ngư dân thì họ dùng chiến thuật tằm ăn dâu, cho một số hộ dân nhận đền bù và ra đi rỉ rả nhằm làm giảm dần con số các ngư dân phản đối. Và một khi có người chấp nhận ra đi sẽ làm ảnh hưởng đến người ở lại không nhỏ. Họ bị chi phối nhiều thứ và cái cớ của nhà nước sẽ là “sự hợp lý của các hộ đã đi”.
Trong khi đó, bảng thống kê đền bù chung chung của mỗi hộ ngư dân chỉ là một trăm triệu đồng. Số tiền này chẳng giúp được gì cho các ngư dân. Vả lại, số tiền đền bù của các hộ kinh doanh thì quá thấp. Vì ký hợp đồng thuê bốn năm nhưng chỉ mới xây dựng và khai thác năm đầu tiên, thậm chí là tháng đầu tiên. Số vốn dao động từ một tỉ đồng đến hai tỉ đồng đầu tư của các gia đình kinh doanh chưa thể thu hồi được. Người nào giỏi lắm cũng chỉ thu hồi được chừng một trăm triệu đồng.
Bây giờ nhà nước giải tỏa, đền bù dao động từ bốn trăm triệu đến bảy trăm triệu đồng, con số này hoàn toàn không hợp lý bởi hơn một tỉ đồng bị mất là con số quá đau của người kinh doanh. Đó là chưa muốn nói đến hầu hết các gia đình kinh doanh phải vay vốn ngân hàng để đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh, quán xá.
Theo vị này, ngư dân và các hộ kinh doanh đang phải đối mặt với một chiến thuật của nhà cầm quyền Thanh Hóa mà cái lợi sẽ thuộc về FLC. Người dân sẽ trắng tay trong chiến thuật hoãn biểu tình để rồi đẩy dần ngư dân và hộ kinh doanh ra khỏi khu vực FLC xây dựng. Cuối cùng, thiệt thòi bao giờ cũng thuộc về người dân!

No comments:

Post a Comment