Theo BBC-9 giờ trước
Tổng thanh tra Chính phủ Việt Nam nói “rất cẩn trọng trong tiếp nhận, xử lý” các loại đơn mạo danh liên quan đến nhân sự Đại hội.
Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12 sẽ khai mạc ngày 20/1, quyết định các chức danh lãnh đạo cao nhất cho nhiệm kỳ 5 năm.
Thời gian vừa qua, trên mạng internet xuất hiện nhiều đơn thư, tài liệu tố cáo một số quan chức, kể cả Thủ tướng, Chủ tịch nước Việt Nam.
'Tiếp nhận, xử lý'
Hôm 5/1, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nói với truyền thông trong nước về các loại đơn liên quan đến nhân sự ở Đại hội Đảng các cấp.
“Chúng tôi phối hợp với ủy ban kiểm tra các cấp để tiến hành chuyển đơn, xem xét theo đúng quy định pháp luật và quy định của điều lệ Đảng.”
“Đối với các loại đơn mạo danh liên quan đến nhân sự Đại hội, chúng tôi rất cẩn trọng trong tiếp nhận, xử lý.”
Ông Tranh giải thích: “Sau khi tiếp nhận thì chúng tôi trao đổi với các cơ quan chức năng, đặc biệt là ủy ban kiểm tra Trung ương là cơ quan có thẩm quyền về tư cách đại biểu đi dự Đại hội Đảng.”
Trong diễn biến liên quan các tài liệu trên mạng, báo điện tử Một Thế Giới ngày 5/1 ra thông cáo bác bỏ một đoạn ghi âm gắn tên phóng viên của họ.
Tờ báo nói: "Hôm 4/1, có trang mạng xã hội chia sẻ một đoạn file ghi âm được cho là nội dung cuộc điện thoại của một phóng viên Báo điện tử Một Thế Giới mang tên Nguyễn Tuấn Nam với một cán bộ Ban Nội chính Trung ương liên quan đến tài sản của một lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.
Ban biên tập báo điện tử Một Thế Giới khẳng định thời gian qua không cử bất cứ phóng viên nào gọi điện phỏng vấn cán bộ Ban Nội chính Trung ương như file ghi âm lan truyền. Đồng thời, phóng viên Nguyễn Tuấn Nam cũng xác nhận không thực hiện cuộc gọi điện phỏng vấn như trên và giọng nói trong file này không phải là giọng của mình.”
Trước đó, hôm 30/12, một cán bộ ngoại giao đã nghỉ hưu ở Hà Nội, Lương Thanh Sở, đăng trên Facebook cá nhân nói ông không có bài viết nào trên mạng về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Một bài viết đã được đăng tải lấy tên ông Sở.
Nhưng ông Sở khẳng định đây là bài viết trên trang Ba Sàm là “mạo danh”.
“Tôi không có bất cứ một bài báo nào đăng vào trang của Ba Sàm. Tôi phản đối và lưu ý người mạo danh tên tôi là vi phạm luật pháp.
Có thể người ta lợi dụng thời điểm tôi vừa nhận huy hiệu 50năm tuổi Đảng để "phong" cho tôi là đảng viên lão thành rồi gắn tên tôi thành tác giả bài báo. Tôi khẳng định đây là bài viết mạo danh.”
Đầu tháng 12/2015, mạng xã hội lan truyền đơn “Đề nghị thanh tra khối tài sản của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc” được cho là của ‘một vị lão thành ở Tam Kỳ, Quảng Nam’ và đơn của một người tự nhận là ‘Nguyễn Đức Hạnh, cán bộ Văn phòng Chính phủ’ đề nghị thanh tra “việc 5 tháng trước khi rời chức Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc vẫn kịp ký bổ nhiệm 15 vụ trưởng, 35 vụ phó, gần 50 trưởng phòng, phó phòng, kiếm hàng chục triệu đô la”.
Hôm 30/12, báo Tuổi Trẻ thông báo một lãnh đạo Văn phòng Chính phủ mô tả điều họ gọi là đơn thư xuất hiện trên mạng internet tố cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là đơn thư ‘mạo danh’ và “Văn phòng Chính phủ không có cán bộ tên Nguyễn Đức Hạnh”.
No comments:
Post a Comment