Tổng thống Barack Obama bắt tay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi phát biểu trong Phòng Bầu dục tại Tòa Bạch Ốc, Washington, ngày 7 tháng 7, 2015.
Washington Post, một trong những tờ báo uy tín hàng đầu của Mỹ, hôm thứ Năm đăng bài xã luận kêu gọi Mỹ sử dụng mối quan hệ gần gũi hơn với Việt Nam để hối thúc nước này mở rộng những quyền tự do, sau cuộc hội kiến lịch sử giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Bài xã luận có tựa đề “Trading for human rights” (Đổi lấy nhân quyền) xuất hiện trên báo in ra ngày 9 tháng 7 và được xếp đầu tiên trong số ba bài xã luận phản ánh quan điểm chính thức của tờ báo.
Mở đầu bài xã luận, Washington Post gọi chính quyền cộng sản Việt Nam là một “vấn đề,” trước hết là đối với người dân Việt Nam. Tờ báo nhận định rằng dù những cải cách kinh tế định hướng thị trường đã đưa nhiều người Việt Nam thoát nghèo, “bốn mươi năm sau khi Sài Gòn sụp đổ vẫn không có sự chuyển tiếp dần dần sang nền dân chủ đa đảng, vẫn còn 110 tù nhân chính trị, cũng như kiểm duyệt tràn lan.”
Với những vấn đề về nhân quyền, và với việc Việt Nam là “nước thành viên độc tài có mức lương thấp duy nhất” trong TPP, tờ báo nói quyết định của chính quyền Obama mời Việt Nam vào TPP và đón tiếp ông Trọng trong Phòng Bầu dục là “không thể biện minh được.”
Tuy nhiên, tờ báo cho rằng TPP có tiềm năng là một thỏa thuận tốt đối với Mỹ vì nó sẽ giúp giảm mức thuế quan của Việt Nam áp đặt lên hàng hóa của Mỹ, cũng như đòi hỏi Việt Nam phải cam kết tôn trọng quyền của người lao động. “Chắc chắn đó chỉ là cam kết trên giấy, nhưng nó thêm vào cơ sở pháp lý cho ngoại giao nhân quyền của Mỹ và cho đòi hỏi của những nhà hoạt động của Việt Nam.”
Ngoài ra còn có những “cân nhắc chiến lược” vì cả Mỹ và Việt Nam đều quan tâm đến việc kiểm soát những hành động “hung hăng” của Trung Quốc ở Đông Á và điều này khiến cả hai nước trở thành “đối tác tự nhiên” dù hai bên từng đối đầu trong lịch sử.
Washington Post nhận định, kinh tế và địa chính trị có thể biện minh cho việc đưa quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt vốn đã đáng kể lên tầm mức tiếp theo, TPP – với một điều kiện.
“Chính quyền Obama và những chính quyền tiếp nối phải xem mối quan hệ gần gũi hơn như là một phương tiện để đạt được mục đích tối quan trọng: tự do nhiều hơn, về chính trị cũng như kinh tế, ở châu Á.
“Việt Nam đã nhẹ tay hơn với những người bất đồng chính kiến trong năm qua, thả 50 trong số 160 tù nhân lương tâm trong năm 2014. Điều này không thể hiện sự thay đổi căn bản ở Hà Nội mà là một nỗ lực xoa dịu những người ở Mỹ chỉ trích việc đưa Hà Nội vào TPP.
“Tuy nhiên, có mang tính cơ hội hay không, sự thay đổi này cho thấy Hà Nội cần chúng ta – có lẽ nhiều hơn chúng ta cần họ. Điều này cho Mỹ sức ảnh hưởng mà Mỹ không được ngần ngại sử dụng thay mặt cho những người Việt Nam dũng cảm không chia sẻ ‘triết lý chính trị’ của những người cai trị họ.”
07-10-2015
Nguồn: Theo VOA Tiếng Việt
No comments:
Post a Comment