Friday, July 10, 2015

Chuyên gia Mỹ : Bắc Kinh là kẻ xâm lược ở Biển Đông, Hà Nội không

Theo RFI-Trọng Thành
Ngày 10-07-2015 20:04

media
Phi đạo đang xây trên Đá Chữ Thập theo ảnh vệ tinh đăng trên trang web của CSIS.Reuters

Báo Want China Times của Đài Loan hôm nay, 10/07/2015, dẫn nghiên cứu của một học giả thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế CSIS, có trụ sở tại Washington, theo đó, chính Trung Quốc mới là "kẻ xâm lược thực sự" tại Biển Đông, chứ không phải Việt Nam, như cáo buộc trước đó của học giả Greg Austin trên báo The Diplomat.

Bài "China, not Vietnam is the aggressor in S China Sea: expert" của tờ báo Đài Loan nhắc lại, trong bài viết ngày 18/06 được đăng tải trên The Diplomat, có trụ sở tại Tokyo, nhà nghiên cứu Greg Austin (Viện Ngoại giao Đông Á/Est West Institute for the Diplomat, ở New York) đã mô tả Việt Nam như « kẻ gây hấn lớn nhất khu vực ». Tác giả Greg Austin cho rằng Việt Nam đã gia tăng gấp đôi số lượng thực thể chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa kể từ năm 1996. Trước thời điểm này, theo ông Austin, Việt Nam chỉ kiểm soát 24 « thực thể địa lý » (tức đảo, rạn san hô, bãi cạn hay bãi đá ngầm…).

Trong bài « China’s False South China Sea Narrative » trên tạp chí mạng The National Interest (07/07/2015), ông Gregory B. Poling, thành viên ban phụ trách bộ phận Đông Nam Á (Sumitro Chair for Southeast Asia Studies) của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế CSIS khẳng định : có một sự khác biệt lớn giữa các hoạt động đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam và Trung Quốc.

Trước hết, việc mở rộng đảo của Việt Nam tại Trường Sa « vô cùng nhỏ so với Trung Quốc ». Riêng tại đảo Đá Chữ Thập (Fiery Croiss Reef) Trung Quốc đã mở rộng đến 800 acre (tương đương 32 ha), trong khi đó, toàn bộ các xây dựng của Việt Nam tại Trường Sa chỉ có diện tích 3,5 acre (1,4 ha). Vẫn theo nhà nghiên cứu Viện CSIS, diện tích toàn bộ các thực thể mà Trung Quốc đã tôn tạo rộng hơn Ba Bình, đảo lớn nhất tại Trường Sa, hiện do Đài Loan kiểm soát. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa bao giờ thực hiện việc biến bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo mới.

Điều mà nhà nghiên cứu CSIS nhấn mạnh trong bài viết nói trên là không có chuyện Việt Nam tăng gấp đôi số lượng "thực thể địa lý" kiểm soát. Một số người, trong đó có ông Greg Austin, đã đánh đồng « feature » (thực thể địa lý) với « oustpost » (trạm tiền tiêu hay công trình). Thông tin đã được sử dụng cho cách hiểu sai lệch này là một ghi nhận của trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear (ngày 13/05), được đưa ra trong cuộc điều trần trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, theo đó « Việt Nam có 48 ‘‘oustpost’’, Philippines 8 ; Trung Quốc 8, Malaysia 5 và Đài Loan 1 ». Cụ thể như tại đảo Đá Lớn (Discovery Great Reef), theo cách tính của Hoa Kỳ, Việt Nam có 3 « outpost ». Thông tin nói trên một lần nữa lại được Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Cartor nhắc đến tại hội nghị Shangri-La.

Theo ông Gregory B. Poling, thông tin về số lượng các "trạm tiền tiêu" hay "thực thể địa lý" mà các bên tranh chấp đang sở hữu tại Trường Sa nói trên là rất quan trọng. Việc so sánh như trên có thể che lấp đi thực tế mở rộng, xây dựng đảo nhân tạo quy mô rất lớn của Trung Quốc. Washington nên đưa ra các giải thích đầy đủ hơn về những gì diễn ra tại Biển Đông, để phản bác lại quan điểm sai trái của Bắc Kinh.

No comments:

Post a Comment