Sunday, January 24, 2016

Ðảng Cộng Sản là đảng phản bội

Vụ sập mỏ đá ở Yên Lâm, Yên Định, Thanh Hóa và những hình ảnh kinh khủng năm
Vụ sập mỏ đá ở Yên Lâm, Yên Định, Thanh Hóa 

Theo Người Việt-01-22-2016 6:38:38 PM 
Ngô Nhân Dụng

Chúng ta cùng thắp một nén hương cầu nguyện cho vong hồn quý ông Trương Văn Danh (33 tuổi); Hà Văn Ðức (36 tuổi); Trần Văn Năm (53 tuổi); Lê Văn Quảng (35 tuổi); và Phạm Văn Trường. Họ đã qua đời ngày hôm qua, 22 Tháng Giêng năm 2016, trong vụ sập mỏ đá ở xã Yên Lâm, tỉnh Thanh Hóa. Những tảng đá từ trên sườn núi ập xuống; họ chạy trốn, giãy giụa, nhưng không thoát chết. Hai nạn nhân khác bị đất đá sạt lở vùi lấp là Phạm Văn Phi (23 tuổi) và Ðinh Văn Hoàng (34 tuổi), có thể cũng đã thiệt mạng.

Khu công nghiệp với nhiều mỏ đá thuộc xã Yên Lâm đã từng xảy ra nhiều tai nạn chết người. Nhưng chính quyền Cộng Sản vẫn không đặt ra những luật lệ bắt chủ nhân phải có biện pháp an toàn bảo vệ người lao động, mà lương bổng họ mỗi ngày chưa bằng lương tối thiểu ở California cho một giờ làm việc! Trong lúc năm bẩy công nhân làm đá chết trong tức tưởi, vợ con họ nheo nhóc không biết nay mai làm sao kiếm đủ sống, thì đảng Cộng Sản Việt Nam đang họp đại hội để chửi bới nhau, bôi tro trát trấu vào mặt nhau, tranh giành những chiếc ghế ngồi trên đầu trên cổ 90 triệu dân. Ðảng Cộng Sản vẫn tự xưng là một “đảng tiên phong của giai cấp lao động.” Nhưng trong thực tế, họ đã phản bội giới lao động. Ðảng Cộng Sản là một đảng phản bội.

Các chính sách, hành động của Ðảng Cộng Sản luôn luôn phản bội giới lao động, từ lúc họ còn tôn thờ chủ nghĩa giáo điều cho tới khi họ sợ hãi quay ngược đầu chạy theo bám gót tư bản, khi biết “nếu không đổi mới thì chết!” Sau 30 năm “đổi mới,” chế độ Cộng Sản đã tự biến thành chế độ “Tư bản nhà nước.” Ðảng biến thành một đảng mafia, từ trên xuống dưới cấu kết với tư bản đỏ khai thác tài nguyên của dân, bóc lột giới công nhân và cướp đất ruộng của nông dân cho tư bản làm giầu.

Tiêu biểu cho cảnh đồng lõa giữa mafia cộng sản và tư bản đỏ là những khu “đô thị mới” mang danh Ciputra International City complex, ở ngay Hà Nội, và khu Ecopark ở phía Ðông thành phố. Cả hai khu này vốn là đất ruộng của nông dân, đã bị chính quyền Cộng Sản đuổi đi, tước đoạt nguồn sống của người cầy để giới tư bản đỏ có cơ hội làm giầu.

Nhật báo The Guardian ở Anh Quốc mới đăng một bài về những khu cư xá vĩ đại này, trưng bầy cảnh tương phản giữa cuộc sống xa hoa của những người sống trong đó với những người dân sống bám chung quanh. Khu Ciputra rộng 300 mẫu (hectares), được xây dựng trong mười năm trước, dự trù có 50,000 người cư ngụ. Khu Ecopark rộng đến 500 hectares, đã hoàn thành một phần.
Những “đô thị mới” này tách biệt với cuộc sống bên ngoài bởi những bức tường xi măng cao và dày, với cổng sắt lúc nào cũng có người gác 24/24 giờ. Bên trong là một môi trường đầy đủ các tiện nghi để sống, nghỉ ngơi, mua sắm, giải trí, trẻ em học hành, tất cả trong cùng một địa điểm! Có những biệt thự và các căn hộ trong cao ốc sang trọng, các hồ bơi, trường học tư, từ mẫu giáo lên tới trung học (sẽ xây dựng một đại học), với các cửa hàng bán đủ thứ không cần ra ngoài mua, đặc biệt là các món xa xỉ bên ngoài không có như rượu vang đắt tiền, vàng ngọc, quần áo, ví sách tay sang trọng. Những chiếc xe hạng sang giá hàng nửa triệu Mỹ kim đậu dưới các hàng cây xanh, bên những pho tượng Hy Lạp mầu trắng.

Những người sống trong Ecopark hay Ciputra không cần giao dịch với thế giới bên ngoài. Ciputra tự quảng cáo là một “ốc đảo bình yên” giữa thành phố Hà Nội nhộn nhịp (kẹt xe và ngập lụt), với không khí và nước dùng trong sạch khác hẳn bên ngoài. Dân bán hàng rong không được phép đi qua những cánh cổng bằng thép để vào trong bán bất cứ thứ quà cáp nào. Ecopark tự quảng cáo là nơi “hòa hợp giữa con người và thiên nhiên” với những “khoảng không gian để quý vị cùng với gia đình đi dạo chơi, hay ngồi ăn ngoài trời dưới bóng cây râm mát, tận hưởng cảnh thiên nhiên tuyệt vời!”

Khu Ecopark dự trù hoàn tất vào năm 2020, nay đã lập một làng Palm Springs, lấy tên mấy khu cư trú đắt tiền ở California và Florida, những nơi nghỉ mát nổi tiếng ở Mỹ. Trong khu này đã có 1,500 căn hộ cao ốc và 500 biệt thự, với 150 cửa hàng để cung cấp cho các nhu cầu của dân cư ngụ. Trong tương lai, một trường đại học ngoại quốc, British University Vietnam, sẽ được dựng lên để thu nhận 7,000 sinh viên, chi phí lên tới 70 triệu Mỹ kim.
Quý vị độc giả Người Việt chắc nghe tên Ecopark thấy quen quen. Bởi vì đó là nguyên nhân gây ra bao nhiêu cuộc biểu tình của nông dân huyện Văn Giang chống lại chính sách truất hữu ruộng đất để xây dựng đô thị mới cho giới giầu sang. Năm 2006, công trình xây cất phải đình hoãn vì nông dân biểu tình; năm 2009 lại bùng lên lần nữa. Năm 2012, người dân đã dùng bom xăng chống trả với công an, họ bị phun hơi cay và ném lựu đạn cay. Nhiều nông dân đã bị công an bắt đem đi, một nhà báo đi chụp hình săn tin cũng bị công an đánh đập và bắt giữ.

Phóng viên báo The Guardian đã gặp một nông dân mất đất. Ông Phu (hay Phú, Phụ...) làm ruộng, ở xã Xuân Quang. Gia đình ông đã mất 1,000 mét vuông ruộng khi chính quyền cộng sản bắt phải bán để xây dựng Ecopark. Họ được bồi thường 50 triệu đồng Việt Nam, tương đương hơn 2,000 đô la Mỹ. Với số tiền đó họ không biết dùng làm gì, chỉ đủ sống nửa năm. “Tôi với con cái tôi chỉ biết làm ruộng. Nông dân thì chỉ làm ruộng cũng như công nhân thì làm nhà máy. Không ai muốn bán ruộng cả, bây giờ chúng tôi không biết làm gì!” Dân mất ruộng cũng không được mướn vào làm con sen, thằng ở trong các căn hộ hay biệt thự thuộc Ecopark hoặc Ciputra. Nhưng có ai muốn con cháu mình tiếp tục đi làm đầy tớ như vậy suốt đời hay không?

Trong khi người nông dân mất ruộng được bồi thường 2000 đô la cho 1,000 mét vuông đất thì một căn hộ trong khu Ciputra cho thuê với giá hơn 4,000 đô la một tháng. Bên trong cửa kính một cửa hàng bán đồ gia dụng, phóng viên thấy một cây đèn điện để phòng khách, giá bán cao bằng 1,700 đô la, nhà báo The Guardian tính ra bằng mười lần đồng lương tối thiểu ở Việt Nam!

Nhưng thực ra lợi tức của người Việt Nam còn thấp hơn nhiều. Theo thống kê của Ngân Hàng Thế Giới thì mỗi người dân một năm kiếm được “trung bình” khoảng 2,000 đô la. Nhưng lợi tức trung bình không phản ảnh được đời sống thực. Trong khi những người giàu có trong Ciputra trả hơn 4,000 đô la tiền thuê nhà một tháng, thì một nửa dân số Việt Nam đang sống với 2 đô la một ngày! Ông Phu ở xã Xuân Quang được bồi thường 1000 đô la, bằng nửa lợi tức trung bình một người trong một năm, trong khi mất ruộng là mất tất cả nguồn sống của gia đình họ suốt đời.

Chính quyền Cộng Sản không nương tay trước làn sóng phản đối của nông dân. Vì đất đai là thứ tài nguyên họ có thể khai thác dễ dàng nhất, lấy tiền chia nhau bỏ túi. Tât cả đất đai đều thuộc quyền nhà nước, mà nhà nước là tay chân của đảng. Làn sóng cưỡng chiếm ruộng đất của nông dân nổi lên từ các đạo luật đất đai. Những Luật Ðất Ðai năm 2003 và 2007 đã trao quyền chuyển nhượng và khai thác đất đai cho các quan địa phương quyết định, mở cửa cho các tham quan chiếm của công biến thành tư lợi. Ðây là một “món quà” của Nguyễn Tấn Dũng tặng cho các ủy viên Trung Ương Ðảng đang nắm các tỉnh, các huyện, vì trước đó chỉ thủ tướng nắm quyền này. Ðây là một trong những món hối lộ của Nguyễn Tấn Dũng để mua chuộc tay chân trung thành, nhờ thế anh ta luôn luôn chiếm đa số khi họp Trung Ương Ðảng. Một tên ăn cướp lấy của cải do đảng cướp được chia cho đàn em bên dưới để mua chuộc lòng trung thành. Ðó đúng là một băng đảng mafia!

Hiện nay, một “món quà” khác cũng béo bở không kém mà Nguyễn Phú Trọng hoặc Nguyễn Tấn Dũng có thể hứa hẹn với tay chân là chương trình “cổ phần hóa” các doanh nghiệp nhà nước. Với việc thi hành hiệp định thương mại TPP, chương trình tư nhân hóa sẽ phải được thực hiện trong các năm sắp tới. Trước đây đảng Cộng Sản đã cướp của dân thứ tài sản quốc gia lớn nhất là ruộng đất, Nguyễn Tấn Dũng đã chia phần cho đàn em ở các tỉnh. Bây giờ món hàng ăn cướp mới là các xí nghiệp lớn thuộc cả trung ương và địa phương sắp được “giải tư.” Trị giá các xí nghiệp quốc doanh là một món tài sản khổng lồ; các tham quan đang nhòm ngó, tối mắt không biết sẽ được đem chia chác ra sao. Anh nào lên ngồi ghế cao sẽ nắm quyền vẽ ra những luật lệ cốt ban phát tài sản quốc gia cho tay chân dưới trướng! Cuộc chạy đua lên cái ghế cao nhất trong đảng cộng sản sẽ được trả giá bằng tài sản chung của 90 triệu người dân Việt Nam! Ðảng Cộng Sản đúng là một băng đảng ăn cướp.

Những công nhân qua đời trong tai nạn tại mỏ đá Tuấn Hùng, tỉnh Thanh Hóa, đáng lẽ không phải chết thê thảm như vậy, nếu nước Việt Nam có một chính quyền do người dân bầu lên, thay vì do một đảng mafia quyết định với nhau trong vòng bí mật. Khi mọi người cầm quyền đều phải lo tranh cử sau mỗi nhiệm kỳ, họ sẽ phải lo đặt ra những luật lệ đúng với lòng dân. Trong đó có những luật bảo vệ an toàn lao động.

Hãy so sánh hai nước Mỹ dân chủ và Trung Cộng độc tài đảng trị. Năm 2014 có 68,061 công nhân người Tàu chết vì tai nạn ở nơi làm việc, trung bình 186 người chết mỗi ngày; mà đó là đã giảm bớt 5.4% so với năm 2012. Còn ở Mỹ, trong năm 2013 có l4585 vụ chết vì tai nạn lao động, trung bình 13 người chết mỗi ngày. Giả thử dân số nước Tàu gấp bốn lần dân số Mỹ, nếu vấn đề an ninh lao động ở bên Tàu cũng do một chính quyền dân chủ tự do lo lắng, chăm sóc thì số công nhân Trung Hoa thiệt mạng sẽ chỉ có 52 người mỗi ngày, 13 nhân 4. Tổng số công nhân chết tai nạn ở bên Tàu sẽ chỉ có 19,000 người một năm chứ không phải 68,000. Vì dân Trung Hoa không được sống dưới chế độ tự do dân chủ, có tới gần 50,000 người lao động chết oan.

Ðảng Cộng Sản đã phản bội gia cấp công nhân! Nhưng không phải chỉ có thế.

Ðảng Cộng Sản Việt Nam cũng phản bội dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin, nhắm mắt áp dụng các chính sách kinh tế phá sản của Stalin, Mao Trạch Ðông, đẩy đất nước thụt lùi, tụt hậu so với tất cả các nước Á Ðông.
Ðảng Cộng Sản Việt Nam thờ phụng tư tưởng Mao Trạch Ðông, nô lệ hóa đồng bào, làm tay sai, dâng đất đai, biển đảo, tài nguyên cho Trung Cộng.

Ðảng Cộng Sản Việt Nam phản bội tổ tiên, làm cho văn hóa, đạo lý suy đồi.

Ðảng Cộng Sản là một đảng phản bội.

No comments:

Post a Comment