Câu trả lời đó của ông Hoàng Huy Thành, hiện là giám đốc Công ty tư vấn về software Northwest EIS-OLAP ở Oregon, khiến tôi ngạc nhiên.
Bởi lẽ, khi đặt câu hỏi, “Giờ đây, trong thời khắc này, hồi tưởng lại hành trình tìm tự do đầy khốc liệt của mình từ 36 năm trước, điều anh còn lưu giữ trong ký ức là gì?”, tôi cứ ngỡ mình sẽ nghe được hồi ức đau thương, tàn khốc nhất của những phận người tưởng chừng đã rơi vào tận cùng của tuyệt vọng sau 11 ngày lênh đênh trên biển và 20 ngày kinh hoàng trên đảo Kra, trong đó có nhà văn Nhật Tiến, tác giả của Thềm Hoang, của Chim Hót Trong Lồng… từng làm say sưa biết bao trái tim độc giả.
Và, đặc biệt hơn, câu chuyện đi tìm lại vị ân nhân Ted Schweitzer của ông Thành sau hơn 35 năm, để ngỡ ngàng khám phá ra ông cùng 156 thuyền nhân khác đã được giải thoát như thế nào trong thời điểm ấy càng vẽ lên những nét đậm nhất, lãng mạn nhất, đẹp đẽ nhất về lòng người, tình người dù trong hoàn cảnh nào.
Từ trái: Nhà văn Nhật Tiến, ông Hoàng Huy Thành (phải) cùng con trai và vợ của ông Ted Schweitzer - Max Schweitzer và bà Hằng Lê. (Hình: Hoàng Huy Thành cung cấp)
Ngược dòng quá khứ
Ông Thành, đang sống tại Portland, Oregon, rời Việt Nam vào ngày 19 Tháng Mười, 1979 từ Vũng Tàu, cùng 80 người khác, “thuộc giới văn nghệ sĩ, giới khoa học kỹ thuật, cả thầy tu, ni cô, các sĩ quan đào thoát khỏi trại cải tạo của Cộng sản, nhưng đông nhất là giới sinh viên.”
Nhà văn Nhật Tiến, hiện ở Quận Cam, người có mặt cùng chuyến hải hành đó, nhớ lại: “Mới ra khơi được một ngày thì biển động dữ dội. Sang ngày thứ ba thì thuyền chết máy, đành phó mặc cho sóng gió đưa đi. Tám ngày lênh đênh trôi giạt, thiếu ăn thiếu uống trầm trọng. 7, 8 con tàu đi qua nhưng không một tàu nào quan tâm tới dấu hiệu báo nguy của chúng tôi. Cho tới ngày thứ 10 của cuộc hành trình thì chúng tôi gặp một tàu đánh cá, khi đó chúng tôi mới biết là mình đã trôi giạt vào vịnh Thái Lan.”
Trong bài “Hành trình đi tìm tự do bằng tàu thuyền qua ngã Thái Lan”, nhà văn Nhật Tiến có ghi nhận: “Chiếc tàu đầu tiên này sau khi lục soát tịch thu tất cả đồ nữ trang, đồng hồ và một số quần áo mà họ ưng ý, đã cho mượn bình điện để nổ máy và chỉ tọa độ cho chúng tôi đi vào đất liền. Sau đó, lại gặp thêm hai chiếc tàu đánh cá Thái Lan khác cũng lục soát, và một chiếc tàu dòng giây qua thuyền của chúng tôi để kéo vào hoang đảo Kra nơi cách địa phận quận Pakpanang thuộc tỉnh Nakornsri thamaraj chừng 5, 6 giờ tàu chạy.”
Cơn sợ hãi vì đắm thuyền giữa biển cả kéo dài từng giờ, từng phút triền miên trong 11 ngày đêm liên tiếp của 81 con người trên chiếc thuyền mỏng manh của ông Thành, của nhà văn Nhật Tiến kể như đã chấm dứt.
Tuy nhiên, sau hai ngày trên đảo hoang, những người này phát hiện ra dấu tích của nhiều nhóm người vượt biên Việt Nam trước đó từng đặt chân đến hòn đảo này. Những dòng chữ được ghi lại sơn trắng, bằng dấu than củi đã phai lạt trên bốn bức tường vôi của một căn chòi cho biết “phụ nữ khi lên đảo phải tìm cách trốn lên núi cao hay rừng sâu để khỏi bị hãm hiếp.” Đồng thời cũng qua những dòng chữ được viết vội đó, mọi người còn được biết “ngư phủ Thái Lan quanh vùng vừa là đánh cá vừa là cướp biển, ban ngày họ có thể cho gạo cho cá, nhưng ban đêm thì kéo phụ nữ đi hành hạ tập thể.”
Và từ đêm ấy, những gì khủng khiếp nhất bắt đầu xảy ra cho những phận người liều chết đi tìm tự do.
“Tối hôm ấy chúng tôi bị ba toán cướp vào lục soát liên tục. Riêng toán cuối cùng sau khi moi móc đã dồn tất cả đàn ông, thanh niên vào hết trong hang đá rồi canh giữ bằng súng ở bên ngoài. Sau đó bọn chúng lùa đàn bà đi một chỗ xa để hãm hiếp…. Cơn kinh hoàng tột độ đó kéo dài tới gần sáng mới chấm dứt. Những phụ nữ được kéo trở về nằm bết bát trên nền sỏi đá san hô. Nhiều người tấm tức khóc. Nhiều người lả đi trong vòng tay nghẹn ngào tủi nhục của thân nhân.” Tác giả “Chim Hót Trong Lồng” kể.
Ông Thành vẫn nhớ “Trong số những phụ nữ trở về thiếu một người. Chúng tôi phải cùng nhau đốt đuốc đi tìm. Sau mới phát hiện ra cô gái đó trong lúc bị bọn cướp lôi đi đã vùng chạy lên bờ đá cao ở ven biển rồi lao mình xuống nước tự tử. Nhưng cô không chết mà bị sóng đẩy dạt vào bờ, kẹt vào một hốc đá. Cô gái ấy đã nhất định không chịu ra khỏi hốc đá ấy cho đến ngày có người đến cứu chúng tôi.”
“Hãy thử tưởng tượng một phụ nữ sống như vậy, trong hốc đá ẩm ướt đó 18 ngày. Lúc kéo được cô ấy ra, hai chân cổ như teo đi, không bước được. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh ông Ted Schweitzer đã cắn môi ổng đến bật máu khi chứng kiến cảnh đó.” Ông Thành hồi tưởng trong nỗi xúc động lẫn sự cảm kích đến vô cùng về sức chịu đựng của người phụ nữ.
Ngày 8 Tháng 11, tức khoảng 10 ngày sau khi thuyền ông Thành bị đưa vào đảo Kra, thêm một tàu tị nạn có 20 người được ngư phủ Thái Lan kéo vào. Qua ngày hôm sau, thêm một tàu có 37 người nữa lên đảo. Tới ngày 15 Tháng 11, một chiếc tàu vượt biên có 34 người nhưng bị hải tặc Thái Lan xô xuống biển làm chết đuối 16 người, còn lại 18 người bơi được vào nơi đây.
“Nhưng chưa kịp nghỉ ngơi, phụ nữ đã bị lôi đi hành hạ ngay.” Nhà văn viết lại bằng nỗi bàng hoàng, đau xót.
Ông Thành nói, “Tôi nhớ có một người phụ nữ trốn trong bụi rậm, bị bọn hải tặc phát hiện. Chúng kêu cô ấy ra, cổ nhất định không ra. Chúng tưới dầu đốt. Cổ lăn dưới đất, tấm lưng bị phỏng hết.”
“Cũng trong ngày 15 Tháng 11, chúng tôi phát hiện một trực thăng bay qua đảo, mọi người xô ra vẫy nhưng họ bay mất. Tình thế tưởng như không còn hy vọng gì thì hai hôm sau họ trở lại, đổ xuống bãi biển cho chúng tôi gạo, cá khô và thuốc men.” Dịch giả của “Thân Phận Dư Thừa” tiếp tục câu chuyện.
“Việc chúng tôi được tiếp tế, các ngư phủ Thái Lan đều nhìn thấy rõ. Họ lục lọi để kiếm chác thêm ít quần áo đã xơ xác của chúng tôi, lấy đi từng cái áo mưa rách, từng cái áo len của trẻ con, và phụ nữ nào mệt mỏi quá không đủ sức đi trốn nữa phải bò về thì lại bị tiếp tục hãm hiếp. Có người bị cả ngày lẫn đêm.”
Tuy nhiên, ông Trời cũng có mắt, không đày con người ta vào tận cùng của nghiệt ngã.
Địa ngục kinh hoàng đó chỉ kéo dài thêm đúng một ngày nữa là chấm dứt.
Chiều ngày 18 Tháng 11 nhóm người tiếp tế bằng trực thăng hôm trước nay trở lại bằng một tàu tuần của Hải quân.
Nhà văn Nhật Tiến cho biết, “Đó là Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ở Thái Lan do ông Theodore G. Schweitzer III (tên đầy đủ của Ted Schweitzer) là đại diện. Chính ông Theodore Schweitzer đã chứng kiến cái cảnh chúng tôi lôi từng phụ nữ từ khe đá lên mặt đất. Ai nấy nhìn thấy ánh sáng mặt trời đều ngất xỉu đến nỗi chính ông cũng phải xúc động quay đi không dám nhìn. Trước tình cảnh cùng cực của chúng tôi, ông Schweitzer đã an ủi, khích lệ chúng tôi rất nhiều, ông tuyên bố mọi sự hãi hùng từ nay sẽ chấm dứt.”
Tổng số 157 người của 4 tàu tị nạn được cứu khỏi đảo Kra ngày 18 Tháng 11, 1979. Chấm dứt những ngày đen tối nhất của hành trình tìm đến tự do của những người như ông Thành, như nhà văn Nhật Tiến.
Đi tìm ân nhân
Sau hơn 8 tháng ở trại tị nạn Songkhla, Thái Lan, ông Thành đến Mỹ vào Tháng Bảy, 1980 và bắt đầu làm lại cuộc đời, tạm quên đi những biến cố đau thương đã xảy ra, quên đi cả những người đã từng cứu mình thoát khỏi hòn đảo ma quỷ, ngoài việc nhớ tên người đại diện cho UNHCR ở Thái Lan là Ted Schweitzer.
“Cho đến khi trung tâm Thúy Nga lên kế hoạch tổ chức chương trình Tôi Là Người Việt Nam 2 nhân tưởng niệm 40 năm biến cố 30 Tháng Tư, trong đó muốn vinh danh những người đã từng cứu thuyền nhân Việt Nam. Tôi nhớ đến ông Ted Schweitzer và nhận lời sẽ đi tìm tung tích của ông, dù hơn 35 năm qua tôi chưa một lần liên lạc, cũng không biết giờ ông đang làm gì, còn hay mất.” Ông Thành cho biết lý do ông muốn tìm về vị ân nhân xưa.
Ông Thành kể, sau hai ngày tìm kiếm trên Internet, ông tình cờ thấy có quyển sách tựa đề “The Forgotten Pirate Hunter: Câu chuyện thật về Ted Schweitzer, người quản thủ thư viện đeo đuổi mục tiêu giải thoát người tị nạn Việt Nam,” viết bởi tác giả Reagan Martin do nhà xuất bản CreateSpace Independent Publishing platform phát hành năm 2013, có nhắc đến tên Ted Schweitzer.
“Khi tôi đọc trang đầu tiên của cuốn sách này, tôi đã thấy cả người mình như có luồng điện chạy qua, bởi, tôi thấy tôi ở trên hòn đảo đó, Tháng 11 năm 1979. Và tôi chợt hiểu thì ra bốn tấm ảnh mà ông Ted tặng tôi lúc ông ghé thăm chúng tôi ở trại tị nạn Songkhla từ đâu mà ra. Tôi đã giữ những bức ảnh đó để làm kỷ niệm suốt hơn 35 năm qua và thật không bao giờ có thể ngờ được là giờ đây mình đang được đọc xuất xứ của chúng, qua một quyển sách.” Ông Thành, thuyền nhân 20 tuổi ngày nào, nói trong sự vui mừng lẫn xúc động.
Quả thật, ngay trong lời giới thiệu của quyển “The Forgotten Pirate Hunter”, tác giả đã kể lại: ngày 16 Tháng 11, 1979, viên phi công lái trực thăng của một hãng dầu đã bay ngang qua đảo Kra trên đường trở về nhà. Từ trên máy bay nhìn xuống, người phi công thấy thấp thoáng hàng trăm con người mà không có chiếc tàu nào. Ngay lập tức ông hiểu chuyện gì xảy ra, bởi lẽ ông từng nghe nói đây là nơi bọn hải tặc Thái Lan giam cầm những người Việt Nam vượt biên.
Nghĩ rằng cần phải thông báo cho một ai đó biết tin này, nhưng báo cho nhà cầm quyền Thái Lan thì thật là vô ích, vì họ chẳng quan tâm chuyện gì đã xảy ra cho những con người này. Nghĩ vậy nên viên phi công gọi báo cho UNHCR ở Thái Lan hay những gì ông nhìn thấy.
Một người đàn ông phía đầu dây bên kia đề nghị người phi công đưa ông ta đến nơi hòn đảo ấy. Viên phi công thoạt đầu miễn cưỡng, không muốn dính líu vào, nhưng sau đó, cũng đồng ý.
Hai ngày sau, người đại diện của UNHCR cùng viên phi công bay trở lại đảo Kra. Từ trên máy bay nhìn xuống, người đại diện này cảm thấy lòng mình quặn đau. Ông không chỉ thấy những chiếc tàu của bọn hải tặc, mà còn thấy cả những xác người trôi trên biển. Từ trên máy bay, ông chụp lại những gì mình trông thấy (những tấm ảnh ông Thành có được chính là ảnh chụp từ đây - NV). Không thể thuyết phục người phi công đáp xuống đảo lúc ấy, vị đại diện của UNHCR chỉ biết rằng mình sẽ phải trở lại, bằng cách nào đó.
Viên chức đại diện cho UNHCR Thái Lan đó chính là Theodore Schweitzer, người mới nhận công việc này chưa bao lâu.
Ngay lập tức, ông Ted Schweitzer buộc Cảnh sát tuần duyên Thái Lan phải đưa ông trở lại đảo Kra. Và ông đã cứu được 157 thuyền nhân Việt Nam có mặt trên đảo lúc đó, như nhà văn Nhật Tiến kể trên.
Bàng hoàng lẫn xúc động khi thấy tên nhà văn Nhật Tiến cùng chuyện vượt biên của nhóm thuyền nhân ở trên đảo Kra ngày nào được nhắc đến, ông Thành đã thức suốt đêm để đọc cho hết quyển sách.
Ông kể, “Sáng hôm sau, tôi email cho nhà xuất bản để hỏi thăm tung tích của ông Ted, nhân vật được nhắc đến trong quyển The Forgotten Pirate Hunter. Ba ngày sau câu trả lời từ nhà xuất bản là họ cũng không biết ông ấy đang ở đâu. Họ đề nghị tôi nên tìm ở ‘public record.’”
Bằng cách này, ông Thành có được địa chỉ và số điện thoại của rất nhiều người cùng tên Ted Schweitzer. Tuy nhiên, mọi liên lạc cho biết đó không phải là ông Ted mà ông Thành muốn tìm.
“Trong lúc tưởng chừng tuyệt vọng, thì tôi tìm được một website chuyên tìm kiếm người. Tôi trả tiền và họ đưa một số email để tôi thử liên lạc. Hơn một tiếng đồng hồ gửi email đi trong tâm trạng không mấy hy vọng thì tôi nghe tiếng điện thoại reng. Linh tính cho tôi biết đó là Ted Schweitzer. Tôi bắt phone, người phía đầu dây bên kia nói anh ta là con trai của Ted Schweitzer, tên Max Schweitzer, và xác nhận cha anh ta chính là người mà tôi đang muốn tìm.” Ông Thành kể lại với đầy niềm vui của người hoàn thành sứ mạng được giao, dù không được nói chuyện trực tiếp với ông Ted Schweitzer do ông đang có nhiệm vụ ngoài nước Mỹ, mà đều qua trung gian con trai ông.
Cũng từ những trang sách này, người ta còn biết thêm rằng, sau nhóm thuyền nhân đầu tiên mà ông Ted Schweitzer cứu, trong đó có ông Thành và nhà văn Nhật Tiến, ông còn một mình quay trở lại đảo Kra nhiều lần, tự bỏ tiền túi mướn tàu đánh cá chở ông vào đảo vì cảnh sát Thái Lan không muốn giúp đỡ ông. Ông cũng bị hải tặc Thái Lan đánh hội đồng dã man đến bất tỉnh, gãy xương, chảy máu thận và sau khi bị chính phủ Thái trục xuất về Mỹ ông vẫn phải tiếp tục điều trị những thương tích này.
“Tôi nghĩ nếu chính phủ Thái không trục xuất ông thì có lẽ ông sẽ không còn sống đến ngày hôm nay, vì với lòng thương yêu thuyền nhân vô bờ bến, chắc chắn ông sẽ còn tiếp tục một mình đi ra đảo Kra để tiếp cứu thêm rất nhiều thuyền nhân Việt Nam và như thế khó mà bảo toàn tánh mạng với bọn hải tặc.” Ông Thành nhận xét.
Cũng trong “The Forgotten Pirate Hunter”, người ta ước tính rằng ông Ted Schweitzer đã quay trở lại đảo Kra trên 20 lần và một mình ông đã cứu được ít nhất là trên 1,200 thuyền nhân Việt Nam. Năm 1981, UNHCR được trao giải Nobel Hòa Bình, một phần do công lao của Ted Schweitzer. Khi nhận được giải thưởng cao quý nầy, các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc đã gởi tặng ông một tấm sao của huy chương Nobel để tỏ lòng biết ơn về những sự hy sinh của ông trong công tác cứu vớt thuyền nhân Việt Nam.
Cũng theo ông Thành, trong lúc đi tìm kiếm lại vị ân nhân xưa, ông được biết một nhà sản xuất phim đang dự định làm phim về cuộc đời và những công việc mà ông Ted Schweitzer từng làm, từ một quản thủ thư viện ở một trường học tại Thái Lan, một người từng được gửi sang Cambodia trước khi chính quyền rơi vào tay Khmer Đỏ để làm nhiệm vụ thu nhặt lại những tài liệu, những thiết bị đã bị phá hủy của quân đội Hoa Kỳ trong thời chiến tranh Việt Nam, và đặc biệt là người có vai trò nhất định trong việc đưa đến sự ban giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam vào năm 1995.
Tình người trong cơn tuyệt vọng
Ngoài sự can đảm của các thuyền nhân, nhất là những người phụ nữ, và lòng tri ân những người như ông Ted Schweizer, thì tình người là điều được cả nhà văn Nhật Tiến và ông Thành nâng niu trong ký ức suốt mấy mươi năm qua.
“Tình người. Tôi thấy thấm thía hơn về chữ nhường cơm xẻ áo, nhất là trong tình trạng tuyệt vọng như thế, thì đó không phải ai cũng có thể làm được.” Ông Thành nói về điều mình còn lưu giữ về chuyến vượt biên từ hơn 35 năm trước.
Tác giả Nhật Tiến kể, ngày mới lên đảo Kra ông còn mặc một chiếc áo len dầy để có thể chịu qua được những đêm mưa lạnh hay ngủ ngoài trời. Tuy nhiên, chiếc áo đó đã bị một tên hải tặc lột đi.
“Những ngày sau đó, tôi lạnh run những lúc đêm về, nhưng may mắn sao, vào một lần đi quanh đảo, tôi bắt gặp cái áo nỉ cộc tay của ai đó vứt ngay trên bờ cỏ. Tôi đã lượm lên và mặc nó suốt những ngày còn lại trên đảo và cả hàng tháng trời sau khi nhập trại Songkhla.”
Cho tới khi nhận được tiền tiếp tế của thân nhân, ông mua được cái áo ấm khác để thay. Đến khi đó mới có một người phụ nữ đi cùng ghe với ông đến xin lại chiếc áo làm kỷ niệm. Bởi: “Bà cho biết cái áo nỉ ấy là của bà, bị hải tặc lấy đi, nhưng sau chắc mặc không vừa nó vứt đi và vì thế tôi lượm được. Những ngày sống trên đảo, chủ nhân của cái áo ấy đã nhìn thấy tôi mặc, nhưng thấy tôi ốm yếu, trời lại lạnh, nên bà lẳng lặng nhường cho tôi mặc. Nay mọi sự đã ổn định, bà xin lại chiếc áo để giữ làm kỷ niệm.”
“Tôi đã ứa nước mắt trả lại cho bà, và những ngày sau, tôi vẫn còn khóc được mỗi khi nghĩ đến tấm lòng nhường nhịn chia sẻ của bà, đã dành cho tôi ở trong cái hoàn cảnh mà ai nấy đều đói, lạnh và yếu đau hết. Tình người quả là thứ quý giá biết bao và không một thứ vật chất nào có thể so sánh được.” Nhà văn của “Thềm Hoang” nhớ lại.
Với ông Thành thì “Có một hình ảnh mà tôi không thể nào không nhắc tới, đó là khi được ông Ted Schweitzer đến cứu, mọi người đều muốn nhanh chân chạy xuống tàu. Vậy mà chú Tiến (nhà văn Nhật Tiến – NV) lại quành trở lại vừa đi vừa tìm những cục than rồi leo lên căn chòi nơi chứa những bình gaz để thắp sáng cho ngọn hải đăng duy nhất trên đỉnh núi để ghi lại chỉ chỗ gạo giấu ở đâu, lấy nước ở chỗ nào.”
“Nghĩa cử đó, trong hoàn cảnh đó, nói lên được rất nhiều điều về nhân cách của một con người.” Ông Thành nhận xét.
Gần bốn thập niên trôi qua, nếu mãi hoài niệm về nỗi đau thì sẽ thấy “dân tộc này sao quá nhiều đắng cay”. Nhưng bước qua nỗi đau, cất lại tất cả oan khiên cay nghiệt nhất của đời người vào ngăn tủ của ký ức, để chỉ nâng niu, trân quý và nhớ đến những điều cao cả nhất về tình người, sự quả cảm và lòng biết ơn là điều trái tim con người mong hướng tới. Và nhiều người đã bước tới.
04-29-2015 6:01:40 PM
Ngọc Lan/Người Việt
No comments:
Post a Comment