TS. Đoàn Xuân Lộc
Gửi cho BBC từ Anh quốc 7 giờ trước
Chính trị ở Việt Nam dưới chế độ Cộng sản từ trước tới giờ luôn đơn điệu. Rất ít, hay không có, thay đổi và hiếm khi có bất ngờ. Thường bầu cử chưa diễn ra, người ta đã biết ai sẽ được bầu, ai sẽ trúng cử.
Nhưng xem ra, với những gì đã và đang xẩy ra trước và trong Đại hội 12, đặc biệt trong ngày Chủ nhật 24/01 này, chính trị Việt Nam cũng có nhiều điều bất ngờ, khó đoán.
Với việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – một trong những người thuộc trường hợp quá tuổi – được Đại hội 12 giới thiệu tái cử, bầu cử lãnh đạo tại đại hội này cũng gay cấn, gây nhiều hồi hộp không thua gì các cuộc bầu cử ở các nước tự do, dân chủ.
Mãi tới ngày hôm qua (23/01), nhiều người trong giới quan sát và dư luận Việt Nam nói chung đều cho rằng sự nghiệp chính trị của ông Dũng đã được định đoạt và sẽ kết thúc sau Đại hội 12.
Trái lại, người chắc chắn sẽ ở lại và tiếp tục nắm giữ chức vụ Tổng Bí thư là ông Nguyễn Phú Trọng vì ông Trọng là người duy nhất trong ‘bộ tứ’ lãnh đạo hiện tại được được Bộ Chính và hội nghị 14 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 giới thiệu tái cử và tiếp tiếp tục nắm giữ chức vụ ấy.
Nhưng việc ông Dũng được Đại hội 12 giới thiệu tái cử – và là người được giới thiệu nhiều nhất trong số những người được giới thiệu – cơ hội ông Dũng trở thành Tổng Bí thư hay được bầu vào một vị trí quan trọng nào khác, như chức Chủ tịch nước, vẫn chưa hoàn toàn hết.
Tại sao lại giới thiệu?
Câu hỏi đặt ra là tại sao các đại biểu tham dự Đại hội 12 lại giới thiệu ông Dũng và một số người khác tái cử?
Một trong lý do ấy có thể là các đại biểu không hài lòng với chuyện ‘trên cử, dưới bầu’, và cách làm độc đoán, không dân chủ của ông Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương khóa 11.
Trước và trong Đại hội 12 có nhiều quan chức Việt Nam lên tiếng về điều 13 của Quyết định 244 do ông Nguyễn Phú Trọng ký năm 2014.
Ông Trọng thường được coi là người bảo thủ, giáo điều, thân Trung Quốc, và như vậy không thực sự phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cần hội nhập, gần gũi với Mỹ và các nước dân chủ, phát triển để đối phó với thái độ càng ngày càng đang mạnh bạo, hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trái lại, có thể trong mắt một số đại biểu, tuy ông Dũng có những khuyết điểm, ông có những ưu điểm khác mà ông Trọng không có. Đây có thể là một lý do nữa họ giới thiệu ông Dũng tái cử.
Trong bài tham luận tại Đại hội 12 sáng hôm qua (23/01), Chủ tịch Liên đoàn Lao Động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đã đặc biệt ‘bày tỏ sự kính trọng và biết ơn’ đối với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ‘đã thể hiện dũng khí và bản lĩnh của người lãnh đạo’, khi Trung Quốc tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Trung Quốc từ thời cổ đại.
Điều đáng chú ý là ông Tùng không nêu tên ông Nguyễn Phú Trọng.
Ai không muốn đổi mới?
Việc Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu Tư Bùi Quang Vinh có bài tham luận tại Đại hội 12, trong đó ông nhấn mạnh việc ĐCS cần phải cấp bách đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế cũng cho thấy trong 1510 đại biểu tham dự đại hội này cũng có người thực sự dám nhìn thẳng vào sự thật và muốn ĐCS đổi mới mạnh mẽ để Việt Nam bắt kịp – hay ít ra khỏi tụt hậu so với – các nước trong khu vực.
Nếu dựa trên những phát biểu, việc làm của ông trước đây và đặc biệt báo cáo của ông trong ngày khai mạc đại hội 12, ông Nguyễn Phú Trọng không phải là người muốn và tiến hành những đổi mới cấp bách mà Bộ Trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Một trong những điểm đầu tiên và căn bản nhất mà Đảng Cộng sản (ĐCS) phải cấp bách đổi mới là việc bầu cử lãnh đạo ngay trong Đảng.
Sẽ không có chuyện đổi mới hệ thống chính trị, nếu vẫn giữ những quy định – như ‘không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị’ của Quyết định 244.
Bằng việc giới thiệu ông Dũng và nhiều người khác – ngoài danh sách do Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trương khóa 12 giới thiệu, đề cử – tái cử, xem ra các đại biểu tham dự Đại hội 12 cũng đang từ từ tiến hành những đổi mới chính trị ấy.
Nếu thực sự họ có tâm huyết, quyết tâm đổi mới như vậy, họ sẽ có những quyết định quan trọng nữa trong vấn đề nhân sự cấp cao và chính sách của Việt Nam tại Đại hội 12 này.
Và nếu vậy, bốn nhân vật lãnh đạo cao nhất của Việt Nam sau Đại hội 12 chưa chắc là bộ tứ ‘một cũ ba mới’ – bao gồm Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Thị Kim Ngân –được Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 giới thiệu.
Có thể có những thay đổi vào giờ phút cuối. Do đó, không loại trừ có ‘kết quả bất ngờ’ về nhân sự cấp cao vào ‘phút thứ 89’ hay thậm chí những giây phút cuối cùng của ‘thời gian đá bù giờ’ tại Đại hội 12 này, dù khả năng có bất ngờ ấy không nhiều, nếu không muốn nói là rất ít.
Nếu điều đó xẩy ra, câu nói ‘một tuần là thời gian dài trong chính trị’ của Harold Wilson, một chính gia có tiếng của Anh, cũng đúng với chính trị Việt Nam trong những ngày này.
Bài viết, thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, hưởng ứng chuyên mục Diễn đàn của BBC "Viết về Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12".
No comments:
Post a Comment