Kính Hòa, phóng viên RFA 2015-04-29
Panô tuyên truyền cho ngày 30 tháng 4 tại Sài Gòn hôm 11/4/2015-AFP photo
Dựa trên nguyên tắc đấu tranh giai cấp, các chế độ cộng sản triệt để áp dụng nguyên tắc đào tạo và tuyển dụng một người dựa trên lý lịch của người đó.
Điều này cũng được triệt để áp dụng tại miền Nam Việt Nam sau năm 1975, ít nhất cho đến giai đoạn Việt Nam cải cách kinh tế vào năm 1986. Sau đây là một vài ghi nhận về chính sách này của nhà cầm quyền Việt Nam trong việc tuyển sinh đại học sau khi chiến tranh kết thúc, cũng như câu chuyện của một số nhân chứng. Bài do Kính Hòa trình bày.
Mười bốn loại lý lịch
Ông Nguyễn Đình Nguyên hiện là một chuyên gia về bệnh loãng xương tại Australia, đã từng học đại học tại Việt Nam vào những năm 1980 nhớ lại:
“Trước khi bước vào kỳ thi đại học thì chúng tôi phải bước qua một kỳ khai lý lịch. Nếu tôi nhớ không lầm thì lý lịch của chúng tôi được xếp từ 1 cho đến 13. Chúng tôi cũng có nghe tới 14 nhưng tôi chưa thấy bạn nào bị như vậy. Tôi được xếp hạng thứ thứ 11 tức là gia đình (mà họ gọi là) ngụy quân, ngụy quyền ở cấp bậc nhỏ. Loại 12 thì họ gọi là có nợ máu với nhân dân, tức là đi quân đội và dường như là xếp từ thiếu úy trở lên. Loại 13 là những sĩ quan cao cấp, hay là sĩ quan công giáo, tôi cũng không biết tại sao.”
Không phải ai cũng biết là mình bị xếp loại lý lịch như thế nào như ông Nguyễn Đình Nguyên. Ông Nguyễn Thanh Liêm thi đại học vào năm 1978 nói:
“Thưa anh bản thân tôi không biết họ sắp xếp như thế nào, bởi vì tất cả đều diễn ra ngầm, không có một chủ trương, một chính sách nào đưa ra rằng con cái của những người thuộc chế độ cũ bị đối xử không giống như những người khác.”
...tôi không biết họ sắp xếp như thế nào, bởi vì tất cả đều diễn ra ngầm, không có một chủ trương, một chính sách nào đưa ra rằng con cái của những người thuộc chế độ cũ bị đối xử không giống như những người khác.
- Ông Nguyễn Thanh Liêm
Trong thời gian từ năm 1975 cho đến khi Việt Nam thực hiện việc cải cách kinh tế vào năm 1986, hồ sơ dự thi đại học của tất cả học sinh được nộp lên một cơ quan gọi là Ban tuyển sinh tỉnh hay thành phố. Nhưng theo một chuyên viên xin được gấu tên hiện làm trong ngành giáo dục tại Việt Nam, thì cơ quan này chỉ là nơi làm công việc hành chánh của Bộ giáo dục. Theo chuyên gia này thì nơi quyết định số phận của các thí sinh là chính quyền địa phương. Ông nói về những người có lý lịch được xếp vào loại xấu
“Người ta đã xếp loại trước và người ta đã chuyển cái loại lý lịch đó cho các Ủy ban quân quản, hay ủy ban nhân dân từ cấp phường trở lên. Nghĩa là đối với số đó thì anh có thi, có đậu đại học, thì cái giấy đậu đại học cũng không tới được gia đình anh. Như vậy người dân bình thường người ta không biết đâu. Hay bên ngành giáo dục, người ta chỉ chấm thi thôi, còn chuyện em đó tại sao đậu mà không đi học thì theo kinh nghiệm 40 năm làm trong ngành giáo dục thì tôi biết là bên ngành giáo dục không có quyền biết cái đấy.”
Với hệ thống phân loại đến 14 cấp lý lịch như vậy, trình độ của các sinh viên trúng tuyển rất chênh lệch nhau. Ông Nguyễn Đình Nguyên cho biết là vào năm 1984, điểm của cấp lý lịch thứ 11 như ông vào Đại học Tây Nguyên là 15/30, nhưng trong lớp có cả những bạn học chỉ đạt có 3 điểm.
Không những bị hạn chế ở cánh cửa bước vào đại học, các sinh viên có lý lịch gọi là xấu cũng sẽ không được đi nước ngoài để du học. Ông Nguyễn Đình Nguyên nói:
“Chúng tôi không có cơ hội nào để đi du học nước ngoài ở loại lý lịch 11, chúng tôi chỉ có đậu và trượt, dù ở số điểm rất cao chứ không có cơ hội nào xuất ngoại để du học cả.”
Tương lai không ở Việt Nam
Con cái của những người có quan hệ với chế độ Việt Nam cộng hòa phải đạt được điểm số rất cao để vào đại học, hơn nữa họ còn phải tránh những trường được coi là có giá vào những năm ấy, ví dụ như các trường Y khoa, Dược khoa, Bách khoa.
Cha ông Nguyễn Thanh Liêm là cựu Thiếu tá quân đội Việt Nam cộng hòa bị đi tù 15 năm sau năm 1975. Ông Liêm vẫn cố gắng vào được đại học, nhưng bỏ dở giữa chừng để vượt biên ra nước ngoài. Ông giải thích lý do của quyết định đó:
“Gia đình thấy rằng không có một tương lai nào để đi lên. Sống thì lúc nào cũng sợ bị bắt bớ, bị đưa đi kinh tế mới. Gia đình quyết định là chỉ có con đường vượt biên đi ra nước ngoài thì mới có tương lai hơn. Gia đình sắp xếp đi vì không tin là có thể sống trong một chế độ như vậy.”
Người chuyên viên giấu tên trong ngành giáo dục mà chúng tôi tiếp chuyện cũng đồng ý điều đó. Ông cho biết thêm:
“Vượt biên là cái lối thoát của những người không đậu đại học mặt dầu họ đủ điểm hay là thừa điểm để vào đại học. Về mặt công bằng tôi cho là một chuyện oan trái, tôi dùng chữ oan trái này là đúng đó vì anh em tụi tôi cũng buồn là vì nếu những người đó cũng được vào đại học, thì về mặt khoa học, về mặt cống hiến có khi họ tốt hơn những người như bọn tôi, vì đầu óc họ rất tốt.”
Mình thấy đơn giản là cái quyền của con người, quyền được đi học, được làm việc, nó bị xâm phạm một cách ngu xuẫn và tàn nhẫn quá. Tôi không muốn cho con tôi ở vào trường hợp đó nữa.
- Ông Lê Dũng
Ông Nguyễn Thanh Liêm và gia đình sang được đến Mỹ. Ông Liêm hiện là kỹ sư điện làm việc trong nhà máy bảo trì các loại máy bay chiến lược của Mỹ tại tiểu bang Oklahoma.
Đối với những người được chấp nhận vào đại học trong những năm 1970, 1980, con đường tương lai khó khăn của họ chưa chấm dứt, vì họ vẫn phải mang một lý lịch gọi là xấu sau khi ra trường. Ông Lê Dũng hiện sống tại Austin, Texas kể lại:
“Sau 30/4 thì tôi vào lớp bảy. Thật sự thì từ lớp bảy đến lớp 12 tôi không thấy áp lực lắm. Cái thứ hai nữa là mình bị tẩy não rằng nhà mình là có tội với nhân dân, thành ra cho sống là may lắm rồi, không cảm thấy phàn nàn gì cả. Được đi học là mừng lắm. Áp lực sau khi được đi học nó qua đi. Đến khi ra trường thì nó quay trở lại. Khi lang thang thì mấy người bạn trước khóa, bên đại học bách khoa hay kinh tế, người ta biết mình người ta kéo qua, nhưng ai cũng ngại khi thấy cái lý lịch của mình.”
Cha ông Lê Dũng là một Thiếu Úy Tâm lý chiến trong binh chủng nhảy dù của quân lực Việt Nam cộng hòa. Ông bị đi tù năm 1975 và mất trong tù 3 năm sau đó trong một cái chết mà nhiều người trong gia đình cho là khuất tất.
Ông Lê Dũng cũng là thí sinh đạt điểm cao thứ nhì trong kỳ thi tuyển vào Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1981. Sau khi ra trường ông làm nghề dạy kèm trong hai năm, rồi sau đó được một nhóm đầu tư người Việt tại Đức tuyển vào làm việc trong một nhà máy in hiện đại vào năm 1988, là thời điểm mà Việt Nam bắt đầu mở cửa cải cách kinh tế. Nhưng ngay trong cả thời kỳ đó, người có lý lịch như ông Dũng nếu muốn đi nước ngoài phải được sự chấp thuận của Ban tổ chức thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.
Trong một lần dự hội nghị về Toán và Vật lý lý thuyết tại thành phố Trieste ở Ý, ông được một Giáo sư thu xếp cho một học bổng tại Mỹ. Sau khi hoàn tất việc học tại Mỹ, ông quyết định ở lại. Ông giải thích quyết định này.
“Tôi nghĩ rằng bố tôi chiến đấu cho một cái mà ông tin vào đó thì ông không có tội. Người ta tin vào những điều khác nhau, cho nên ông không có tội. Giả sử bố tôi có tội đi nữa thì mắc mớ gì đến tôi. Mình thấy đơn giản là cái quyền của con người, quyền được đi học, được làm việc, nó bị xâm phạm một cách ngu xuẩn và tàn nhẫn quá. Tôi không muốn cho con tôi ở vào trường hợp đó nữa.”
Ông Lê Dũng hiện là Tiến sĩ Toán và dạy tại Đại học Texas ở Austin. Kết thúc buổi nói chuyện với chúng tôi ông nói rằng việc phân biệt lý lịch của những người cộng sản đã làm cho họ không thể có được những nguồn lực mới, và sẽ dẫn đến kết quả giống như một sự suy thoái về di truyền.
Ông Nguyễn Thanh Liêm nhắc lại chuyện lúc cha ông đi tù vì là sĩ quan quân đội Việt Nam cộng hòa nhưng ông vẫn được chính quyền địa phương tại Sài gòn cho đi học, từ đó ông nói rằng ông vẫn hy vọng là trong hàng ngũ cán bộ cộng sản vẫn còn có những người mà ông gọi là tốt.
No comments:
Post a Comment