Chính sách visa du lịch Việt Nam, đặc biệt là các thủ tục rắc rối để xin visa là một trong những nguyên nhân khiến lượng du khách ngoại quốc đến Việt Nam không tăng mà liên tiếp sụt giảm. Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2015, lượng du khách ước đạt 2 triệu lượt, giảm 13.7% so với cùng kỳ 2014.
Một buổi kiểm tra giấy tờ, làm thủ tục nhập cảnh cho du khách của tàu Aidaso vào cảng ở Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu tháng 1, 2015. (Hình: Tuổi Trẻ)
Theo Tuổi Trẻ, khi nhận định về hiện tượng lượng khách ngoại quốc liên tiếp sụt giảm trong 10 tháng qua, cơ quan quản lý du lịch Việt Nam đổ lỗi cho rằng nguyên nhân chính là do sự sụt giảm mạnh du khách Trung Quốc và Nga, trong khi tăng trưởng từ các thị trường khác không bù đắp được.
Song, thực tế chính sách visa du lịch mới là nút thắt cực kỳ bất lợi cho sự tăng trưởng của du lịch quốc tế tại Việt Nam.
Với gần 8 triệu lượt khách ngoại quốc vào Việt Nam mỗi năm, thị trường du lịch quốc tế của Việt Nam chỉ bằng một điểm đến là Pattaya và thua cả Phuket của Thái Lan. Còn Hồng Kông, Singapore đón khách du lịch nhiều gấp ba lần Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Khánh, phó chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Sài Gòn nhận xét: “Ðối với khách du lịch, lệ phí visa mấy chục Mỹ kim không phải nhiều, nhưng các thủ tục rắc rối để xin visa thật sự làm người ta quan ngại và ưu tiên chọn đi các nước được miễn visa, hoặc có thủ tục làm visa ngay tại cửa khẩu.”
Ông Hoàng Hữu Lộc, chủ tịch hội đồng thành viên công ty Saigontourist, bổ sung, không chỉ vậy, việc quảng bá điểm đến quốc gia của Việt Nam còn quá yếu, nên hiệu quả quảng bá thương hiệu, dịch vụ của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng bị hạn chế. Các vấn đề về chất lượng, giá cả, môi trường du lịch, cơ sở hạ tầng giao thông... cũng cần được cải thiện hơn nữa. Nếu không tháo gỡ được những nút thắt này, ngành du lịch Việt Nam khó tăng trưởng.
Giải thích việc này, ông Nguyễn Văn Tuấn, tổng cục trưởng Tổng Cục Du Lịch cho rằng: “Chúng tôi cũng muốn thủ tục visa thuận lợi, đơn giản và miễn được càng nhiều nước càng tốt. Song, chúng tôi chỉ là cơ quan tiếp nhận và chuyển kiến nghị cho chính phủ. Sau khi chúng tôi phúc trình, chính phủ giao Bộ Công An và Bộ Ngoại Giao xem xét. Do đó, vấn đề này hiện thuộc thẩm quyền giải quyết của 2 bộ trên.” (Tr.N)
04-30- 2015 3:25:34 PM
No comments:
Post a Comment