Friday, July 10, 2015

‘Hết thời’ ngành trà Việt Nam?

TỔNG HỢP (NV) - Nắng hạn khiến ngành trà của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi hàng ngàn hecta trà tại Nghệ An và Hà Tĩnh chết héo vì hạn hán, thì ngành trà Lâm Đồng lao đao vì sản phẩm không xuất bán được do nhiễm thuốc diệt côn trùng. 


Nắng nóng kéo dài khiến hàng ngàn hecta trà ở Nghệ An chết cháy. (Hình: Người Lao Động)

Tin từ Người Lao Động ngày 10 Tháng Bảy, 2015 cho biết, dọc theo đường qua các xã Thanh Đức, Hạnh Lâm, Thanh Hương, Thanh Thịnh thuộc tỉnh Nghệ An, trải dài trên cánh đồng trà, những rẫy trà đã rũ lá vàng úa, những búp non ngả màu đen sạm do bị nắng táp.

“Nắng nóng, khô hạn khiến hơn 1,000 hec-ta (ha) trà ở khu vực bị cháy khô. Huyện đang thành lập đoàn tới các xã thống kê thiệt hại cụ thể của các hộ dân,” ông Lê Đình Thanh, trưởng phòng Nông Nghiệp huyện Thanh Chương, cho biết.

Đứng cạnh vườn trà đã khô hết lá, ông Trần Văn Đức, ngụ xã Hạnh Lâm buồn bã, “Chưa năm nào nắng hạn như năm nay, không có lấy một giọt mưa. Nắng quá nên toàn bộ mấy sào trà của tôi bị cháy hết, không thu hoạch được gì cả.”

Cách đồi trà của ông Đức không xa, vườn trà của bà Trần Thị Ánh cũng đang bị chết héo. “Thu nhập của gia đình trông chờ vào mấy sào trà này, giờ xem như trắng tay,” bà Ánh rầu rĩ.

Ông Nguyễn Trọng Hoài, trưởng phòng Nông Nghiệp huyện Hương Khê, cho biết tỉnh Hà Tĩnh vừa gởi phúc trình đề nghị nhà cầm quyền trung ương xem xét, cấp kinh phí 80 tỷ đồng để hỗ trợ chống hạn.

Tương tự, tại các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Hợp ở tỉnh Nghệ An, nông dân cũng đang khốn đốn vì diện tích trà chết lan rộng. Riêng huyện Anh Sơn, thống kê của huyện cho biết, có khoảng 300 ha trà chết, 1,500 ha bị ảnh hưởng. Xã có diện tích trà bị thiệt hại lớn nhất là Thành Sơn với 55 ha, kế đến là Phúc Sơn 40 ha, Hùng Sơn 35 ha, Cẩm Sơn 30 ha, Khai Sơn 30 ha...

Theo phúc trình của Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Nghệ An, đến nay, toàn tỉnh có trên 2,260 ha trà cháy lá, thiệt hại từ 30%-70%, buộc phải phá để trồng lại. Hiện tỉnh Nghệ An kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 152 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo thống kê của Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Lâm Đồng, trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có 3,620 tấn trà đen tồn kho không thể xuất khẩu và đang vùng vẫy trong khó khăn.

Lý do, hàng ngàn tấn sản phẩm xuất khẩu tồn kho liên tiếp bị phía Đài Loan cáo buộc nhiễm dioxin và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, cụ thể là Fipronil, một loại thuốc dùng để diệt côn trùng vượt ngưỡng cho phép, ông Lại Thế Hưng, chi cục trưởng Cục Bảo Vệ Thực Vật Lâm Đồng, xác nhận. (Tr.N)
07-10-2015 2:29:55 PM

No comments:

Post a Comment