Sunday, January 24, 2016

Nguyễn Tấn Dũng còn cơ hội ‘lật ngược thế cờ’

HÀ NỘI (NV) - Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN, có thể “lật ngược thế cờ” trong cuộc đấu đá tranh ghế tổng bí thư tại Đại Hội 12 của Đảng CSVN đang diễn ra tại Hà Nội, mà trước đó một số chức sắc phát ngôn của Đảng CSVN nói chỉ có một người “quá tuổi” ở lại là Nguyễn Phú Trọng.

Các đại biểu tham dự Đại Hội 12 của đảng CSVN. Một số trong 1,510 đại biểu này đang giúp ông Nguyễn Tấn Dũng “lật ngược thế cờ.” (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images) 

Hôm 24 Tháng Giêng, truyền thông tại Việt Nam đồng loạt loan tin, ông Nguyễn Tấn Dũng được các đại biểu tại đại hội 12 đề cử tiếp tục “ở lại.” Cùng với ông Dũng, trong số các ủy viên Bộ Chính Trị được đại hội đề cử còn có các ông Trương Tấn Sang (chủ tịch nước), Nguyễn Sinh Hùng (chủ tịch Quốc Hội), Lê Thanh Hải (bí thư thành ủy Sài Gòn), Phạm Quang Nghị (bí thư thành uỷ Hà Nội), Lê Hồng Anh (thường trực Ban Bí Thư), Tô Huy Rứa (trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương),...

Vũ Ngọc Hoàng, ủy viên Trung Ương Đảng, phó trưởng Ban Thường Trực Ban Tuyên Giáo Trung Ương của Đảng CSVN, được VietNamNet dẫn lời cho biết: “Trong số các nhân sự được giới thiệu, đề cử thêm, có khá nhiều người trong nhóm uỷ viên Bộ Chính Trị quá tuổi đã xin rút trước đó.”

Trong cuộc họp đại hội đảng đang diễn ra, “các đoàn đại biểu” trung ương và địa phương đã “giới thiệu” thêm 62 người mới bên cạnh “221 người được “Ban Chấp Hành Cũ” giới thiệu vào trung ương đảng khóa mới. Như ở trên trình bày, những ông quá tuổi “xin rút” vẫn nằm trong danh sách được “bỏ phiếu.”

Tin chưa được kiểm chứng cho hay, “ông Nguyễn Tấn Dũng là người được giới thiệu nhiều nhất: Được 35 đoàn với 270 phiếu giới thiệu; Đứng thứ hai là Trương Tấn Sang có 16 đoàn với 78 phiếu giới thiệu; còn Nguyễn Sinh Hùng được 7 đoàn với 8 phiếu giới thiệu.”

Các cuộc bầu bán xuyên qua ứng cử, đề cử “dân chủ tập trung” của đảng CSVN qua nhiều vòng đấu đá phức tạp, lôi kéo phe cánh bị bưng bít toàn diện mà người ta chỉ biết qua các tin tức “ngoài luồng” trên Internet. Nay các thông tin đó đã được các quan chức nói với báo chí xác nhận là đúng.

Đương kim tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, năm nay đã 72 tuổi và là người già nhất trong 10 ủy viên Bộ Chính Trị CSVN trên nguyên tắc phải về vườn, dù là người duy nhất được bộ chính trị “đề nghị ở lại” để giữ cái ghế chóp bu của đảng, mà theo lời Vũ Ngọc Hoàng, (phó Ban Tuyên Giáo Trung Ương Đảng CSVN) nói rằng vì “các đồng chí trong tuổi đảm nhận chức vị này chưa được.”

Nhưng chuyện Trung Ương Đảng Khóa Cũ “giới thiệu” và những người người khác trong Bộ Chính Trị CSVN được đề cử “xin rút” lại vẫn được những người của khóa mới đề cử thì vẫn là các ứng cử viên cho vào “danh sách được bỏ phiếu,” tương lai chính trị của ông Nguyễn Tấn Dũng chưa hẳn đã bị khép lại nếu ông ta có phe đảng bỏ nhiều phiếu đủ tỉ lệ đòi hỏi.

Theo lời ông Vũ Ngọc Hoàng, người ta thấy có 4 ủy viên trung ương đảng quá tuổi khác (theo quy định) lại được gọi là trường hợp “đặc biệt” được “giới thiệu tái cử” vào Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng khóa XII gồm Uông Chu Lưu (phó chủ tịch Quốc Hội, cựu bộ trưởng Tư Pháp), Bùi Văn Nam (thứ trưởng Bộ Công An), Đỗ Bá Tỵ (thứ trưởng Quốc Phòng, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội), Huỳnh Phong Tranh (tổng thanh tra chính phủ).
Dư luận không chú ý mấy đến chuyện 3 cái ghế chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc Hội được loan báo “đề cử” (lần lượt là Tướng Công An Trần đại Quang, Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân) hay mấy người “quá tuổi kia.”

Sự chú trọng dồn vào cuộc đấu đá chiếc ghế tổng bí thư đảng CSVN của ông Nguyễn Phú Trọng mà người ta thấy ông thủ tướng đã hết hai nhiệm kỳ Nguyễn Tấn Dũng (năm nay cũng đã 67 tuổi) đang cố gắng lội dòng nước ngược.

Trung Ương Đảng khóa XI có 175 ủy viên chính thức và 25 dự khuyết. Theo những sự thỏa thuận qua các cuộc họp trước, Trung Ương Đảng CSVN khóa XII sẽ gồm 180 ủy viên chính thức và 20 dự khuyết. Ai sẽ được vào khóa mới đã được Bộ Chính Trị “duyệt” theo sự “đề cử” trong những kỳ họp Trung Ương Đảng mới đây.

Nếu có ai trong số đó xin “rút” mà lại bị đại hội “bỏ phiếu” không cho rút vì “số tín nhiệm cao” thì vẫn “được đưa vào danh sách bầu Ủy Viên Ban Chấp Hành khóa XII” của Trung Ương Đảng CSVN, theo lời giải thích của ông Lê Quang Vĩnh, phó Chánh Văn Phòng Trung Ương Đảng CSVN.

Sau khi Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN khóa XII đã có kết quả, cái “Ban” nay mới họp phiên đầu tiên để “bàn về nhân sự Ban Bí Thư, Bộ Chính trị, tổng bí thư,” theo ông Vĩnh vừa kể. Ai nắm được cái ghế tổng bí thư chỉ được loan báo chính thức vào ngày 27 tháng 1, 2016 tức một ngày trước khi bế mạc.

Tướng Võ Tiến Trung, giám đốc Học Viện Quốc Phòng, ủy viên Trung Ương Đảng XI, xác nhận hôm Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016 các tin tức “phản động” loan truyền mấy ngày qua là đương kim tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thành công khi đã đạo diễn được một cuộc độc diễn, hất cẳng đối thủ Nguyễn Tấn Dũng.

Theo sự giải thích của ông Lê Quang Vĩnh được giới truyền thông quốc tế phân tích, cơ hội leo thang quyền lực của Nguyễn Tấn Dũng chưa hết nếu ông ta có nhiều phe đảng trong đám người được nằm trong Trung Ương Đảng khóa XII.

“Vấn đề là liệu Nguyễn Tấn Dũng có muốn nó (cái ghế tổng bí thư) hay không. Ông ta không xuất hiện và nói thẳng ra.” Ông Edmund Malesky, giáo sư tại đại học Duke và là một chuyên viên về chính tình Việt Nam được thuật ý kiến trên bản tin của hãng Reuters. “Ông ta có lợi thế là có nhiều ảnh hưởng ở Trung Ương Đảng và người ta đều biết ông ta có khả năng vận động phiếu bầu... nếu ông ta quyết định là muốn nó. Khi đó, (lật ngược thế cờ) có thể là một thực tế xảy ra.”

Ông Nguyễn Tấn Dũng đã từng bị đả kích nặng về điều hành kinh tế qua các vụ tham nhũng và sập tiệm của các “quả đấm thép” Vinashin, Vinalines, nhưng đều thoát nạn qua các lần “lấy phiếu tín nhiệm” và chỉ có các lời xin lỗi qua loa. Lần đấu đá sanh tử này, ông ta có thành công hay không, đang dần dần mở ra.

Khi đọc bài tham luận tại đại hội đảng ngày Thứ Sáu vừa qua, ông Bùi Quang Vinh, bộ trưởng Kế Hoạch-Đầu Tư sắp nghỉ hưu, khuyến cáo rằng Việt Nam sẽ không thể phát triển nếu không thay đổi về chính trị. Lời nói của ông này tuy ở giữa đại hội 1,510 đại biểu của 4.5 triệu đảng viên ngồi nghe nhưng có vẻ như gào giữa sa mạc.

Dù Nguyễn Phú Trọng giữ lại được ghế hay Nguyễn Tấn Dũng có lật được thế cờ, “Tôi chẳng hy vọng gì ở cái lãnh tụ mới của đảng CSVN. Quần chúng đã chán ngán với những gì họ tuyên truyền, người ta muốn nhìn thấy cái họ nói trở thành thực tế xảy ra.” Hãng thông tấn AP thuật lời ông Phan Ngọc Dũng, 65 tuổi, một kỹ sư nghỉ hưu nêu ý kiến.

Tương tự, blogger Huỳnh Ngọc Chênh viết trên trang Facebook cá nhân gọi đây là “trò hề quốc sự.”
Blogger này viết: “Bi chừ thì quá rối, ‘đặc biệt’ chi mà có đến 9 ông quá tuổi đều đặc biệt ở lại, thành ra tất cả các ông đều một giuộc như nhau là tham quyền cố vị, đều muốn cùng ở lại bám ghế để không cho lớp trẻ lên? Cấp dưới thì đến 60 tuổi các ông buộc cho về hết, còn các ông thì cứ bám cứng ghế bằng mọi giá, mọi lứa tuổi. Chuyện quốc sự mà như là trò hề.”


Blogger Huỳnh Ngọc Chênh bình luận tiếp: “Phe thân Trọng biện bạch cho mưu đồ quyết tâm ở lại của Trọng là nhằm chặn đường để đuổi ba Dũng về vườn chứ ông ấy ko tham quyền cố vị. Nếu chỉ chặn đường lên của Dũng thì cần gì phải vận dụng đủ hết các mưu kế kiểu ‘không cho ứng cử, không cho đề cử, không cho rút, rồi cho rút...’ phức tạp và gian nan như vậy. Chỉ cần giữ nguyên quy chế đã có là ai quá tuổi thì xin mời về là xong. 10 ông quá tuổi đồng loạt ra về thì Dũng làm sao có cơ hội ở lại để đi lên. Lại đẻ ra quy chế đặc biệt cho trường hợp đặc biệt để thêm phức tạp và tạo ra dị nghị trong dư luận. Từ đó suy ra rằng, ông Trọng quyết tâm ở lại là vì tham vọng quyền lực cá nhân và vì lợi ích của kẻ mà không nói ra nhưng ai cũng biết.” (TN)

01-24-2016 5:53:52 PM

No comments:

Post a Comment