Wednesday, December 23, 2015

2015 - một năm kinh hoàng?

Theo BBC-2 giờ trước 

Image copyrightReuters
Image captionLễ tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công Paris tại Kathmandu
Các vụ tấn công khủng bố làm truyền thông tốn nhiều giấy mực trong năm nay, với Charlie Hebdo và gần đây là loạt tấn công Paris, rồi chiếc máy bay của hàng không Nga bị rơi ở Sinai, vụ sát hại ở bờ biển Tunisia đều được nhắc tới. Nhưng những vụ bạo lực dã man khác ở Nigeria, Afghanistan và Pakistan không được truyền thông chú ý quá nhiều.
BBC nhắc lại những sự kiện được bàn tới nhiều nhất trong năm nay, và điểm qua những sự kiện khác mà có thể quý vị chưa nghe tới.

Pháp

Khởi đầu năm nay khá tồi tệ ở Pháp.
Hồi tháng Một, loạt tấn công trong và ngoài thủ đô Paris khiến 26 người thiệt mạng, gồm cả ba kẻ tấn công, và 22 người bị thương.
Vụ đổ máu khởi đầu bằng thảm sát ở tòa soạn báo biếm họa Charlie Hebdo hôm thứ Tư 7/01, và kết thúc bằng chiến dịch khổng lồ của cảnh sát cùng hai vụ vây hãm hai ngày sau đó.
Nhưng con số thiệt hại này chỉ là một phần nhỏ so với loạt tấn công xảy ra vào tháng 11.
Thứ Sáu ngày 13/11, một người đàn ông đeo thắt lưng gài thuốc nổ được cho là đã bị chặn không cho vào sân bóng đá Stade de France sau khi bị kiểm tra an ninh và phát hiện ra chất nổ.
Theo các thông tin, người này đã lùi lại khỏi nhóm an ninh và cho phát nổ tự sát khiến một người gần đó thiệt mạng.
Đây là vụ nổ đầu tiên trong số ba vụ nổ bên ngoài sân vận động Stade de France ở mạn Bắc Paris, khi Pháp đấu trận giao hữu với Đức, và là một trong những loạt tấn công quanh thủ đô của Pháp khiến 130 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Nigeria

Image copyrightReuters
Image captionChợ Kuje ở Abuja, Nigeria sau vụ đánh bom hôm 3/10
Mặc dù nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng có thể gây chú ý nhưng con số người chết do quân nổi dậy Boko Haram ở Nigeria gây ra lại nhiều hơn trong năm nay.
Hồi tháng Một, nhóm này tấn công thị trấn Baga ở phía Đông Bắc. Nigeria nói 150 người thiệt mạng nhưng tin tức từ dân địa phương cho rằng có tới 2.000 người chết.
Một loạt tấn công súng và bom ở nhiều thị trấn khác nhau khiến hàng trăm người chết hồi tháng Sáu, Bảy và Tám.
Dân quân Hồi giáo được cho là chịu trách nhiệm các vụ tấn công ở quốc gia láng giềng Chad và Cameroon trong năm nay.

Pakistan

Image copyrightAFP
Image captionMột tình nguyện viên khám soát chiếc xe bus sau nổ bom ở Quetta, Pakistan hôm 19/10
Các đền thờ Hồi giáo của người Shia ở Pakistan trở thành mục tiêu tấn công trong nhiều lần suốt năm 2015.
Ít nhất 40 người thiệt mạng trong vụ nổ bom một đền thời Hồi giáo ở tỉnh Sindh vào tháng Một.
Dân quân Sunni liên quan tới Taliban người Pakistan nói đã thực hiện vụ tấn công.
Các vụ tấn công tương tự đã xảy ra vào tháng Hai và tháng Mười; nhiều nhà thờ ở Lahore bị tấn công vào tháng Ba.
Hồi tháng Năm, ít nhất 45 người thiệt mạng do tấn công súng trên xe buýt chở người Hồi giáo Ismali Shia ở thành phố Karachi.

Afghanistan

Tháng Tư, ít nhất 33 người chết và 100 người bị thương trong vụ nổ bom tự sát ở thành phố phía Đông Afghanistan, Jalalabad.
Vụ nổ xảy ra bên ngoài ngân hàng nơi nhân viên chính phủ và quân sự lĩnh tiền lương.
Tháng Năm xảy ra loạt tấn công tự sát ở khắp Kabul.

Tunisia

38 người mất mạng sống khi một người xả súng vào khách du lịch đang đi nghỉ tại khu nghỉ dưỡng phía Bắc Sousse, Tunisia.
Nhân chứng tả lại cảnh tay súng, được nhận diện là sinh viên người Tunisia, Seifeddine Rezgui, tới bãi biển bằng thuyền cao tốc hoặc moto nước vào khoảng trưa ngày thứ Sáu 26/06.
Rezgui đi dọc bãi biển, lấy khẩu AK-47 từ một chiếc ô che nắng và xả súng bừa bãi vào du khách đang tắm nắng bên ngoài khách sạn năm sao.
Đầu năm nay, 22 người, trong đó có ít nhất 17 du khách nước ngoài, bị thiệt mạng trong vụ tấn công súng ở bảo tàng Bardo tại thủ đô Tunis.
Cảnh sát Anh cho rằng hai vụ tấn công liên quan đến nhau.

Thổ Nhĩ Kỳ

Hai vụ nổ bom trong chiến dịch diễu hành vì hòa bình ở thủ đô Ankara khiến hơn 100 người chết hồi tháng 10 – là vụ tấn công nghiêm trọng nhất trên đất Thổ Nhĩ Kỳ.
Một tâm lý gia tư vấn cho các nạn nhân vụ tấn công nói hơn 1.000 bộ phận thi thể đã được thu thập để nhận diện nạn nhân.
Hàng nghìn người đã chứng kiến vụ nổ kép trong lúc tụ tập biểu tình bên ngoài bến tàu Ankara.
Vụ tấn công trước đó ở thị tấn Suruc khiến hơn 30 nhà hoạt động đang bàn thảo về việc tái xây dựng thị trấn Kobane gần đó ở Syria.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đổ trách nhiệm lên IS đối với hai vụ tấn công.

Ai Cập

Tháng 10/2015, phi cơ Airbus A-321 rời khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh ở Hồng Hải, hướng về thành phố St PetersBurgh của Nga, đột ngột mất độ cao và rơi xuống sa mạc Sinai.
Nguyên nhân được cho là do có thiết bị nổ trên máy bay. Nhóm liên quan tới IS ở bán đảo Sinai nói đã thực hiện vụ tấn công khiến 22 người chết, trong đó đa số là du khách Nga.
Các nhà điều tra Ai Cập nói cho tới nay vẫn chưa tìm được chứng cứ nào cho thấy máy bay rơi do khủng bố. Tuy nhiên Nga và phương Tây không đồng ý với quan điểm này.

Lebanon

Một ngày trước vụ tấn công Paris hồi tháng 11, ít nhất 37 người bị giết và 191 người bị thương trong hai vụ tấn công tự sát ở khu dân cư của thủ đô Beirut.
Những kẻ tấn công cho bom nổ ở khu phố đông người thuộc vùng ngoại ô phía Nam, Burj al-Barajneh, thành trì của phong trào người Shia Hồi giáo cực đoan Hezbollah.
Một lần nữa, IS đứng ra nhận trách nhiệm.
Đây là vụ đánh bom nghiêm trọng nhất ở Beirut kể từ khi cuộc nội chiến kết thúc 25 năm trước.

Hoa Kỳ

Image copyrightAP
Image captionNổ súng ở San Bernardino được FBI coi là một vụ khủng bố
Ngày 02/12, ít nhất 14 người chết sau khi một tay súng tấn công trung tâm cộng đồng ở San Bernardino, California.
Hai nghi phạm trang bị nhiều súng ống đạn dược – Syed Rizwan Farook và vợ Tashfeen Malik – bị giết trong lúc đọ súng với cảnh sát.
Cả hai mang súng sát thương và súng ngắn, và mặc “quần áo kiểu nhà binh”, và quan chức Hoa Kỳ nói rằng người vợ đã tuyên thệ với Nhà nước Hồi giáo tự xưng trên mạng xã hội vào ngày xảy ra vụ xả súng. Cục điều tra Liên bang FBI coi vụ việc là hành động khủng bố.
Syed Rizwan Farook “sống giấc mơ Mỹ” và có “mọi thứ để được hạnh phúc”, những người quen biết nghi phạm nói.
Cặp đôi cũng có một bé gái sáu tháng tuổi.

Một năm đặc biệt?

Đây chỉ là một số vụ tấn công quy mô nhất xảy ra trên khắp thế giới trong năm nay, nhưng vẫn còn rất nhiều vụ khác nữa.
Những kẻ tấn công bom tự sát ở hai đền thờ Hồi giáo tại thủ đô Sanaa của Yemen hồi tháng Ba chẳng hạn, đã giết ít nhất 126 người và làm bị thương nhiều người khác.
Có quá nhiều vụ bạo lực để có thể kể ra ở đây, nhưng liệu 2015 có phải là một năm đặc biệt về bạo lực?
Không đơn giản để đối chiếu các số liệu thống kê do đôi khi khó có được con số đáng tin về số người chết và người bị thương ở một số nơi trên thế giới.
Với những con số trong các vụ tấn công được đưa tin, và những có số có thể với tới được, 2015 có thể là năm tồi tệ hơn 2014, với 80% số thiệt mạng so với năm trước và là năm đẫm máu nhất kể từ 2001, theo Global Terrorism Index, tổ chức chuyên theo dõi những vụ tấn công như trên.

No comments:

Post a Comment