Wednesday, December 23, 2015

Điểm nhấn Việt Nam và thế giới 2015

 Theo BBC-4 giờ trước 
Năm 2015 đang khép lại và năm 2016 sắp mở ra, BBC và các khách mời cùng điểm lại và bình chọn những sự kiện được cho là đáng chú ý nhất trong năm nay.
Khủng bố của Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) IS đứng đầu trong các sự kiện thế giới của năm, trong khi chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, cùng việc Chủ tịch Trung Quốc thăm Việt Nam và phát biểu tại Quốc hội nước này ở Hà Nội là hai sự kiện hàng đầu với Việt Nam được các khách mời của BBC bình chọn.
Các khách mời gồm có Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp - nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Chiến lược Quốc tế (IISS) và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quý Thọ - chuyên gia chính sách công từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam, blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) - nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền và nhà báo Nguyễn Giang, Phó Chủ biên vùng châu Á, BBC World Service.
Các khách mời tại cuộc Tọa đàm Bàn tròn tuần này của BBC Việt ngữ được đề nghị chọn ra 5 sự kiện cho Việt Nam và Thế giới.

Quốc tế và khu vực

Có năm sự kiện chính được các khách mời của BBC nêu ra như là những lựa chọn tập trung nhất tại tọa đàm, với thứ tự quan trọng nhất xếp từ trước tới sau, là: IS tấn công khủng bố Paris, Khủng hoảng di cư, tị nạn ở châu Âu, Bầu cử dân chủ tự do ở Myanmar (8/11), Mỹ và Cuba bắt đầu quá trình 'bình thường hóa' quan hệ và Giá dầu thế giới sụt giảm kỷ lục.
Về sự kiện tổ chức khủng bố tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công Paris hôm 13/11/2015, nhà báo Nguyễn Giang của BBC bình luận:
Image captionNhà báo Nguyễn Giang phân tích ý nghĩa và tác động của cuộc tấn công khủng bố của IS vào Paris hôm 13/11/2015.
"Tôi nghĩ nó làm thay đổi toàn bộ tư duy về an ninh ở châu Âu, từ Đông Âu, từ Hungary, từ Ba Lan sang đến Tây Ban Nhà và Pháp, sau đó là Anh Quốc. Có thể nói đấy là một cú đánh thức tỉnh về mặt an ninh đối với châu Âu khi mà người ta thấy những hiểm họa, gần như một dạng nội thù của những nhóm có thể nói sinh ra, lớn lên ở đây.
"Nhưng mà những thanh niên đó đi theo một cái gọi là chủ nghĩa cực đoan và đem vũ khí từ các nơi về để tấn công lại chính những điểm dân sự, tại vì nếu người ta tấn công vào những điểm công sở hay tấn công, chẳng hạn, có những binh sĩ Anh đã bị giết giữa London đơn lẻ, thì người ta còn hiểu được, tấn công mang tính chiến binh.
"Nhưng đây tấn công vào những mục tiêu hoàn toàn dân sự như là rạp hát, quán ăn, bất kể trong đấy là người gì, trong đó có những người là Hồi giáo, là Do Thái, là châu Âu, là châu Á, hoặc là một phần gốc Việt..., tức là tấn công bất kể mục tiêu là gì, thì đấy là một sự chấn động vô cùng lớn với tất cả những người ở châu Âu và có thể nói thay đổi toàn bộ chính sách của các nước châu Âu này. Như là ở Anh Quốc, người ta nói là có thể kéo dài cả 30 năm nữa," nhà báo Nguyễn Giang nói.
Về cuộc bầu cử tại Myanmar với thắng lợi về tay Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyu, mà chính quyền Myanmar do phe quân đội hậu thuẫn đã thừa nhận kết quả và chấp nhận chuyển giao quyền lực, về sự quan tâm của giới lãnh đạo ở Việt Nam, nhà phân tích chính trị, TS. Hà Hoàng Hợp nói:
"Sự kiện Myanmar thì cả thế giới quan tâm, ở Việt Nam, nhân dân Việt Nam quan tâm rất là kỹ và rất là thật lòng.
"Tôi biết rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng quan tâm hết sức sâu sắc và có nhiều suy nghĩ về vấn đề đó, về sự kiện ấy."
Về sự kiện Mỹ và Cuba 'bình thường hóa' quan hệ, PGS.TS. Phạm Quý Thọ bình luận: "Đây đặt ra rất nhiều bài học trong bình thường hóa quan hệ giữa các nước với nhau, đặc biệt trước kia là thù địch."
Cũng về sự kiện này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyếtnói: "Có thể nói là trong nhiều cựu thù, mà đặc biệt là ba cựu thù mà Mỹ xếp vào hàng đầu là Cuba, Bắc Triều Tiên và Iran, thì hiện nay Mỹ đã bình thường hóa quan hệ với Cuba, đã giải quyết vấn đề hạt nhân Iran, thì chỉ còn một cựu thù nữa thôi."
Ngoài ra các vị khách mời của BBC Việt ngữ còn nhắc tới một số sự kiện quốc tế, khu vực khác (được xếp không theo thứ tự nào) như: Nga tấn công IS ở Syria, B52 và tàu chiến Mỹ di chuyển qua các khu đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông, Động đất ở Nepal làm hơn 9.000 người thiệt mạng, Nổ nhà máy hóa chất ở Thiên Tân, Trung Quốc.
Image copyrightAFP
Image captionTổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng gặp Tổng thống Mỹ tại phòng Bầu dục ở Nhà trắng hôm 7/7/2015.
Tiếp theo là Philippines giành lợi thế trong vụ kiện Trung Quốc sai về đường lưỡi bò trên Biển Đông, Trung Quốc đẩy mạnh bồi đắp, xây cất đảo nhân tạo ở Hoàng Sa 'thách thức an ninh Biển Đông', Khủng hoảng Putin - Erdogan hay Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xung khắc, Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình sang Anh và Mỹ để bày tỏ 'quyền lực mềm'.

Sự kiện với Việt Nam

Năm sự kiện đáng chú ý nhất của năm 2015 đối với Việt Nam được các khách mời của Bàn tròn Thời sự cuối năm hôm 22/12 đưa ra gồm có các sự kiện: Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ (7/2015), Việt Nam hoàn tất đàm phán kỹ thuật về TPP (5/10), ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc, thăm Việt Nam, phát biểu tại Quốc hội (6/11), ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương ĐCSVN, qua đời (13/2) và Nợ công cao chọc trần và ngân sách cạn kiệt.
Ngoài ra, các vị khách mời cũng lựa chọn một số sự kiện khác nữa với Việt Nam trong năm (không theo thứ tự nào) như: ông Huỳnh Văn Nén được minh oan, Việt Nam cùng các nước Đông Nam Á thành lập cộng đồng kinh tế Asean (AEC), thay thế nhân sự lãnh đạo ở một số tỉnh thành với lãnh đạo mới được cho là 'con ông cháu cha'.
Tiếp theo là ông Ban Ki-moon, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, thăm một nhà thờ họ Phan ở Việt Nam, Kết án 7 năm tù với một bị cáo trong vụ án 'con ruồi Tân Hiệp Phát', Quốc Hội bỏ bớt nhiều 'án tử hình', Việt Nam nhận toàn bộ số tàu ngầm mua từ Nga.
Về sự kiện Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ và được Tổng thống Mỹ Obama tiếp tại Nhà trắng (hôm 7/7), Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết bình luận:
"Chuyến thăm của người đứng đầu Đảng Cộng sản (VN) đến Hoa Kỳ và đàm phán với Tổng thống Hoa Kỳ tại Phòng Bầu dục, thì nó cho chúng ta thấy những tín hiệu rất mới mà tín hiệu ấy theo tôi nó có thể được gói gém ở trong câu thơ Kiều mà Phó Tổng thống Biden đã đọc trong buổi tiệc để tiếp đãi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời", tôi cho ông Biden chọn được một câu cực kỳ hay, nó thể hiện đúng tín hiệu mà có thể rút ra từ cuộc viếng thăm này."
Về sự kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam và phát biểu trước Quốc hội hôm 6/11, Giáo sư Thuyết, nói:
Image copyrightReuters Kham
Image captionChuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình, Chủ tịch TQ, được đánh giá là một trong các sự kiện hàng đầu của năm 2015 với Việt Nam.
"Có thể nói hai nước ở gần nhau, thì việc bang giao nên khuyến khích, nhưng mà qua cuộc thăm của ông Tập Cận Bình, tôi thấy là ông ấy đã cho chúng ta thấy ông ấy là người như thế nào và Trung Quốc là như thế nào. Tức là tôi thấy qua đây chúng ta không nên tin những gì mà Trung Quốc nói.
"Bởi vì ông ấy vừa mới nói rất tử tế ở Việt Nam, thì ông ấy sang đến Singapore một cái, ông ấy đã nói ngược rồi, thế thì chúng ta thấy chuyến thăm ấy quan trọng ở cái chỗ cho thấy Trung Quốc là như thế nào. Dĩ nhiên là ông Tập Cận Bình đã được đón tiếp rất là nồng hậu bởi các nhà lãnh đạo Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam là người có thể được coi là cứng rắn nhất trong những phát biểu đối với Trung Quốc, thì ôm hôn ông Tập Cận Bình tới ba lần.
"Điều đó chứng tỏ cái đón tiếp rất là nồng hậu, nhưng mà ông (Tập Cận) Bình xử sự một cách theo tôi nó không đàng hoàng, nó không phải là người lãnh đạo của một nước lớn," nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam nói với BBC.

No comments:

Post a Comment