HÀ NỘI (NV) - Chẳng riêng dân chúng mà hệ thống truyền thông của chính quyền Việt Nam cũng chịu không nổi sự trơ trẽn của viên chức CS Việt Nam khi nó vượt khỏi mức độ chịu đựng của nhiều người.
Một người bán vé số đang mưu sinh. Theo tuyên bố của giám đốc Sở Tài Chính Tiền Giang thì đây đều là những “tỷ phú.” (Hình: Người Lao Động)
Sau khi phanh phui hàng loạt công ty xổ số của các tỉnh thi nhau sử dụng công quỹ để mua chuộc lãnh đạo của tỉnh bằng cách bao họ và thân nhân đi du lịch ngoại quốc dưới chiêu bài “học hỏi kinh nghiệm về tổ chức - quản lý hoạt động xổ số,” báo chí Việt Nam tiếp tục thu thập và công bố hàng loạt thông tin liên quan đến thu nhập của những viên chức là lãnh đạo các công ty xổ số.
Từ chuyện những viên chức này lãnh khoảng 700 đến 800 triệu đồng/năm, nhiều người cho rằng, các công ty xổ số tại Việt Nam và Sở Tài Chính các tỉnh hết sức bất nhân khi chỉ bỏ túi và phung phí chứ không chia sẻ lợi nhuận khổng lồ đó cho giới bán vé số - vốn hết sức cùng khổ.
Đáp lại những chỉ trích này, ông Hồ Kinh Kha, giám đốc Sở Tài Chính Tiền Giang, vừa khuyến cáo đừng chỉ trích các công ty xổ số vì những công ty này góp phần đáng kể đối với an sinh xã hội. Nhiều người nhà nghèo, trở thành thạc sĩ, tiến sĩ là nhờ bán vé số mà có tiền ăn học. Ở Tiền Giang, có nhiều đứa trẻ đi học một buổi, buổi còn lại đi bán vé số, kiếm được từ 100,000 đồng đến 200,000 đồng. Còn ở An Giang, có những người tàn tật dùng xe lăn đi bán vé số có thể bán mỗi ngày 3,000 tờ.
Sau tuyên bố vừa kẻ của ông Kha, tờ Lao Động tạm tính, nếu mỗi tờ vé số đem lại cho người bán 1,100 đồng tiền lời, một ngày bán được 3,000 tờ thì mỗi ngày, một người bán vé số kiếm được đến ba triệu đồng, một tháng kiếm được hàng... trăm triệu thì chắc sắp có nhiều người tự bẻ lọi giò để... đi bán vé số. Tờ Lao Động kêu gọi những người Việt do bế tắc về sinh kế, đang trốn chui, trốn nhủi ở ngoại quốc để kiếm cơm nuôi gia đình nên quay về ngay để gặp ông Hồ Kinh Kha, hỏi thăm bí quyết thành tỷ phú nhờ bán vé số.
Dường như muốn chứng tỏ rằng “trung ương không thua địa phương về mức độ trơ trẽn, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, bộ trưởng Y Tế, lập tức đăng đàn tuyên bố tại Đại Hội Đảng CSVN lần thứ 12 rằng, Việt Nam là một trong 39 quốc gia trên thế giới làm chủ được công nghệ sản xuất vaccine, tự nghiên cứu sản xuất và cung ứng đủ 11/12 loại vaccine.
Chen lấn giành phiếu chích ngừa dịch vụ. Việt Nam là một 39 quốc gia trên thế giới làm chủ được công nghệ sản xuất vaccine nhưng những cảnh như trong ảnh đã kéo dài suốt nhiều năm ở nhiều nơi. (Hình: Zingnews)
Tuyên bố của bà Tiến được đưa ra trong bối cảnh, đến nay, Việt Nam vẫn ngửa tay nhận Quinvaxem (loại vaccine “5 trong 1” do Nam Hàn sản xuất, ngừa các bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan siêu vi B, viêm màng não mủ) từ WHO (Tổ Chức Y Tế Thế Giới). Tuy Quinvaxem được tổ chức chích miễn phí nhưng vì có nhiều đứa trẻ thiệt mạng sau khi chích Quinvaxem, Bộ Y Tế Việt Nam từng phải ra lệnh tạm ngưng sử dụng Quinvaxem nên dân chúng Việt Nam chấp nhận trả tiền cho con chích các loại vaccine khác.
Bởi vaccine ngừa những loại bệnh nguy hiểm cho trẻ rất hiếm, chuyện ông bà, cha mẹ phải xếp hàng từ đêm hôm trước cho tới sáng hôm sau nhằm giành cho bằng được một phiếu chích ngừa dịch vụ (chích ngừa phải trả tiền) đã kéo dài nhiều năm. Do vaccine dạng “dịch vụ” khan hiếm, nhiều phụ huynh khá giả phải đưa con cháu của họ sang những quốc gia lân cận như Thái Lan, Singapore để... chích ngừa!
Tờ Lao Động dẫn sự kiện hồi cuối tháng trước, dân Hà Nội đạp lên nhau để tìm một phiếu chích ngừa dịch vụ cho con cháu được chích Pentaxim (một loại vaccine 5 trong 1 giống như Quinvaxem) kèm nhận định, Việt Nam chưa làm chủ được “công nghệ xếp hàng” khi muốn chích ngừa. Tờ báo này thắc mắc, tại sao thứ dân cần Bộ Y Tế làm chủ thì lại không có khiến cho phụ nữ ngại... đẻ? (G.Đ)
01-24-2016 3:34:57 PM
No comments:
Post a Comment