Wednesday, December 23, 2015

PICS:Đằng sau những bức ảnh xúc động nhất

 Phil Coomes Chủ biên hình ảnh,

 BBC News 22 tháng 12 2015 

Năm 2015 đang gần qua đi. BBC điểm cùng quý vị một số câu chuyện của các phóng viên ảnh Reuters đằng sau một số bức hình có sức lay động mạnh mẽ nhất mà họ đã chụp được trong năm nay.

Bernadette Szabo và khủng hoảng người tỵ nạn Syria

Image copyrightReuters
Bernadett Szabo được giao đi làm tin về làn sóng người tỵ nạn Syria tràn vào châu Âu. Bà đã chụp bức ảnh ở đoạn biên giới Hungary-Serbia khi mọi người tìm cách vượt qua được hàng rào kẽm gai sao cho không bị cảnh sát phát hiện.
"Hàng chục các nhiếp ảnh gia khác và tôi bước đi dọc hàng rào, một số người khác thì đi dọc theo đường ray tàu."
"Giữa các đám bụi cây, chúng tôi có thể nhìn thấy các di dân đang thủ thế chờ thời cơ."
"Mọi người theo dõi lẫn nhau. Chúng tôi nhìn người tỵ nạn, người tỵ nạn nhìn cảnh sát, và cảnh sát thì nhìn chúng tôi. Trông giống như là một cuộc chơi phức tạp vậy."
"Không chỉ là chuyện chờ đợi. Những người đứng hai bên hàng rào biên giới khiến cho bầu không khí trở nên căng thẳng một cách lạ lùng khó tả."
"Gia đình này quyết định là họ chờ thế là đủ rồi. Họ bắt đấu tiến tới hàng rào. Ý thức được những gì có thể xảy ra, họ nhấc những đoạn kẽm gai lên, nhình quanh, rồi chui qua. Ngay khi chui thoát sang bên này, họ nhanh chóng biến mất vào trong rừng. Tôi không bao giờ nhìn thấy họ ở đâu nữa."
"Chụp hình các di dân là phép thử tối thượng về việc làm sao để giữ mình đứng ngoài câu chuyện: quan sát một cách thật cẩn thận, chờ đợi, bấm máy. Không được cắt hàng rào kẽm gai, không được mời chào người tỵ nạn sang, không được báo động cho cảnh sát."
"Không có mấy sự liên hệ giữa người chụp hình với hàng ngàn người tỵ nạn đang tìm cách vượt rào. Quý vị không biết gì về họ. Họ tới rồi họ đi. Nhưng những người đi dọc theo đường ray tàu đã dừng lại và nói chuyện. Họ nhận nước uống hoặc thanh kẹo sô-cô-la. Họ thậm chí còn chia sẻ câu chuyện - những câu chuyện sẽ có ám ảnh tôi mãi mãi."
"Chẳng có cách nào gạt bỏ được những tác động tình cảm. Một khi tôi đặt máy ảnh xuống và có thời gian để nhìn lại thì mọi thứ lại hiện trở lại."

Siphiwe Sibeko tại Nam Phi

Image copyrightReuters
Một số câu chuyện có ảnh hưởng mạnh hơn những câu chuyện khác.
Câu chuyện về khu vực gần nơi tôi ở, ở Johannesburg là một ví dụ.
Tôi nhận đuợc một tin nhắn nói rằng ngôi nhà của hàng xóm bị đập cửa đột nhập, và họ cần giúp đỡ.
Khi tôi cũng những người hàng xóm khác tới nơi, chúng tôi phát hiện ra một người đàn ông nằm trong nhà, đang chảy máu.
Người này sau đó thừa nhận là những tên cướp khác đã bỏ chạy và có thể chúng vẫn đang đâu đó trong khu vực.
"Ở địa phương trong thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng gia tăng các vụ cướp giật. Trước đó vài tuần chiếc xe hơi của tôi bị đập và toàn bộ các thiết bị chụp ảnh của tôi để trong đó đã bị lấy đi ngay giữa ban ngày."
"Cảnh sát tuần tra khu vực đã giúp bắt được nghi phạm thứ hai. Hai người bị còng tay bên ngoài ngôi nhà và chúng tôi đứng chờ xe cảnh sát chuyên chở tội phạm tới nơi. Tôi lấy máy ra và chụp hình vài tấm, cảnh hai nghi phạm bị còng tay vào nhau."
"Người đàn ông bị thương do vết đạn vẫn quằn quại đau đớn. Cả hai kêu gào xin mọi người đừng đánh đập, tấn công họ."
"Mọi người tức giận bởi tình trạng trộm cướp xảy ra liên miên, xảy ra ngay cả ban ngày. Các nghi phạm khác trong vụ đó đến nay vẫn chưa bắt được."
"Tôi vừa tức giận, vừa thấy sốc vì vụ việc xảy ra ngay gần nhà mình, nhưng tôi đã giữ được bình tĩnh và nhớ rằng trách nhiệm của tôi, một phóng viên ảnh, là không được để cho cơn tức giận và các dòng cảm xúc ảnh hưởng tới công việc."

Soe Zeya ở Myanmar

Image copyrightReuters
Soe Zeya chụp bức ảnh một nhóm di dân người Rohingya và Bangladesh được cứu sống từ con tàu chở trên 730 người ở ngoài khơi bờ biển phía nam Myanmar.
"Họ tới từ hôm trước. Tuy nhiên, trong lúc phụ nữ, trẻ em và một số đàn ông đã được đưa đi nơi khác, thì những người này vẫn đang bị bỏ lại. Không có dấu hiệu nào cho thấy cơ quan tỵ nạn của Liên hợp quốc (UNHCR) hay các tổ chức cứu trợ nước ngoài sẽ tới. Chỉ giây lát ngay trước khi tôi bấm máy bức hình này, bầu trời như mở ra, mưa trút xuống ào ạt."
"Họ chen lấn nhau để hứng chút nước mưa vào chai lọ, vào những cái đĩa."
"Giới chức ban đầu ngần ngại không muốn cho chúng tôi tiếp xúc với họ, nhưng tới lúc trời đổ mưa, chúng tôi đã được vào và bắt đầu chụp hình, nói chuyện với các di dân. Sau khi tôi chụp bức hình này, họ đã được đưa lên xe buýt, xe tải đến một khu trại nơi các tổ chức cứu trợ quốc tế đang chờ đợi."
"Tôi đã từng có những chuyến đi tác nghiệp kéo dài đầy khó khăn như thế này, và đã từng phải qua nhiều ngày không được tắm gội."
"Nhưng họ thì đã phải chịu hàng tháng không có đủ nước dùng. Ai cũng bẩn thỉu, gần như không được lau rửa gì khi lênh đênh trên biển. Tôi có thể nhìn thấy là trời mưa, nước trút có ý nghĩa tới mức nào đối với họ, khi mà bỗng dưng họ có cơ hội được uống, được vệ sinh cơ thể dù chỉ là với chút xíu nước hứng được."

Stephane Mahe ở Paris sau vụ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo

Image copyrightReuters
Stephane Mahe đang theo dõi chụp hình việc nguyên thủ các nước tới tỏ tình đoàn kết tại Paris sau vụ thảm sát ở tòa soạn báo biếm họa Charlie Hebdo. Sau đó ông đi dọc các phố, tới quảng trường Place de la Nation.
"Đó là lúc cuối ngày, ánh sáng đã trở nên yếu ớt khi tôi đi bộ quanh bức tượng Triump of the Republic để tìm cách chụp một bức ảnh có lá cờ Pháp và cây bút chì. Tôi thấy rất khổ sở bởi mọi thứ cứ lọt hết cả vào khung hình và tôi phải kết hợp xử lý cả ánh sáng khá là kịch tính với một hình ảnh biểu trưng với cây viết chì khổng lồ, và một nhóm khá đông người đứng quanh bức tượng."
"Mọi người trên mạng đã gọi nói là Cây bút chì dẫn lối cho người dân, một cách so sánh với bức tranh nổi tiếng của Eugene Delacroix, Nền tự do dẫn lối cho nhân dân".
"Tôi kinh ngạc khi biết rằng bức ảnh của tôi đã trở thành một biểu tượng mạnh mẽ trong ngày."

Bassam Khabieh ở Damascus, Syria

Image copyrightReuters
Bassam Khabieh chụp bức ảnh này khi đang chụp chuyến thăm của một đoàn xe của Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Ả-rập của Syria tới vùng Douma của Damascus.
Trong lúc ông đang chụp thì một trái đạn pháo bắn trúng, giết chết một nữ tình nguyện viên và làm bị thương những người đứng kế bên.
"Mỗi khi có đoàn xe cứu trợ tới, bọn trẻ con thường kéo đến quanh xe, hớn hở với những gì chúng được phân phát, như thực phẩm hay thuốc men. Trước khi trái đạn pháo trúng vào đoàn xe, tôi đang ngồi trên vỉa hè, bọn trẻ chạy quanh cho tôi chụp ảnh."
"Lũ trẻ sợ hãi, gào khóc, nhất là khi chúng thấy một nữ tình nguyện viên nằm giữa vũng máu với vết thương trên đầu."
"Khó khăn trong việc khắc họa được hình ảnh này cũng giống như những thách thức mà chúng tôi phải đối diện mỗi ngày trong thời chiến. Tôi biết rằng rất có thể sẽ có một trái đạn pháo nữa bắn trúng chỉ trong ít giây, và rồi quả đúng như vậy - một trái khác bắn trúng vị trí cách đó tí chút."
"Khi đó, liệu bạn sẽ muốn tự bảo vệ mình bằng cách chạy vào một cửa hàng, một ngôi nhà nào đó không? Bạn sẽ giúp người bị thương hay chọn việc chụp ảnh trong lúc những người khác sẽ đưa nạn nhân ra xe cứu thương? Bạn có muốn làm gì đó để giúp lũ trẻ bớt hoảng loạn? Hay bạy chỉ muốn khóc vì vừa phải chứng kiến những gì diễn ra?"
"Tất cả những câu hỏi đó cần được trả lời trong tích tắc trước khi bạn có thể chụp được bức hình đáng giá. Đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh những đứa trẻ hồm nhiên đang cười nói đột nhiên gào khóc, sợ hãi."
"Chỉ mất vài giây là một cuộc đời có thể trở thành cát bụi, thành vũng máu."

No comments:

Post a Comment