HÀ NỘI (NV) - Đó sẽ là cảm nhận dễ đi đến khi nhìn qua kết luận kiểm toán 2014 của kiểm toán Việt Nam. Năm ngoái, cơ quan này đã kiểm toán 249 doanh nghiệp thuộc 38 tập đoàn và tổng công ty quốc doanh.
Nhiều dự án bất động sản do các tập đoàn, tổng công ty quốc doanh đầu tư cách nay hàng chục năm vẫn còn dở dang, chưa hoàn tất. (Hình: VnExpress)
Thông qua việc kiểm tra các báo cáo tài chính và những hoạt động liên quan đến việc quản lý và sử dụng cả vốn lẫn tài sản của 249 doanh nghiệp thuộc 38 tập đoàn và tổng công ty quốc doanh, kiểm toán Việt Nam nhận định, nhiều dự án do các doanh nghiệp này đầu tư là “không hiệu quả” nên “lãng phí về vốn” và vì đó, thua lỗ.
Chẳng hạn đài truyền hình kỹ thuật số VTC đã chi tiền sắm sửa nhiều loại trang thiết bị nhưng không thể sử dụng. Ví dụ hệ thống truyền hình kỹ thuật số ngốn hơn 22 tỷ. Hệ thống phát thanh - truyền hình trên Internet ngốn 1.7 tỷ. Các thiết bị truyền hình kỹ thuật số mặt đất đã trang bị cho một số trạm phát cấp tỉnh, cấp huyện...
Kiểm toán Việt Nam còn nêu ra hàng loạt thực trạng khác, xuất hiện đã lâu, song đến nay vẫn còn là vấn nạn lớn: Nhiều tập đoàn, tổng công ty quốc doanh quản lý nợ không chặt chẽ, khiến nợ quá hạn phải thu hồi hoặc nợ khó đòi trở thành rất lớn.
Ví dụ như nợ khó đòi của công ty Gang Thép Thái Nguyên thuộc tổng công ty Thép Việt Nam hiện lên tới 595 tỷ, chiếm đến 93% số nợ phải thu hồi. Hoặc tổng công ty Thực Phẩm Đồng Nai (DOFICO) đang có đến 126 tỷ đồng thuộc dạng nợ khó đòi.
Do làm mất vốn được ngân sách cấp (thường được gọi là vốn chủ sở hữu), nhiều tập đoàn, tổng công ty Quốc Doanh đang duy trì hoạt động bằng vốn vay hoặc vốn chiếm dụng của các tổ chức tín dụng, thành ra hệ số nợ phải trả trên vốn của chủ sở hữu lên tới hơn 30 lần. Đây là chuyện đang xảy ra ở công ty Đầu Tư Phát Triển Xây Dựng Số 1 (31.33 lần), công ty Nguyên Liệu Giấy miền Nam (36.2 lần),...
Cũng theo kiểm toán Việt Nam, tình trạng thi nhau đổ vốn vào lĩnh vực bất động sản hồi giữa thập niên 2000 đã nhiều nhiều tập đoàn, tổng công ty Quốc Doanh sa lầy và đến nay vẫn chưa thoát ra được.
Ví dụ năm 2006, tổng công ty Điện Tử và Tin Học Việt Nam đầu tư dự án khu đô thị mới Cầu Giấy nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Tương tự, vào năm 2006, tổng công ty Vật Liệu Xây Dựng Số 1 đầu tư vào dự án Cao Ốc Valta của công ty Cơ Khí Xây Dựng Tân Định nhưng vì nhiều lý do, đến nay, sau chín năm, dự án này vẫn chưa hoàn tất.
Chuyện dồn vốn do ngân sách cấp vào những dự án mà không kiểm soát được quá trình thực hiện, dự án chậm hoàn thành vừa làm giảm hiệu quả của vốn đầu tư, vừa lãng phí vẫn còn rất phổ biến. Kết luận kiểm toán 2014 của kiểm toán Việt Nam cho biết, trong giai đoạn từ 2011 đến 2013, nhiều dự án đã không hoàn thành đúng hạn.
Ví dụ dự án DAP Hải Phòng (sản xuất phân bón, hóa chất) do Vinachem (tập đoàn công nghiệp hóa chất Việt Nam) đầu tư, hoàn thành chậm hơn dự kiến tới 5 năm. Hoặc dự án xây dựng đài kiểm soát không lưu của phi trường Liên Khương do tổng công ty Quản Lý Bay Việt Nam đầu tư, hoàn thành chậm hơn dự kiến tới hai năm. (G.Đ)
07-10- 2015 3:25:50 PM
No comments:
Post a Comment